Công dụng thuốc vitamin B1 250mg

Vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng với cơ thể, đặc biệt là Vitamin B1 hay Thiamin. Các trường hợp thiếu hụt loại Vitamin này cần phải bổ sung bằng các chế phẩm như thuốc Vitamin B1 250mg.

1. Thuốc Vitamin B1 250Mg có tác dụng gì?

Vitamin B1 250mg là sản phẩm của Công ty Cổ phần Hóa - Dược Phẩm Mekophar với thành phần chính là vitamin B1 (Thiamin). Thuốc vitamin B1 250mg được dùng để điều trị tình trạng thiếu vitamin B1 nặng, rối loạn chuyển hóa do thiếu enzym di truyền có đáp ứng với Thiamin. Vitamin B1 250mg được bào chế dưới dạng viên nén bao đường với hàm lượng 250mg Thiamine.

Thiamin (vitamin B1) là một vitamin tan trong nước, thuộc vitamin nhóm B. Thiamin kết hợp với Adenosin triphosphat trong gan, thận và bạch cầu để tạo thành Thiamin diphosphate (thiamin pyrophosphat) có hoạt tính sinh lý. Thiamin diphosphat là coenzym chuyển hóa carbohydrate, làm nhiệm vụ khử carboxyl của các alpha-cetoacid như pyruvat và alpha-ketoglutarate.

Lượng vitamin B1 cơ thể cần hàng ngày từ 0,9 - 1,5mg cho nam và 0,8 - 1,1mg cho nữ khỏe mạnh. Nhu cầu vitamin B1 có liên quan trực tiếp với lượng dùng carbohydrat và tốc độ chuyển hóa, khi thiếu hụt vitamin B, sự oxy hóa các Alpha-cetoacid sẽ bị ảnh hưởng làm cho nồng độ Pyruvat trong máu tăng lên và tiếp tục biến đổi thành Acid lactic, từ đó giúp chẩn đoán tình trạng thiếu Thiamin.

Sự hấp thu vitamin B1 trong ăn uống hàng ngày qua đường tiêu hóa là nhờ vào quá trình vận chuyển tích cực không phụ thuộc Na+. Ở người lớn, khoảng 1mg vitamin B1 bị chuyển hóa hoàn toàn mỗi ngày trong các mô và đây chính là lượng tối thiểu cơ thể cần hàng ngày.

Khi quá trình hấp thu ở mức thấp, có rất ít hoặc không có vitamin B1 thải trừ qua nước tiểu. Khi hấp thu vitamin B1 vượt quá nhu cầu tối thiểu, sau khi bão hòa ở các mô, lượng vitamin B1 thừa sẽ được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng phân tử vitamin B1 nguyên vẹn. Khi hấp thu vitamin B1 tăng lên hơn nữa, thải trừ dưới dạng vitamin B1 chưa chuyển hóa sẽ tăng cao hơn.

2. Liều dùng của thuốc Vitamin B1 250Mg

Thuốc vitamin B1 250mg sản xuất để dùng đường uống với liều dùng cụ thể theo chỉ định của bác sĩ. Liều khuyến cáo thông thường cho người trưởng thành là 250mg/ngày (tương đương 1 viên vitamin B1 250mg).

Bệnh nhân cần lưu ý liều khuyến cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể của thuốc Vitamin B1 250mg phụ thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của từng người bệnh. Để nhận được liều dùng phù hợp, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Cho đến nay vẫn chưa có các báo cáo về trường hợp quá liều thuốc Vitamin B1 250mg. Nếu quá liều xảy ra thì người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng.

Nếu quên một liều thuốc Vitamin B1 250mg, bệnh nhân hãy dùng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua và dùng liều tiếp theo theo lịch trình bình thường. Một lưu ý quan trọng là người bệnh không nên dùng gấp đôi liều thuốc Vitamin B1 250mg đã quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Vitamin B1 250mg

Khi sử dụng Vitamin B1 250mg, bệnh nhân vẫn có nguy cơ mắc một số tác dụng không mong muốn (ADR). Tuy nhiên tỷ lệ xảy ra là tương đối hiếm (ADR < 1/1000):

  • Ra nhiều mồ hôi;
  • Thuốc Vitamin B1 250mg có thể gây tăng huyết áp cấp;
  • Phát ban da, ngứa, nổi mày đay;
  • Nghiêm trọng hơn thuốc Vitamin B1 250mg có thể gây khó thở.

Nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong quá trình dùng thuốc Vitamin B1 250mg, bệnh nhân cần ngay lập tức thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

4.Một số lưu ý khi sử dụng Vitamin B1 250mg

Trước khi sử dụng thuốc Vitamin B1 250mg, bệnh nhân cần đọc và tìm hiểu kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Vitamin B1 250mg chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc Vitamin B1 250mg.

Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng thuốc Vitamin B1 250mg:

  • Chế phẩm Vitamin B1 250mg có chứa lactose và đường trắng. Vì vậy cần thận trọng khi dùng cho người bệnh mắc các rối loạn di truyền (hiếm gặp) về bất dung nạp galactose và fructose, chứng thiếu hụt lactase Lapp, rối loạn hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu sucrase-isomaltase;
  • Chế phẩm Vitamin B1 250mg bao gồm paraben, là chất bảo quản có thể gây phản ứng dị ứng, do đó nên thận trọng khi sử dụng;
  • Chế phẩm Vitamin B1 250mg có chứa dầu thầu dầu, vì vậy có nguy cơ gây đau dạ dày và tiêu chảy.

Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Chưa ghi nhận được báo cáo phản ứng bất lợi của thuốc Vitamin B1 250mg lên khả năng lái tàu xe và vận hành máy móc, người làm việc trên cao và các trường hợp khác.

Sử dụng thuốc Vitamin B1 250mg trong thời kỳ mang thai: Nhu cầu Vitamin B1 cho phụ nữ mang thai là 1.5mg/ngày. Đối tượng này chỉ cần bổ sung vitamin B1 nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ loại vitamin này. Do đó, thuốc Vitamin B1 250mg không phù hợp cho phụ nữ trong thai kỳ vì hàm lượng vitamin B1 cao.

Sử dụng thuốc Vitamin B1 250mg trong thời kỳ cho con bú: Khẩu phần ăn uống cho phụ nữ đang cho con bú cần khoảng 1.6mg vitamin B1 mỗi ngày và chỉ cần bổ sung khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ. Do đó, thuốc Vitamin B1 250mg không phù hợp sử dụng cho đối tượng này.

5. Tương tác thuốc của Vitamin B1 250mg

Vitamin B1 250mg có thể làm tăng tác dụng của các thuốc chẹn thần kinh cơ.

Các chất đối kháng thiamin, thiosemicarbazon và 5-fluorouracil có thể vô hiệu hóa hiệu quả của thuốc Vitamin B1 250mg. Do đó bệnh nhân sử dụng bất kỳ trong số các thuốc nêu trên có thể cần phải điều chỉnh liều thuốc Vitamin B1 250mg phù hợp.

Thiamin có thể khiến xét nghiệm xác định urobilinogen theo phản ứng Ehrlich cho kết quả dương tính giả. Đồng thời thuốc Vitamin B1 250mg liều cao có thể cản trở các xét nghiệm quang phổ đo lường nồng độ theophylin trong huyết tương.

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ nên không trộn lẫn thuốc Vitamin B1 250mg với các loại thuốc khác.

Trên đây là thông tin về thuốc Vitamin B1 250mg, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Khi không còn sử dụng thuốc thì bạn cần thu gom và xử lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan