Công dụng thuốc Noaztine

Thuốc Noaztine thuộc nhóm thuốc kháng histamin; chất đối kháng thụ thể histamin H1 nên được chỉ định điều trị một số tình trạng ngạt mũi, dị ứng, phòng và điều trị buồn nôn, nôn, chóng mặt do say tàu xe. Tìm hiểu thông tin về thành phần, công dụng giúp người bệnh có thể sử dụng thuốc hiệu quả.

1. Công dụng thuốc Noaztine là gì?

1.1. Thuốc Noaztine là thuốc gì?

Thuốc Noaztine thuộc nhóm thuốc kháng histamin; chất đối kháng thụ thể histamin H1. Thuốc Noaztine bao gồm các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Diphenhydramin hydroclorid 50mg.
  • Tá dược: Dicalciphosphat, avicel, aerosil, magnesi stearat, tinh bột sắn, p.v.p, D.S.T, indigo carmine.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 50mg, vỉ 4 viên, hộp 20 vỉ và được khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên.

1.2. Thuốc Noaztine chữa bệnh gì?

Thuốc Noaztine chữa bệnh gì? Thuốc Noaztine với thành phần chính là Diphenhydramin là một thuốc kháng histamin H1 nên có các công dụng sau đây:

  • Ngăn cản tác dụng của histamin, tác nhân gây ra các biểu hiện dị ứng đặc trưng ở đường hô hấp (ho), mũi (ngạt mũi, sổ mũi), da (ban đỏ, ngứa).
  • Diphenhydramin được dùng để phòng và điều trị buồn nôn, nôn, chóng mặt do say tàu xe. Tác dụng này một phần là do tính chất kháng cholinergic và ức chế hệ thần kinh trung ương của thuốc.
  • Dùng Diphenhydramin đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống Parkinson khác để điều trị sớm chứng run trong hội chứng Parkinson. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể có ích trong điều trị các phản ứng ngoại tháp do thuốc gây ra.
  • Thuốc Noaztine được dùng để điều trị ngắn ngày chứng mất ngủ.

Ngoài ra, thuốc còn được dùng để bôi ngoài da để điều trị chứng ngứa và đau do tổn thương da.

2. Cách sử dụng thuốc Noaztine

2.1. Cách dùng thuốc Noaztine

Thuốc Noaztine được bào chế dạng viên nén thuận lợi cho việc dùng thuốc bằng đường uống. Người bệnh cần uống thuốc với một lượng nước lọc vừa đủ, có thể sử dụng thuốc Noaztine cùng với thức ăn, nước hay sữa để làm giảm tình trạng kích thích dạ dày. Trong trường hợp dùng thuốc với tác dụng chống say tàu xe cần sử dụng trước khi đi 1 – 2 tiếng.

Người bệnh cần chú ý không cắn vỡ, nhai, nghiền nát mà uống nguyên cả viên thuốc.

2.2. Liều dùng của thuốc Noaztine

Người lớn: liều tối đa 300 mg/ ngày.

  • Kháng histamin, chống dị ứng: 25 – 50mg/ lần, 4 – 6 giờ uống một lần.
  • Giảm rối loạn vận động: liều đầu 25 mg/ lần và uống 3 lần/ ngày, sau tăng lên 50mg/ lần và uống 4 lần trong ngày.
  • Chống nôn, chống say tàu xe: 25 – 50mg/ lần, từ 4 – 6 giờ uống một lần.
  • An thần, gây ngủ: Mỗi lần uống 50 mg, 20 – 30 phút trước khi đi ngủ.

Trẻ em trên 6 tuổi:

  • Kháng Histamin, chống dị ứng: uống 6.25 – 25 mg/lần tùy vào tuổi, 3 – 4 lần/ngày, liều tối đa 150 mg/ ngày.
  • Chống nôn, giảm tình trạng chóng mặt: uống 1 – 1,5 mg/kg/lần, 3 – 4 lần/ ngày, liều tối đa 300 mg/ ngày.

3. Xử trí khi quá liều và quên liều thuốc Noaztine

  • Xử lý khi quên liều: Người bệnh cần uống ngay khi nhớ ra, nếu gần đến liều sau thì cần bỏ qua liều quên và tiếp tục dùng thuốc như bình thường, không dùng bù liều vào lần dùng sau.
  • Xử trí khi quá liều: Có tư liệu về ngộ độc diphenhydramin ở trẻ em: với liều 470mg đã gây ngộ độc nặng ở một trẻ 2 tuổi và liều 7,5g gây ngộ độc nặng ở một trẻ 14 tuổi. Sau khi rửa dạ dày, ở cả 2 trường hợp vẫn còn các triệu chứng kháng cholinergic, khoảng QRS giãn rộng ra trên điện tâm đồ và tiêu cơ vân. Vì thế, khi sử dụng quá liều thuốc và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm thì người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc và thông báo cho các bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Chống chỉ định của thuốc Noaztine

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính diphenhydramin, thuốc kháng histamin khác hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Noaztine.
  • Bệnh nhân hen phế quản
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Người đang dùng IMAO

5. Lưu ý khi dùng thuốc Noaztine

Trong quá trình sử dụng thuốc Noaztine, người bệnh cần lưu ý:

  • Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho các đối tượng có tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, tắc bàng quang hay hẹp môn vị do thuốc có tác dụng kháng cholinergic mạnh. Chỉ dùng cho những đối tượng này khi thật cần thiết.
  • Tác dụng an thần của thuốc có thể tăng lên nhiều khi dùng đồng thời với rượu hoặc với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Thận trọng với bệnh nhân nhược cơ, yếu cơ hay mắc bệnh tăng nhãn áp góc hẹp.
  • Phụ nữ mang thai: Chưa ghi nhận các trường hợp ảnh hưởng của thuốc với bà mẹ cũng như thai nhi khi dùng thuốc trong thai kỳ. Tuy nhiên, bà bầu vẫn nên thận trọng trong quá trình sử dụng.
  • Phụ nữ cho con bú: Thuốc Noaztine có khả năng bài tiết ra sữa mẹ nhưng ở liều rất thấp, rất ít ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Vì vậy, có thể cân nhắc những lợi ích và nguy cơ sử dụng cho trẻ bú mẹ.
  • Thận trọng khi dùng cho người lái xe và vận hành máy móc do thuốc có thể gây buồn ngủ hay hội chứng ngoại tháp ảnh hưởng đến quá trình làm việc.

6. Tác dụng phụ của thuốc Noaztine

Trong quá trình sử dụng thuốc có thể xảy ra các tác dụng phụ với tần suất như sau:

Thường gặp:

  • Hệ thần kinh trung ương: ngủ gà từ nhẹ đến vừa, nhức đầu, mệt mỏi, tình trạng kích động.
  • Hô hấp: dịch tiết phế quản đặc hơn.
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, khô miệng, tăng cân, khô niêm mạc.

Ít gặp:

  • Tim mạch: giảm huyết áp, đánh trống ngực, phù.
  • Hệ thần kinh trung ương: an thần, chóng mặt, kích thích nghịch thường, mất ngủ, trầm cảm.
  • Da: nhạy cảm với ánh sáng, ban, phù mạch.
  • Sinh dục - niệu: bí tiểu.
  • Gan: viêm gan.
  • Thần kinh - cơ, xương: đau cơ, dị cảm, run.
  • Mắt: nhìn mờ.
  • Hô hấp: co thắt phế quản, chảy máu cam.

Thời gian bảo quản của thuốc là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản thuốc Noaztine ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc ban đầu và tránh ánh sáng trực tiếp. Để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan