Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn

Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh tăng lên rõ rệt ở cả bệnh viện và trong cộng đồng. Hầu hết tất cả các vi khuẩn gây bệnh nặng đều đã sinh ra chủng kháng thuốc.

1. Vi khuẩn đề kháng kháng sinh là gì?

Một vi khuẩn được gọi là đề kháng kháng sinh khi nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của vi khuẩn đó cao hơn so với nồng độ ức chế của đa số các chủng vi khuẩn khác thuộc cùng loài đó.

Một cách dễ hiểu hơn, chủng vi khuẩn được gọi là “đề kháng” khi nồng độ kháng sinh mà vi khuẩn đó có thể chịu đựng được trở nên tăng cao hơn so với nồng độ kháng sinh đạt được trong cơ thể sau khi dùng thuốc. Khi đó, với cùng liều kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc vẫn có thể tồn tại.

Trên thực tế lâm sàng, đôi khi sự đề kháng với kháng sinh này có thể dẫn đến tình trạng đề kháng cho kháng sinh khác, đây được gọi là đề kháng chéo. Vi khuẩn được gọi là đa đề kháng (multiresistant) chỉ còn nhạy cảm với rất ít kháng sinh và đã đề kháng với rất nhiều kháng sinh hoặc nhiều nhóm kháng sinh.

2. Phân loại đề kháng

2.1. Đề kháng giả

Khi vào trong cơ thể, tác dụng của kháng sinh phụ thuộc vào 3 yếu tố là kháng sinh - người bệnh - vi khuẩn. Đề kháng giả có thể do một trong 3 yếu tố hoặc có thể kết hợp chúng lại với nhau. Nếu việc điều trị bằng không hiệu quả cần phải xem xét cả 3 yếu tố:

  • Do kháng sinh: lựa chọn kháng sinh không đúng với tác nhân gây bệnh, sử dụng kháng sinh không phù hợp về liều lượng, đường dùng, khoảng cách dùng thuốc, chất lượng kháng sinh kém, kháng sinh bị mất hoạt tính...
  • Do người bệnh: hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị suy giảm hoặc do vị trí nhiễm khuẩn quá sâu làm cho kháng sinh khó khuếch tán đến đó.
  • Do vi khuẩn: vi khuẩn ở trạng thái nghỉ, không nhân lên về số lượng, không chuyển hóa vì vậy không chịu tác dụng của kháng sinh.

2.2. Đề kháng thật

Đề kháng thật có 2 loại:

  • Đề kháng tự nhiên: bản thân vi khuẩn không chịu tác dụng của một số kháng sinh nhất định. Ví dụ vi khuẩn không có vách như Mycoplasma sẽ không chịu tác dụng của các kháng sinh beta-lactam (kháng sinh tác dụng bằng cách ức chế sinh tổng hợp vách). Đề kháng tự nhiên là đặc điểm được biết ngay từ lúc đầu khi nghiên cứu hoạt tính và phổ tác dụng của thuốc kháng sinh với một chủng loại vi khuẩn nào đó.
  • Đề kháng thu được: vi khuẩn tự đột biến gen hoặc nhận được gen đề kháng kháng sinh, từ một vi khuẩn không có gen đề kháng trở thành có gen đề kháng, đang nhạy cảm với kháng sinh trở thành đề kháng kháng sinh.
Kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh được phân chia theo các loại khác nhau

3. Cơ chế đề kháng kháng sinh

Các cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn:

  • Gen đề kháng làm giảm tính thấm của vách/màng ngoài và màng bào tương của vi khuẩn, từ đó dẫn đến việc các kháng sinh không thể thấm được vào tế bào vi khuẩn hoặc làm mất khả năng vận chuyển qua màng hoặc/và tăng hoạt động của hệ thống bơm đẩy kháng sinh ra khỏi tế bào vi khuẩn.
  • Gen đề kháng làm thay đổi đích tác động trên vi khuẩn (biến đổi vị trí gắn kết - receptor gắn của thuốc), vì vậy kháng sinh không gắn được vào đích để phát huy tác dụng.
  • Gen đề kháng làm thay đổi con đường trao đổi chất do tạo ra isoenzym, không có ái lực với kháng sinh nữa.
  • Gen đề kháng tạo ra enzym để biến đổi cấu trúc phân tử kháng sinh hoặc enzym phá hủy cấu trúc phân tử kháng sinh.

Một vi khuẩn được xem là đề kháng kháng sinh không phải do chỉ một mà thường là do phối hợp nhiều cơ chế riêng rẽ kể trên.

4. Xếp loại mức độ đề kháng thuốc

Xếp loại mức độ đề kháng theo Clinical Microbiology and Infection (2012):

  • Đa kháng (MDR - Multi Drug Resistant): không nhạy cảm với ≤ 1 kháng sinh trong ≥ 3 nhóm kháng sinh được thử.
  • Kháng mở rộng (XDR - Extensively Drug Resistant): không nhạy cảm với ≤ 1 kháng sinh của tất cả các nhóm kháng sinh, nhưng còn nhạy cảm với ≤ 2 nhóm được thử;
  • Toàn kháng (PDR - Pan-Drug Resistant): không nhạy cảm với tất cả kháng sinh của các nhóm được thử.

Vi khuẩn đang ngày càng đề kháng kháng sinh nhanh hơn, nhiều hơn và đề kháng đồng thời nhiều loại kháng sinh khác nhau ở mức độ cao.

5. Nguyên nhân gây đề kháng kháng sinh tăng

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh, trong đó việc lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là yếu tố quan trọng nhất. Trong cộng đồng, người bệnh có thể mua và sử dụng kháng sinh tùy ý dẫn đến việc tạo ra những loại vi khuẩn có sức đề kháng mạnh.

Lạm dụng kháng sinh là một trong các nguyên nhân gây đề kháng kháng sinh tăng
Lạm dụng kháng sinh là một trong các nguyên nhân gây đề kháng kháng sinh tăng

6. Biện pháp hạn chế đề kháng kháng sinh

Sử dụng kháng sinh hợp lý:

  • Lựa chọn đúng kháng sinh phù hợp và đúng đường dùng thuốc thích hợp;
  • Sử dụng kháng sinh đúng liều, đúng khoảng cách và đúng thời gian quy định;
  • Hiểu biết về thể trạng người bệnh, đặc biệt đối với các phụ nữ có thai, người già, suy gan, suy thận...;
  • Nắm được các nguyên tắc về phối hợp kháng sinh, việc kết hợp bừa bãi hoặc kết hợp quá nhiều có thể làm gia tăng độc tính, đối kháng dược lý và gia tăng đề kháng;
  • Dùng kháng sinh dự phòng đúng theo nguyên tắc.

Hiện nay, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi đã làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và trở thành tình trạng kháng kháng sinh. Vì thế, bệnh nhân nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn tốt để điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Trong trường hợp cần sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh, các bác sĩ tại Vinmec sẽ đưa ra phác đồ điều trị, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc hiệu quả, tránh trình trạng lạm dụng, sử dụng kháng sinh bừa bãi gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như kháng kháng sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan