Công dụng thuốc Glucose 30

Thuốc Glucose 30 thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp hạ đường huyết, thiếu hụt Carbohydrate hoặc mất nước do tiêu chảy,... Trong quá trình sử dụng Glucose 30%, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao và thực hiện theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Thuốc Glucose 30 là thuốc gì?

Thuốc Glucose 30 thuộc nhóm dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng axit base, được sản xuất bởi Công ty cổ phần hóa - Dược phẩm Mekophar – Việt Nam. Thuốc Glucose 30 được dùng cho các trường hợp bị thiếu hụt dịch và Glucose do suy dinh dưỡng, ngộ độc rượu,...

Hiện nay, Glucose 30 được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, đóng gói theo quy cách lọ 250ml hoặc 500ml. Trong mỗi ống thuốc tiêm Glucose 30% có chứa hoạt chất chính là Glucose (hàm lượng 1,5g) cùng các tá dược khác vừa đủ 5ml.

Vậy thành phần chính trong thuốc Glucose 30 có tác dụng gì? Theo nghiên cứu cho thấy, Glucose đóng vai trò là đường đơn có chứa 6C, thường được sử dụng chủ yếu để khắc phục các tình trạng bị thiếu hụt Glucose và dịch, đồng thời giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho bệnh nhân.

Hoạt chất chính Glucose trong thuốc Glucose 30% có tốc độ chuyển hoá nhanh trong cơ thể dưới dạng nước và Carbon dioxide. Ngoài ra, Glucose cũng giải phóng ra năng lượng cho cơ thể. Chính vì công dụng này mà Glucose thường được sử dụng kết hợp cùng các dung dịch điện giải nhằm giúp dự phòng và điều trị tình trạng mất nước do tiêu chảy gây ra. Không những vậy, Glucose cũng có tác dụng cải thiện hạ đường huyết rất hiệu quả.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Glucose 30

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Glucose 30

Thuốc Glucose 30% thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị tình trạng thiếu hụt carbohydrate.
  • Điều trị tình trạng hạ đường huyết do ngộ độc rượu, suy dinh dưỡng, chấn thương hoặc stress gây tăng chuyển hoá.
  • Điều trị tình trạng mất nước xảy ra do tiêu chảy.

2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Glucose 30

Không sử dụng thuốc Glucose 30 cho các trường hợp dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân quá mẫn hoặc dị ứng với Glucose và bất kỳ thành phần nào có mặt trong dịch truyền.
  • Chống chỉ định Glucose 30 cho bệnh nhân không dung nạp được Glucose.
  • Không truyền tĩnh mạch Glucose cho bệnh nhân chưa bù điện giải khi gặp phải tình trạng mất nước nhược trương.
  • Chống chỉ định dùng Glucose 30 cho bệnh nhân bị hạ Kali huyết, ứ nước, hôn mê tăng thẩm thấu, nhiễm toan, chảy máu trong tủy sống / sọ và vô niệu.
  • Không điều trị bằng dịch truyền Glucose 30 cho người vừa trải qua cơn tai biến mạch máu não.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Glucose 30

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Glucose 30

Thuốc Glucose 30 thường được tiêm tĩnh mạch chậm từ 5 – 20ml / lần hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều tiêm truyền tối đa Glucose 30% mà bác sĩ khuyên dùng là từ 500 – 800mg / kg / giờ.

3.2. Cách sử dụng thuốc Glucose 30

Thuốc Glucose 30 được tiêm vào tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch ngoại vi của bệnh nhân. Tốc độ tiêm truyền Glucose theo khuyến cáo là từ 3 – 5ml / phút. Trong quá trình dùng thuốc, các chỉ số đường huyết của bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ.

Khi truyền tĩnh mạch trung tâm cần dùng các dung dịch ưu trương. Thuốc Glucose 30 được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch trung tâm cho những bệnh nhân có dấu hiệu tăng chuyển hoá hoặc suy dinh dưỡng. Điều này là do Glucose được pha loãng nhanh hơn.

Trong trường hợp cấp cứu hạ đường huyết, bệnh nhân có thể cần phải truyền chậm Glucose 30 vào tĩnh mạch ngoại vi. Tuy nhiên, sử dụng thuốc theo đường này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn hoặc chỉ áp dụng như liệu pháp bổ trợ nuôi dưỡng thêm cho đường tiêu hoá hoặc dành cho bệnh nhân có nguy cơ cao bị tai biến khi truyền qua tĩnh mạch trung tâm.

Khi tiêm truyền quá liều thuốc Glucose 30, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như rối loạn cân bằng điện giải, phù hoặc tăng glucose huyết. Để xử trí tình trạng này, bác sĩ có thể tiêm insulin hoặc giảm liều thuốc cho bệnh nhân. Trong trường hợp mức đường trong máu tăng cao hay có đường niệu, bác sĩ sẽ tiến hành cân chỉnh lại giữa nước và điện giải, đồng thời điều chỉnh tốc độ truyền cũng như thể tích dịch truyền.

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm truyền Glucose 30

Trong quá trình tiêm truyền thuốc Glucose 30, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn sau:

  • Phản ứng thường gặp: Có cảm giác đau ngay tại vị trí tiêm tĩnh mạch, đặc biệt khi tiêm truyền dung dịch Glucose ưu trương có độ pH thấp; viêm tắc tĩnh mạch, kích ứng tĩnh mạch hoặc thậm chí hoại tử chỗ tiêm nếu dung dịch thuốc thoát khỏi mạch.
  • Phản ứng ít gặp: Hạ Kali huyết, hạ Phốt pho huyết hoặc hạ Magnesi huyết.
  • Phản ứng hiếm gặp: Ngộ độc nước, phù, mất nước do glucose huyết cao.

Khi có một trong các dấu hiệu được đề cập ở trên xuất hiện trong hoặc sau quá trình tiêm truyền tĩnh mạch Glucose 30, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ đảm nhận việc điều trị để có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Glucose 30

5.1. Bệnh nhân cần thận trọng gì khi dùng thuốc Glucose 30?

Dưới đây là những điều bệnh nhân cần thận trọng khi tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Glucose 30, bao gồm:

  • Trước khi tiêm Glucose 30 cần kiểm tra hạn sử dụng thuốc. Tuyệt đối không dùng khi thuốc đã quá hạn.
  • Kiểm tra ống tiêm có rò rỉ dịch hay không, đồng thời xem độ trong của dung dịch. Nếu quan sát mắt thường thấy có tiểu phân thì cần tránh sử dụng thuốc tiếp.
  • Luôn theo dõi chặt chẽ các chỉ số đường huyết, các chất điện giải và nước của bệnh nhân nhằm bổ sung lúc cần thiết.
  • Không sử dụng cùng một bộ dây truyền để truyền dung dịch Glucose 30 và máu, vì điều này dễ gây ra tình trạng tắc nghẽn và tán huyết.
  • Khi truyền dung dịch Glucose vào tĩnh mạch có thể gây ra tình trạng rối loạn dịch và điện giải, bao gồm hạ Phốt pho huyết, hạ Magnesi huyết hoặc hạ Kali huyết.
  • Tránh truyền quá nhanh hoặc kéo dài một lượng lớn dung dịch Glucose ưu trương vì điều này dễ dẫn đến tình trạng tăng glucose huyết gây mất nước tế bào.
  • Tuyệt đối không truyền dung dịch Glucose ưu trương cho người đang bị mất nước bởi điều này sẽ khiến tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn do tác động của lợi niệu thẩm thấu.
  • Bệnh nhân bị tiểu đường cần tránh truyền nhanh Glucose vì dễ dẫn đến tăng Glucose huyết.
  • Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, sốc chấn thương, không dung nạp Glucose, thiếu Thiamin hoặc bị sốc nhiễm khuẩn cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc Glucose 30.
  • Sử dụng dung dịch Glucose 30 đường tiêm tĩnh mạch cho phụ nữ mang thai có thể làm tăng nguy cơ lượng đường trong máu cao ở thai nhi, thậm chí dẫn đến tình trạng nhiễm toan chuyển hoá và hạ đường huyết cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ nữ đang trong thai kỳ chỉ nên tiêm truyền Glucose 30 khi có chỉ định và được theo dõi sát sao bởi bác sĩ.
  • Có thể dùng Glucose 30 cho phụ nữ nuôi con bú và an toàn đối với người lái xe hoặc điều khiển phương tiện máy móc.
  • Nên bảo quản Glucose 30 ở nhiệt độ khoảng 25 độ C, cất nơi khô ráo và thoáng mát, tránh để đông lạnh dung dịch.

5.2. Tương tác của Glucose 30 với các thuốc khác

Thuốc Glucose 30 có thể tương tác khi dùng chung với những thuốc sau:

  • Gây ra tình trạng kết tủa Indomethacin khi dùng phối hợp với dung dịch chứa Glucose có độ pH dưới 6.
  • Làm giảm tác dụng của Insulin.

Nhằm tránh nguy cơ xảy ra tương tác giữa Glucose 30 với các thuốc khác, bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số xét nghiệm, thông tin thuốc bệnh nhân đang dùng, tiền sử và tình trạng sức khoẻ hiện tại của người bệnh để đưa ra chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan