Tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố nữ

Thuốc nội tiết phụ nữ thường được chỉ định để giúp cải thiện các tình trạng liên quan đến thiếu hụt hormone ở nữ giới. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, trước khi sử dụng người bệnh nên lưu ý về các tác dụng phụ của loại thuốc này.

1. Tổng quan về thuốc nội tiết phụ nữ

Liệu pháp hormone (HT) là cách gọi chung của việc điều trị bằng thuốc nội tiết phụ nữ:

  • Liệu pháp Estrogen (ET): Estrogen có tác dụng làm giảm bớt một số triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như: bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, khô âm đạo. Estrogen có các dạng viên nén, miếng dán, gel, thuốc xịt hoặc các chế phẩm âm đạo (vòng đặt, viên đặt âm đạo, kem bôi...). Việc lựa chọn loại Estrogen được bác sĩ đề nghị tùy thuộc vào các triệu chứng của phụ nữ. Ví dụ, kem bôi âm đạo, viên đặt âm đạo và vòng âm đạo được sử dụng để chữa khô âm đạo, trong khi thuốc viên hoặc miếng dán được sử dụng để làm dịu cơn bốc hỏa. Liệu pháp ET thường được áp dụng cho phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.
  • Liệu pháp kết hợp (EPT): Nếu chỉ dùng thuốc nội tiết phụ nữ Estrogen mà không có Progestin thì sẽ gia tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Ngày nay, đa phần Progestin được chỉ định dùng kết hợp với Estrogen ở những phụ nữ chưa cắt bỏ tử cung để loại trừ nguy cơ kể trên. Mặc dù Progestin thường được dùng ở dạng viên, nhưng cũng có dạng miếng dán tương tự Estrogen.

Nhìn chung, đây đều là những phương pháp có hiệu quả tối ưu nhất giúp điều trị các dấu hiệu mãn kinh ở phụ nữ.

2. Tác dụng phụ của thuốc nội tiết

Phụ nữ có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc nội tiết trong quá trình điều trị bằng hormone, bao gồm các phản ứng nhẹ và phản ứng nghiêm trọng.Các tác dụng phụ của thuốc nội tiết phổ biến bao gồm:

  • Đau nhức hoặc căng ngực;
  • Chóng mặt, choáng váng;
  • Đau đầu;
  • Tăng cân nhanh chóng;
  • Sưng bàn chân, cẳng chân, chuột rút;
  • Chảy máu âm đạo
Liệu pháp estrogen
Việc lựa chọn loại Estrogen được bác sĩ đề nghị tùy thuộc vào các triệu chứng của phụ nữ

Một số tác dụng phụ của thuốc nội tiết hiếm khi xảy ra:

  • U cục ở vú;
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo;
  • Núm vú tiết dịch;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Đau ngực, đau bẹn hoặc chân (nhất là bắp chân);
  • Đau bụng, đau bên hông;
  • Đau hoặc cảm giác áp lực trong xương chậu;
  • Đau đầu dữ dội hoặc đột ngột;
  • Khó thở không rõ nguyên nhân;
  • Nói ngọng đột ngột;
  • Thay đổi tầm nhìn đột ngột;
  • Vàng da hoặc vàng mắt;
  • Tê yếu ở cánh tay hoặc chân.
Đau đầu dữ dội cảnh báo dị dạng mạch máu não
Đau đầu dữ dội hoặc đột ngột là tác dụng phụ của thuốc nội tiết

Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng liệu pháp hormone (HT) bao gồm:

  • Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) và cục máu đông ở phổi (thuyên tắc phổi) lên 2-3 lần. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là những tình trạng này cực kỳ hiếm ở phụ nữ khỏe mạnh. Do đó, mức tăng nguy cơ thực sự đối với phụ nữ khỏe mạnh là rất ít. Phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình có các cục máu đông thì nên cân nhắc trước khi dùng liệu pháp hormone.
  • Chảy máu âm đạo bất thường: Phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp hormone có nhiều khả năng bị chảy máu âm đạo bất thường hơn những phụ nữ khác.
  • Những người sử dụng liệu pháp hormone trong hơn 5 năm có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, bệnh tim và đột quỵ cao hơn những người không sử dụng.

3. Cách giảm nguy cơ tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ của thuốc nội tiết nhẹ có thể biến mất khi cơ thể dần thích nghi với thuốc, do đó không cần đến chăm sóc y tế. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ dẫn cho bạn một số cách để ngăn ngừa hoặc giảm tác dụng phụ của thuốc nội tiết, ví dụ như:

  • Dùng thuốc Estrogen kết hợp thức ăn để giảm cảm giác khó chịu và khó tiêu;
  • Ăn một chế độ ăn ít chất béo, nhiều carbohydrate, có thể làm giảm sưng đau vùng ngực;
  • Tập thể dục thường xuyên và kéo căng hạn chế chuột rút chân;

Nếu các tác dụng phụ của thuốc nội tiết vẫn tiếp diễn, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang cách dùng Estrogen khác (ví dụ: thay đổi từ viên nén sang miếng dán), thay đổi loại thuốc nội tiết đang dùng hoặc giảm bớt liều lượng. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc có xu hướng diễn biến nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlineplus.gov, medicinenet.com, mayoclinic.org, nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

103.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan