Công dụng thuốc Makrodex

Thuốc Makrodex được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính là Roxithromycin. Thuốc Makrodex được sử dụng trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất của thuốc.

1. Công dụng của thuốc Makrodex 150mg

Mỗi viên thuốc Makrodex 150mg có thành phần chính là Roxithromycin 150mg cùng tá dược vừa đủ. Roxithromycin là một loại kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm macrolid. Roxithromycin tập trung nhiều trong các đại thực bào và tế bào bạch cầu đa nhân, nồng độ Roxithromycin nội bào lớn hơn so với ngoài tế bào. Roxithromycin tăng cường sự kết dính cùng chức năng hóa học của tế bào này, khi xảy ra hiện tượng nhiễm trùng làm tăng thực bào và ly giải vi khuẩn.

Tại nồng độ đạt được trong huyết tương với liều điều trị khuyến cáo, Roxithromycin đã được chứng minh có khả năng chống lại các loại vi khuẩn sau: Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia sp và Ureaplasma urealyticum. Roxithromycin đã được chứng minh có tác dụng chống lại các loại vi sinh vật khá nhạy cảm như: Haemophilus influenzae và Staphylococcus.

Tác dụng cụ thể của Roxithromycin: Roxithromycin có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn, nhất là tại vùng tử cung, phổi, tuyến tiền liệt, xoang,... do thuốc Roxithromycin đạt nồng độ cao ở các vị trí này.

Chỉ định: Thuốc Makrodex 150mg được sử dụng trong điều trị:

  • Nhiễm trùng đường niệu - sinh dục: Viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm tử cung, viêm cổ âm đạo, viêm vòi tử cung đặc biệt do nhiễm Chlamydia;
  • Nhiễm trùng da và mô mềm: Nhọt, nhọt độc, viêm nang, chốc lở, bệnh mủ da, viêm quầng, loét miệng do nhiễm trùng, chứng viêm nang do nhiễm trùng;
  • Nhiễm trùng ở răng miệng;
  • Nhiễm trùng tai - mũi - họng: Viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm thực quản.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Makrodex cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh thuộc nhóm macrolid;
  • Không sử dụng đồng thời roxithromycin với các hợp chất gây co mạch kiểu ergotamin;
  • Không sử dụng roxithromycin và các loại macrolid khác cho bệnh nhân đang sử dụng terfenadin hay astemizol do nguy cơ loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng;
  • Không được sử dụng phối hợp macrolid với cisaprid do nguy cơ xảy ra loạn nhịp tim nặng.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Makrodex

Cách dùng: Thuốc Makrodex 150mg được bào chế dưới dạng viên nén nên người bệnh dùng bằng đường uống. Sử dụng thuốc cùng với nước, tránh uống cùng với bia, rượu, cà phê hay một số chất kích thích khác.

Liều dùng:

  • Đối với người lớn: Liều dùng hàng ngày là 150mg, uống 2 lần/ngày vào trước bữa ăn, không nên sử dụng kéo dài quá 10 ngày. Nên kéo dài việc dùng thuốc tối thiểu 2 ngày sau khi giảm triệu chứng. Điều trị bằng thuốc ít nhất 10 ngày trong trường hợp viêm đường niệu, nhiễm Streptococci, viêm âm đạo - cổ tử cung, dùng thuốc tối đa 4 tuần;
  • Trẻ em:
    • Liều thường dùng: 5 - 8 mg/kg/ngày, chia thành 2 lần;
    • Theo cân nặng:
      • Từ 6 - 11kg: 25mg, dùng 2 lần/ngày;
      • Từ 12 - 23kg: 50mg, dùng 2 lần/ngày;
      • Từ 24 - 40kg: 100mg, dùng 2 lần/ngày;
    • Không nên dùng thuốc Makrodex dạng viên cho trẻ em dưới 4 tuổi.
  • Người bị suy gan nặng: Cần lưu ý phải giảm liều bằng một nửa so với liều bình thường;
  • Bệnh nhân suy thận: Người bị suy thận không cần phải thay đổi liều thường dùng của thuốc.

Cần lưu ý: Liều lượng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn để có liều lượng dùng hiệu quả.

Quá liều: Trong các trường hợp quá liều thuốc Makrodex có thể rửa dạ dày để loại bỏ thuốc còn lại trong dạ dày. Cần lưu ý điều trị triệu chứng theo yêu cầu. Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với thuốc.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Makrodex

Một số tác dụng không mong muốn bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Makrodex là:

  • Thường gặp: Đau thượng vị, buồn nôn, nôn, ỉa chảy;
  • Ít gặp:
    • Phản ứng quá mẫn: Mày đay, phù mạch, phát ban, ban xuất huyết, sốc phản vệ, co thắt phế quản;
    • Thần kinh trung ương: Đau đầu, chóng mặt hoa mắt, giảm khứu giác và/hoặc vị giác, chứng dị cảm;
    • Tăng các loại vi khuẩn kháng thuốc, bội nhiễm;
  • Hiếm gặp: Tăng enzym gan trong huyết thanh, triệu chứng viêm tụy (rất hiếm), viêm gan ứ mật.

Bệnh nhân cần thông báo cho các bác sĩ về các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Makrodex để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Makrodex

Một số chú ý và thận trọng người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Makrodex 150mg là:

  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Makrodex cho người bệnh suy chức năng gan, trẻ em dưới 6 tháng tuổi;
  • Không cần phải điều chỉnh liều dùng thuốc Makrodex cho đối tượng người cao tuổi và người bệnh suy chức năng thận;
  • Chỉ sử dụng thuốc Makrodex cho người mang thai khi thật cần thiết, mặc dù hiện chưa có tài liệu nào nói đến việc roxithromycin gây những khuyết tật bẩn sinh;
  • Roxithromycin bài tiết được qua sữa mẹ với nồng độ rất thấp. Dù vậy, vẫn không nên dùng thuốc Makrodex trong thời kỳ đang cho con bú, trừ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ và bệnh nhân nhận được sự cho phép của bác sĩ;
  • Trong quá trình điều trị bệnh với thuốc Makrodex, người bệnh cần thận trọng đặc biệt khi lái xe, vận hành máy móc do thuốc có khả năng gây ra các hiện tượng như: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

5. Tương tác thuốc Makrodex

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của một số loại thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng không mong muốn. Do đó, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc/dược phẩm mình đang sử dụng và tiền sử bệnh lý của bản thân, gia đình.

Một số tương tác thuốc Makrodex và các dạng tương tác khác cần lưu ý:

  • Phối hợp Roxithromycin với một trong các loại thuốc sau: Terfenadin, astemizol, cisaprid có khả năng gây ra loạn tim trầm trọng. Do vậy, không được sử dụng phối hợp với các thuốc này để điều trị bệnh;
  • Thuốc Makrodex không có tương tác đáng kể với carbamazepin, warfarin, cyclosporin và thuốc tránh thai đường uống;
  • Thuốc Makrodex làm gia tăng nhẹ nồng độ cyclosporin hoặc theophylin trong huyết tương nhưng không cần thiết phải thay đổi liều thường dùng;
  • Thuốc Makrodex có thể làm gia tăng nồng độ disopyramide không liên kết trong huyết thanh;
  • Không nên phối hợp thuốc Makrodex với bromocriptin vì roxithromycin làm gia tăng nồng độ của thuốc bromocriptin trong huyết tương.

Trong quá trình điều trị với thuốc Makrodex, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý lắng nghe và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, để phòng hệ lụy do các tác dụng không mong muốn, người bệnh nên kịp thời báo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

33 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan