Công dụng thuốc Tranocin

Thuốc Tranocin thường được kê đơn dùng ngoài da cho các trường hợp mắc những vấn đề về da liễu như ngứa, dị ứng, phát ban, nhiễm trùng da,... Trước và trong suốt khoảng thời gian điều trị bằng thuốc Tranocin, bệnh nhân nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ về liều lượng và cách dùng thuốc hiệu quả để sớm đẩy lùi bệnh.

1. Thuốc Tranocin là thuốc gì?

Trong mỗi tuýp thuốc Tranocin có chứa hoạt chất chính là Neomycin và Triamcinolone. Hoạt chất Triamcinolone acetonide là một loại Corticoid có khả năng kháng viêm tương đối mạnh. Trong khi đó, Neomycin sulfate giữ vai trò là một loại khánh sinh diệt khuẩn có thể dùng phối hợp cùng Triamcinolone để tăng thêm hiệu quả điều trị các vấn đề về da liễu.

2. Thuốc Tranocin có tác dụng gì?

Thuốc Tranocin thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp dưới đây:

  • Viêm da.
  • Dị ứng da.
  • Ngứa da.
  • Nhiễm trùng da.

Bệnh nhân cần tuân thủ sử dụng thuốc Tranocin theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh tự ý điều trị khi chưa được chỉ định.

Không sử dụng thuốc Tranocin cho những đối tượng dưới đây khi chưa được bác sĩ chấp thuận:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với Neomycin, Triamcinolone hay bất kỳ thành phần tá dược khác trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Tranocin cho người bị nhiễm vi rút, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn ở họng hoặc miệng.
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ.
  • Phụ nữ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tranocin

3.1. Liều dùng thuốc Tranocin theo khuyến cáo của bác sĩ

Thuốc Tranocin sẽ được dùng theo đơn của bác sĩ với liều khuyến cáo chung là bôi ngoài da từ 1 – 2 lần / ngày. Bệnh nhân chỉ nên bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương, tránh bôi lớp thuốc quá dày và điều trị trong vòng dưới 8 ngày.

Khi dùng thuốc Tranocin, bạn cần áp dụng chính xác liều dùng được khuyến nghị trên bao bì, tờ thông tin hướng dẫn hoặc chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý tính toán, điều chỉnh hay thay đổi liều dùng thuốc khi chưa tham khảo kỹ ý kiến thầy thuốc.

3.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Tranocin

Thuốc Tranocin được bào chế dưới dạng thuốc mỡ và dùng để bôi ngoài da. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được dùng thuốc Tranocin theo các đường khác như uống hoặc tra mũi mắt. Khi thoa thuốc, bạn chỉ nên bôi một lớp mỏng vừa đủ lên khu vực da bị bệnh, tránh sử dụng lan rộng ra các vùng da khỏe mạnh khác. Nếu thuốc lỡ bị dính lên niêm mạc hoặc mắt, bạn cần nhanh chóng rửa sạch với nước.

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Tranocin

Trong quá trình sử dụng thuốc Tranocin, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:

  • Điều trị lâu ngày bằng thuốc Tranocin gây suy thượng thận.
  • Dị hoá protein.
  • Thay đổi chuyển hoá đường.
  • Loét tiêu hoá.

Nếu nhận thấy xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên trong thời gian sử dụng thuốc Tranocin, bệnh nhân cần ngưng điều trị và nhanh chóng báo cho bác sĩ biết để sớm có cách khắc phục. Một số tác dụng phụ do thuốc Tranocin gây ra thường biến mất sau khi ngừng điều trị, tuy nhiên cũng có các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm.

5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Tranocin

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân nên lưu ý để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc Tranocin:

  • Khi sử dụng thuốc Tranocin trên diện rộng hoặc bôi ở vùng da bị tổn thương hay dưới lớp gạc băng kín, hoạt chất trong thuốc sẽ được hấp thụ với lượng vừa đủ để dẫn đến các tác dụng toàn thân. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh băng kín vết thương đang chảy dịch khi điều trị với Tranocin.
  • Ngưng sử dụng Tranocin nếu có các dấu hiệu của viêm da tiếp xúc hoặc kích ứng da.
  • Thận trọng khi sử dụng Tranocin cho bệnh nhân bị xơ gan, thiểu năng tuyến giáp, viêm loét đại tràng không đặc hiệu, bệnh tiểu đường, có nguy cơ loét dạ dày hoặc mắc bệnh lao.
  • Ngưng điều trị bằng Tranocin khi xảy ra phản ứng tại chỗ.
  • Không dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ đối với người bị loét tiêu hoá, bệnh lao hoặc tiểu đường.
  • Thận trọng khi dùng Tranocin cho trẻ dưới 15 tuổi, người cao tuổi, người bị nhược cơ, hôn mê gan, suy gan hoặc suy thận.
  • Chỉ dùng thuốc Tranocin cho phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bú nếu lợi ích mà thuốc mang lại cao hơn so với rủi ro.
  • Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc Tranocin trước khi dùng, không dùng nếu thuốc đã quá hạn.
  • Bảo quản Tranocin tại nơi khô ráo, độ ẩm vừa phải và tránh ánh sáng trực tiếp.

6. Thuốc Tranocin có thể tương tác với các loại thuốc nào?

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với Tranocin:

  • Thuốc Phenytoin, Barbiturat, Rifabutin, Rifampicin, Primidon, Carbamazepin và Aminoglutethimide khi dùng chung với Tranocin có thể làm tăng thanh thải và chuyển hoá Corticosteroid, dẫn đến giảm tác dụng điều trị của thuốc.
  • Thuốc hạ đường huyết, insulin, thuốc lợi tiểu Thiazid và thuốc hạ huyết áp đối kháng tác dụng của Corticosteroid.
  • Thuốc chống đông máu Coumarin khi dùng đồng thời với thuốc Tranocin có thể làm tăng tác dụng làm loãng máu. Tốt nhất, bệnh nhân cần kiểm tra thời gian đông máu / thời gian prothrombin nhằm tránh nguy cơ chảy máu tự phát.
  • Sự thanh thải của Salicylat có xu hướng tăng lên khi dùng cùng thuốc Tranocin.

Để tránh xảy ra tương tác giữa Tranocin với các thuốc khác, bạn cần thông báo cho bác sĩ các dược phẩm hiện đang sử dụng, bao gồm cả thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

192 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan