Tác dụng của viên sắt Fe fumarat

Fe fumarat là thuốc kê đơn dùng phòng ngừa và điều trị thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ. Vậy thuốc Fe fumarat là thuốc gì? Thuốc Fe fumarat có tác dụng gì? Cách uống thế nào là đúng? Những điểm gì cần quan tâm và lưu ý khi dùng thuốc này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Fe fumarat.

1. Công dụng thuốc Fe fumarat là gì?

1.1. Thuốc Fe fumarat là thuốc gì?

Sắt fumarat (Ferrous Fumarate) là một dạng sắt hữu cơ có thể được bổ sung bằng đường uống. Loại sắt này được dùng để điều trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Thành phần của thuốc: Sắt Fumarat 60mg, Acid folic 0,2 mg, Vitamin B1 1mg, Vitamin B6 1mg, Vitamin B12 2mcg, Inulin 300g, tá dược vừa đủ 1 viên

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim

1.2. Thuốc Fe fumarat có tác dụng gì?

Sắt là một khoáng chất tự nhiên có mặt trong cơ thể. Đây là nguyên tố thiết yếu để tạo ra huyết sắc tố – một phần của các tế bào máu, cũng như thực hiện nhiều chức năng khác nhau.

Một số nguyên nhân như mất máu, mang thai hoặc quá ít chất sắt trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm cho nguồn cung cấp sắt của bạn giảm xuống quá thấp, dẫn đến thiếu máu. Người bị thiếu máu thường có biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, ít năng lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Do vậy, việc tăng cường sắt, nhất là sắt fumarat để cơ thể mau hồi phục nên nằm trong danh sách ưu tiên cân nhắc

2. Cách sử dụng của Fe fumarat

2.1. Cách dùng thuốc Fe fumarat

Sắt fumarat được hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (thường nếu uống 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn). Nếu dạ dày nhạy cảm, dễ khó chịu, bạn có thể dùng kèm sắt fumarat cùng với bữa ăn.

Ngoài ra, tránh dùng các thuốc kháng axit, các sản phẩm từ sữa, trà, cà phê hoặc trong vòng 2 giờ trước khi hoặc sau khi dùng sắt fumarat bởi vì chúng sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.

Bên cạnh đó, sau khi bổ sung sắt khoảng 10 phút, nên hạn chế nằm xuống nhằm giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất hiệu quả hơn. Bạn có thể dùng sắt fumarat + axit folic thường xuyên để có hiệu quả tốt nhất. Để tránh quên liều dùng, bạn nhớ uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày.

Cuối cùng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần trong sắt fumarat hay gặp vấn đề trong việc chuyển hoá sắt (ví dụ như bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, dư thừa sắt trong cơ thể) hoặc nồng độ ion sắt trong máu cao.

2.2. Liều dùng của thuốc Fe fumarat

  • Người lớn: Fe nguyên tố: Điều trị: 65-200 mg mỗi ngày, chia làm 3 lần. Phòng ngừa: 30-60 mg mỗi ngày. Ngoài ra, 100 mg mỗi ngày. Thời gian khuyến cáo: ≤ 6 tháng, hoặc 3 tháng sau khi điều chỉnh tình trạng thiếu máu. Các khuyến nghị về liều lượng có thể khác nhau giữa các sản phẩm khác nhau.
  • Trẻ em: Fe nguyên tố:
  • Điều trị: 3-6 mg / kg mỗi ngày chia 2-3 lần. Tối đa: 200 mg mỗi ngày.
  • Phòng ngừa:
  • Trẻ sơ sinh ≥ 6 tháng tuổi đến trẻ em < 2 tuổi: 10-12,5 mg mỗi ngày.
  • 2 - < 5 tuổi: 30 mg mỗi ngày.
  • ≥ 5-12 tuổi: 30-60 mg mỗi ngày.
  • > 12 tuổi: Giống như liều người lớn.

Các khuyến nghị về liều lượng có thể khác nhau giữa các sản phẩm khác nhau.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng sản phẩm bổ sung sắt ở dạng nước và viên nén. Trong đó, người dùng nên lưu ý lựa chọn sắt hữu cơ để cơ thể dễ hấp thụ hơn. Bên cạnh đó, mặc dù có thể sử dụng cả sắt ferrous (sắt 2+) và sắt ferric (sắt 3+) nhưng sắt ferrous dễ đi vào ruột và được hấp thụ lớn hơn gấp 3 lần so với cùng lượng sắt ở dạng ferric. Vì thế, sắt fumarate (Ferrous fumarate) là thành phần được khuyến khích sử dụng khi có nhu cầu bổ sung sắt cho cơ thể.

  • Xử lý khi quên liều:

Nếu quên liều, bệnh nhân nên uống thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu đã đến gần liều tiếp theo, nên bỏ qua liều đó và uống liều tiếp theo như bình thường. Tuyệt đối không tự ý uống bù thuốc của liều trước vào liều sau

Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp

  • Xử trí khi quá liều:

Triệu chứng:

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nôn ra máu, phân đen, chảy máu trực tràng, hôn mê, trụy tuần hoàn, tăng đường huyết, toan chuyển hóa.

Trường hợp nặng: Tụt huyết áp, hôn mê, hạ thân nhiệt, hoại tử tế bào gan, suy thận, phù phổi, tắc nghẽn mạch lan tỏa, rối loạn đông máu, co giật, viêm não nhiễm độc, tổn thương thần kinh trung ương, hẹp môn vị.

Xử trí: Nhằm điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Đảm bảo được đường thở thông thoáng. Gây nôn và rửa dạ dày bằng dung dịch desferrioxamine (2 g/L). Sử dụng desferrioxamine 5 g trong 50-100 mL nước để giữ lại trong dạ dày sau khi làm rỗng dạ dày. Sử dụng mannitol hoặc sorbitol để làm rỗng ruột non. Trong trường hợp sốc và/hoặc hôn mê với nồng độ Fe trong huyết thanh cao > 90 μmol/L (trẻ em) hoặc > 142 μmol/L (người lớn), bắt đầu các biện pháp hỗ trợ và truyền desferrioxamine IV chậm (5 mg/kg/giờ cho đến Tối đa 80 mg/kg/24 giờ). Trong trường hợp các tình trạng ít nghiêm trọng và có triệu chứng, dùng IM desferrioxamine 1 g 4-6 giờ ở trẻ em, hoặc 50 mg/kg, tối đa 4g ở người lớn. Theo dõi nồng độ Fe huyết thanh, nhịp tim, huyết áp, lượng nước tiểu. Trong trường hợp nhiễm toan chuyển hóa dai dẳng ở người lớn, truyền 50 mmol Na bicarbonat và lặp lại nếu cần, theo dõi khí máu động mạch.

3. Chống chỉ định của thuốc Fe fumarat

  • Bệnh u máu, bệnh huyết sắc tố.
  • Loét dạ dày tá tràng đang hoạt động.
  • Bệnh viêm ruột (bao gồm viêm ruột vùng, viêm loét đại tràng, hẹp ruột, bệnh túi thừa).
  • Bệnh tán huyết bẩm sinh do Hemoglobin (haemoglobinopathies).
  • Bệnh nhân được truyền máu nhiều lần.
  • Dùng đồng thời với dimercaprol, Fe đường tiêm.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Fe fumarat

  • Không được dùng Sắt fumarat cho bệnh nhân đang dùng tetracycline hoặc các antacid hoặc bệnh nhân loét dạ dày.
  • Thiếu máu vi hồng cầu kháng Fe đơn trị.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh nhân sau cắt dạ dày.
  • Không được chỉ định để điều trị thiếu máu do các nguyên nhân khác ngoài thiếu Fe.
  • Người suy thận và gan.
  • Trẻ em: Tránh sử dụng cho trẻ sinh non với lượng dự trữ vitamin E thấp, cho đến khi được bổ sung.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.

Lưu ý:

Theo dõi Hb, hematocrit.

Có thể xem xét theo dõi số lượng hồng cầu, các chỉ số hồng cầu, ferritin huyết thanh, độ bão hòa transferrin, tổng khả năng gắn kết Fe, nồng độ Fe huyết thanh, nồng độ protoporphyrin hồng cầu.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Thời kỳ mang thai:

Sắt fumarat được chỉ định cho phụ nữ có thai, tuy nhiên nên tránh sử dụng sắt với số lượng lớn trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì có thể gây hại cho mẹ và/hoặc cho thai nhi.

Thời kỳ cho con bú:

Sắt fumarat có thể bài tiết vào sữa mẹ và do đó nên thận trọng khi dùng Sắt fumarat.

5. Tác dụng phụ của thuốc Fe fumarat

Một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng sắt fumarat quá liều mà bạn có thể gặp phải gồm:

  • Táo bón
  • Ăn không ngon
  • Phân đen hoặc tối màu
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau bụng
  • Đau hoặc khó chịu toàn cơ thể

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

6. Cách bảo quản thuốc Fe fumarat

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan