Công dụng thuốc Uratonyl

Uratonyl là thuốc điều trị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan và nhiễm độc gan,... Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về thành phần, công dụng cũng như cơ chế tác động của thuốc. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thuốc Uratonyl.

1. Uratonyl là thuốc gì?

Uratonyl là thuốc điều trị các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan và rối loạn chức năng gan,... Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch uống, mỗi hộp gồm 20 ống 5ml màu cam nâu, 2 đầu nhọn.

Thành phần chính tham gia vào việc hình thành chức năng của thuốc Uratonyl gồm:

  • L-Ornithine-L-Aspartate;
  • Riboflavin Sodium Phosphate;
  • Nicotinamide 300mg.

Mỗi thành phần sẽ có một công dụng khác nhau, chính sự kết hợp này đã tạo nên tác dụng điều trị bệnh hiệu quả của thuốc.

Thông tin thành phần L-Ornithin L-Aspartat

L-ornithine L-aspartate (LOLA) là 1 dạng muối bền của 2 amino acid là ornithine và aspartic acid. Chất này được chỉ định trong các bệnh gan cấp và mạn tính như: Xơ gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, kết hợp với tăng amoniac máu. Đặc biệt là trong bệnh não gan. Ngoài ra, LOLA còn đóng vai trò quan trọng trong cơ chế giải độc amoniac nhờ tác dụng kích thích tổng hợp vòng urê và glutamine.

Việc sử dụng thuốc có thành phần là L-ornithine L-aspartate như thuốc Uratonyl cần chú ý và tránh dùng cho các trường hợp sau:

  • Suy thận;
  • Trường hợp nhiễm Acid lactic, nhiễm độc Methanol;
  • Những người không dung nạp Fructose- sorbitol;
  • Trường hợp thiếu men Fructose 1,6- diphosphate.

Thông tin thành phần Riboflavin Sodium Phosphate

Riboflavin là chất thuộc nhóm vitamin nhóm B (vitamin B2). Riboflavin được hấp thu chủ yếu ở tá tràng. Sau khi được hấp thu, Riboflavin được biến đổi thành 2 Coenzyme là flavin mononucleotide (FMN) và Flavin adenin dinucleotid (FAD). Đây là 2 dạng Co- enzym hoạt động cần cho sự hô hấp của các mô trong cơ thể. Riboflavin cũng là chất cần thiết cho sự hoạt hoá pyridoxin, sự chuyển Tryptophan thành niacin và có liên quan đến sự toàn vẹn của hồng cầu.

Các sản phẩm chuyển hoá của Riboflavin được phân bố khắp các mô, cơ quan trong cơ thể trong đó có cả ở sữa. Một lượng nhỏ các chất này sẽ được dự trữ ở gan, lách, thận và tim.

Sau khi được hấp thụ vào máu, khoảng 60% FAD và FMN gắn vào protein huyết tương, Vitamin B2 là 1 vitamin tan trong nước và được đào thải nguyên dạng qua thận ra ngoài nước tiểu. Ngoài ra, Riboflavin còn được đào thải ra khỏi cơ thể theo phân. Đặc biệt là Riboflavin có đi qua nhau thai và đào thải theo sữa, do vậy cần cẩn thận khi dùng với phụ nữ đang mang thai.

Riboflavin ở dạng Flavin nucleotid cần cho quá trình vận chuyển điện tử trong cơ thể. Khi thiếu Riboflavin, da trở nên sạm lại, lên chốc mép, môi bị khô nứt, viêm lưỡi và viêm miệng. Ngoài ra, khi thiếu riboflavin, có thể có những triệu chứng về mắt như ngứa và rát bỏng, sợ ánh sáng và rối loạn phân bố mạch ở giác mạc. Các triệu chứng này là biểu hiện của việc thiếu các vitamin như pyridoxin hoặc acid nicotinic do các vitamin này không thực hiện được được đúng chức năng của chúng khi thiếu Riboflavin.

Thiếu Riboflavin có thể do chế độ dinh dưỡng không đủ hoặc kém hấp thu và không xảy ra ở những người khỏe mạnh ăn uống hợp lý.

Sự thiếu hụt Riboflavin thường gặp nhiều nhất ở người nghiện rượu, người bị bệnh gan, ung thư, stress và nhiễm khuẩn. Ngoài ra, còn gặp trong các trường hợp ốm lâu ngày, sốt, tiêu chảy, bỏng, chấn thương nặng, người cắt bỏ dạ dày và trẻ em có lượng bilirubin huyết cao.

Riboflavin không gây tác dụng phụ cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng với liều cao Riboflavin thì nước tiểu sẽ chuyển màu vàng nhạt, gây sai lệch kết quả của một số xét nghiệm nước tiểu.

2. Tác dụng của thuốc Uratonyl

Thuốc Uratonyl được biết đến với công dụng chính là điều trị các bệnh về gan. Ngoài ra, thuốc còn có nhiều công dụng khác đối với sức khỏe. Sau đây là những tác dụng của thuốc Uratonyl cho sức khỏe con người.

  • Điều trị viêm gan cấp và mạn tính, viêm gan siêu vi,; viêm gan do thuốc, do rượu và do hoá chất, xơ gan, gan nhiễm mỡ.
  • Giải độc gan.
  • Chữa bệnh não gan, hôn mê gan.
  • Làm giảm các triệu chứng ngứa, chán ăn , mệt mỏi, suy nhược, nổi mề đay,... do tổn thương tế bào gan.
  • Điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn, bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục, sau phẫu thuật do mắc bệnh mãn tính.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Uratonyl

Thuốc Uratonyl được điều chế dưới dạng dung dịch uống. Do đó thuốc được đưa vào cơ thể theo đường uống. Nên uống thuốc sau bữa ăn để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế các tác dụng phụ xảy ra.

Với mỗi người sẽ có những liều lượng dùng thuốc khác nhau. Việc đưa ra liều dùng phụ thuộc vào tuổi, giới tính và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Do đó, để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất, người bệnh nên uống theo liều chỉ định của bác sĩ. Sau đây là liều khuyến cáo của nhà sản xuất đối với thuốc Uratonyl

Liều dùng thông thường cho người lớn: Mỗi ngày uống 2 ống chia làm 2 lần. Với trẻ em, cần được sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

4. Chống chỉ định

Không dùng Uratonyl cho các trường hợp mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

5. Tác dụng phụ

Ngoài tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh, thuốc Uratonyl cũng gây ra một số tác dụng phụ, ít nhiều tới sức khỏe người dùng. Sau đây là những tác dụng phụ có thể có, bao gồm:

  • Gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
  • Nước tiểu có màu vàng nhạt.

6. Tương tác thuốc

Uratonyl có thể có tương tác với một số loại thuốc. Do vậy, trước khi dùng thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tác dụng phụ và tương tác thuốc mang lại, qua đó giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.

7. Bảo quản

Bảo quản là công đoạn rất quan trọng giúp giữ được tối đa công dụng của thuốc. Do đó, thuốc Uratonyl nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, để ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, nên để thuốc ở nơi cao, xa tầm với của trẻ em.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Uratonyl, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Uratonyl điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

80 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan