Phản ứng phụ và tác dụng của thuốc an thần

Thuốc an thần có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và giúp điều hòa hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, thuốc an thần có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách.

1. Tác dụng của thuốc an thần

Các loại thuốc an thần có tác dụng làm chậm hoạt động của não bộ và giúp làm dịu, điều hòa thần kinh. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương để tạo ra sự kích thích hoặc ức chế thần kinh với mục đích phòng và chữa bệnh. Các nhóm thuốc an thần được chia làm nhiều nhóm khác nhau bao gồm: thuốc an thần kinh, thuốc bình thần, thuốc chỉnh khí sắc và thuốc chống trầm cảm:

  • Thuốc giúp an thần kinh: Các loại thuốc thường gặp bao gồm Clorpromazina, Levomepromazin, Haloperidol, Sulpirid, Risperidon, Thioridazine,...Những loại thuốc này có tác dụng trấn an, điều hòa tinh thần, làm dịu thần kinh và gây cảm giác mơ màng buồn ngủ. Ngoài ra, thuốc cũng giúp chống loạn thần, dùng để điều trị các chứng bệnh thần kinh như ảo giác, hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Khi sử dụng chung với các loại thuốc ngủ, thuốc gây mê sẽ làm tăng tác dụng của những loại thuốc này.
  • Thuốc bình thần: Được sử dụng nhiều nhất là thuốc thuộc nhóm Benzodiazepin như diazepam, estazolam, temazepam, triazolam,...Hiện nay, còn sự xuất hiện của các loại thuốc bình thần thuốc thế hệ mới đã đem lại hiệu quả tốt hơn, ít tác dụng phụ như buspirone, zolpidem,...Nhìn chung, nhóm thuốc bình thần có tác dụng an thần, giảm lo lắng, căng thẳng, làm chậm các hoạt động vận động và làm dịu sự bồn chồn. Ngoài ra, thuốc cũng làm giảm các cảm xúc thái quá và chống co giật. Nếu người bệnh bị mất ngủ do stress, âu lo thì có thể sử dụng thuốc bình thần để dễ ngủ hơn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Các loại thuốc chống trầm cảm thường dùng là bao gồm thuốc ức chế MAO, Amitriptyplin, Fluoxetine, Fluvoxamine, Paroxetine, Sertraline,... Những loại thuốc này được sử dụng cho những bệnh nhân lo âu, mệt mỏi có nguy cơ bị trầm cảm, hoặc điều trị cho người đang bị trầm cảm. Thuốc cũng có công dụng gây ngủ cho những trường hợp bị mất ngủ.
  • Thuốc chỉnh khí sắc cho người bệnh: Một số loại thuốc chỉnh khí sắc thường dùng là lithium, thuốc chống động kinh (Valproate, Carbamazepine,...). Đây là loại thuốc giúp cho cảm xúc của người bệnh trở nên ổn định hơn, có tác dụng trong điều trị trạng thái hưng cảm và cũng giúp điều trị trạng thái trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Bên cạnh những loại thuốc Tây y, người bệnh có xu hướng ưa chuộng lựa chọn những loại thuốc an thần gây ngủ có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên. Chúng có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi và gây cảm giác buồn ngủ hiệu quả. Dân gian thường sử dụng các bài thuốc có chứa cây bình vôi, nổi bật với Rotunda có tác dụng an thần, gây ngủ, hỗ trợ giảm đau đầu, ổn định nhịp tim, huyết áp,... Ngoài ra, các vị thuốc như: cây trinh nữ, tâm sen, lạc tiên, lá vông nem, tam thất, xạ đen cũng có tác dụng hiệu quả trong việc an thần và giảm căng thẳng thần kinh.

2. Tác dụng phụ của các thuốc an thần là gì?

Nhiều bệnh nhân luôn thắc mắc thuốc an thần có an toàn không? Tác hại của thuốc an thần là gì? Thực tế, thuốc an thần có thể gây ra nhiều tác dụng ngắn hạn và dài hạn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra ngay lập tức bao gồm: buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt, phản ứng chậm hơn với những thứ xung quanh, thở chậm hơn, không cảm thấy đau nhiều như bình thường, khó tập trung hoặc suy nghĩ, nói chậm hơn hoặc nói ngọng,...Bên cạnh đó, thuốc an thần sử dụng trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm như:

  • Thường xuyên quên hoặc suy giảm trí nhớ
  • Các triệu chứng của bệnh trầm cảm như mệt mỏi, cảm giác tuyệt vọng hoặc suy nghĩ tự tử
  • Khi sử dụng thuốc an thần có thể ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết và sinh dục, từ đó gây nên hiện tượng vô kinh ở nữ giới hoặc giảm ham muốn tình dục.
  • Một số bệnh nhân bị tăng cân nhanh chóng, khó kiểm soát khi dùng thuốc an thần.
  • Một số trường hợp hiếm gặp ghi nhận hiện tượng viêm cơ tim và co giật ở người sử dụng thuốc an thần Clozapine.
  • Sử dụng thuốc an thần với liều lượng cao không phù hợp với cơ thể còn khiến cho tình trạng rối loạn thần kinh trở nên trầm trọng hơn, khiến người dùng bị tác dụng phụ ngoại tháp và rối loạn vận động cao.
  • Rối loạn chức năng gan hoặc suy gan do dùng quá liều
  • Đặc biệt tình trạng phụ thuộc thuốc có thể dẫn đến các tác dụng không thể đảo ngược hoặc các triệu chứng cai nghiện, nhất là khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc đột ngột. Các triệu chứng cai nghiện phổ biến bao gồm cáu gắt, tăng cảm giác lo lắng, mất ngủ,... Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ốm hoặc lên cơn co giật do cơ thể đã quen với lượng thuốc cao. Nhìn chung, tình trạng phụ thuộc thuốc xảy ra ở mỗi người không giống nhau, tùy thuộc vào khả năng dung nạp thuốc của từng bệnh nhân. Nó có thể xảy ra trong vài tháng hoặc sau vài tuần dùng thuốc. Người lớn tuổi là đối tượng nguy cơ cao do nhạy cảm hơn với một số loại thuốc an thần so với người trẻ.

3. Dùng thuốc an thần như thế nào?

  • Khi sử dụng các loại thuốc an thần, bệnh nhân phải tuân theo đúng lộ trình, liều lượng và thời gian dùng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định. Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc ngưng thuốc đột ngột.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc an thần cho những người có tiền sử hoặc bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa,...
  • Nếu bệnh nhân đang sử dụng đồng thời từ 2 - 3 loại thuốc an thần trở lên, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi lẽ, có nhiều loại thuốc giúp an thần có thể xung khắc, gây ra sự tương tác, làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị hoặc gia tăng một số tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Sử dụng thuốc an thần sẽ khiến cho hệ thần kinh phản ứng chậm hơn so với bình thường vì thế ngay sau khi dùng thuốc bệnh nhân không nên thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ như làm việc, học tập, điều khiển các phương tiện, máy móc, tham gia giao thông,...
  • Trong quá trình sử dụng thuốc an thần, nếu bệnh nhân gặp gặp phải các vấn đề bất thường thì phải ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Tóm lại, thuốc an thần có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm dù chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng hoặc ngưng thuốc đột ngột. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc an thần, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan