Thuốc Trimebutin có tác dụng gì?

Nếu bạn đang mắc các rối loạn về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bác sĩ có thể sẽ đề xuất thuốc Trimebutine cho tình trạng này. Bạn có thể đọc tiếp bài viết sau để hiểu rõ hơn về thuốc kê đơn Trimebutin.

1. Thuốc trimebutine là gì?

Thuốc Trimebutine với hoạt chất là Trimebutine, thuộc nhóm chống co thắt.

Bạn có thể tìm thấy thuốc Trimebutine trên thị trường với những dạng bào chế và hàm lượng như sau:

  • Dạng viên nén, viên nén bao phim: 100 mg, 200 mg;
  • Dạng dung dịch tiêm: 50 mg/ml;
  • Dạng dung dịch uống 4,8mg/ml x 250ml và 4,8mg/ml x 125ml.

2. Thuốc trimebutin có tác dụng gì?

Thuốc trimebutine có thể điều hòa nhu động dạ dày ruột và chống co thắt nhờ vào tác dụng lên đám rối meissner, auerbach – đây là hệ thống thần kinh tại chỗ của niêm mạc dạ dày ruột có chức năng điều hòa hoạt động của đường tiêu hóa.

Một điều đáng ngạc nhiên ở thuốc Trimebutine đó là tác động 2 chiều, vừa có thể ức chế và kích thích sự vận động của ruột.

Thuốc Trimebutin
Thuốc Trimebutin giúp điều hòa hoạt động của đường tiêu hóa

3. Thuốc Trimebutine trị bệnh gì?

Thuốc Trimebutine thường dùng trong điều trị các rối loạn chức năng của đường tiêu hóa như:

3.1. Thuốc trimebutine trị bệnh loét dạ dày tá tràng

Đây là bệnh lý mà niêm mạc dạ dày tá tràng bị mất chất, nguyên nhân gây ra thường gặp nhất là do xoắn khuẩn Helicobacter pylori, stress và căng thẳng kéo dài, sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, corticoid, các dẫn xuất của corticoid, rượu bia thuốc lá,...

Loét dạ dày tá tràng có thể có triệu chứng khác nhau, tùy vào vị trí tổn thương và tuổi bệnh nhân. Thường gặp là đau nóng rát, cồn cào, đau có thể liên quan đến bữa ăn hoặc không.

3.2. Thuốc trimebutine trị trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý mà trong đó cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả, dịch vị từ dạ dày đi lên thực quản gây ra cảm giác nóng rát. Nếu tình trạng GERD kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như viêm loét thực quản, ung thư biểu mô thực quản, thực quản Barrett.

Triệu chứng nổi bật có thể gặp ở bệnh là ợ nóng, một số trường hợp không có trào ngược từ dạ dày lên miệng, ở trẻ nhỏ có thể nôn, chán ăn, kích thích, sặc vào đường hô hấp. Khi đã có biến chứng như viêm thực quản, ung thư thực quản có thể có nuốt đau, nghẹn hoặc xuất huyết thực quản,...

3.3. Thuốc trimebutine chữa hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích là sự khó chịu, đau bụng tái phát cộng với ít nhất 2 trong các đặc điểm sau: Liên quan đến đi vệ sinh, số lần đại tiện, độ cứng của phân. Hiện tại nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định.

Ngoài các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, táo bón hay tiêu chảy bạn còn có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu mạn tính, đau mỏi cơ.

Chẩn đoán bệnh dựa trên lâm sàng sau khi đã loại trừ các bệnh thông thường khác qua các cận lâm sàng.

Ngoài ra thuốc Trimebutine còn được sử dụng để điều trị:

  • Đầy bụng, táo bón, tiêu chảy;
  • Sau phẫu thuật bụng để tăng cường hoạt động hồi phục của ruột, dự phòng tắc và liệt ruột.

Cũng như bất kỳ loại thuốc nào, Trimebutine sẽ không được sử dụng nếu bạn là người có tiền sử dị ứng với trimebutine hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc. Khi sử dụng thuốc trên phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi, các bác sĩ sẽ luôn cân nhắc cẩn thận giữa tác dụng cũng như hậu quả thuốc mang đến.

4. Tôi nên sử dụng thuốc trimebutine như thế nào?

Với thuốc Trimebutine dạng viên nén, bạn nên uống nó trước bữa ăn. Với dung dịch uống, bạn cần dùng một số vật dụng hỗ trợ như thìa, cốc để có thể lấy được liều chính xác khi sử dụng thuốc.

Các bác sĩ sẽ có chỉ định liều lượng cụ thể tùy theo tình trạng bệnh và đáp ứng của bạn. Thông thường đối với người lớn và trẻ trên 12 tuổi, liều lượng dùng thuốc Trimebutine là 300mg/ngày (1 viên 100mg/ lần x 3 lần/ngày) và đôi khi có thể tăng đến 600mg/ngày.

Thời gian bạn phải sử dụng thuốc thường là 3 ngày, nhưng nếu bạn không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào khi sử dụng thuốc thì thời gian sử dụng tối đa có thể là 7 ngày.

Đối với trẻ em, liều sử dụng thuốc Trimebutine thông thường là 5ml/5kg/ngày.

thuốc trimebutine
Người bệnh nên dùng thuốc trimebutine theo chỉ dẫn của bác sĩ

5. Tương tác thuốc Trimebutin

Khi bạn dùng Trimebutine chung với một số thuốc sau đây có thể gây ra các tác dụng như:

  • Khi sử dụng Trimebutine với 1,2- Benzodiazepine sẽ làm cho tác động ức chế thần kinh trung ương của 1,2- Benzodiazepine tăng lên;
  • Khi sử dụng chung với các thuốc như Acemetacin, Abacavir, Aceclofenac, Abame tapir, Acetaminophen sẽ làm giảm tốc độ đào thải, tăng nồng độ Trimebutine trong máu;
  • Tác dụng điều trị của thuốc Trimebutine bị giảm khi dùng chung với Acetazolamide;
  • Dùng chung với Acarbose, Acetohexamide gây ra hạ đường huyết nhiều hơn mức thông thường;
  • Dùng chung với Acebutolol làm tăng khả năng nhịp tim chậm.

6. Thuốc Trimebutin có tác dụng gì bất lợi lên cơ thể không?

Thuốc Trimebutine có thể gây bất lợi lên cơ thể nhưng khá ít gặp và bạn không cần thiết phải chữa trị.

Các tác dụng phụ của thuốc Trimebutine bạn có thể gặp là:

  • Trên đường tiêu hóa: Hôi và khô miệng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, táo bón, đau thượng vị;
  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, cảm giác nóng lạnh;
  • Dị ứng thuốc: Nổi ban đỏ, ngứa, phù,...

Ngoài ra bạn còn có thể gặp vấn đề khác như rối loạn kinh nguyệt, đau ở vú, tức ngực, ù tai, điếc nhẹ, lo lắng, bí tiểu, tăng men gan.

7. Khi sử dụng thuốc Trimebutine bạn cần lưu ý những gì?

  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, nhiệt độ cao hơn 30 độ C và không để thuốc dưới ánh nắng trực tiếp. Nên để thuốc Trimebutine ngoài tầm với của trẻ và vật nuôi;
  • Không nên sử dụng thuốc Trimebutine đã quá hạn và phải hủy thuốc theo đúng hướng dẫn từ người có chuyên môn, không được vứt thuốc vào toilet, ống dẫn nước;
  • Dùng theo đúng liều trimebutine được bác sĩ chỉ định;
  • Báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu không có dấu hiệu bệnh tiến triển sau một thời gian điều trị;
  • Với phụ nữ có thai, vẫn chưa có bằng chứng thuốc Trimebutine gây dị tật thai nhi. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên tránh sử dụng thuốc trong thời gian thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu;
  • Vì thuốc có thể gây buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn nên cần cẩn thận nếu làm công việc có độ tập trung cao như lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Bạn cần thông báo cho bác sĩ điều trị nếu có tiền sử dị ứng thuốc, tá dược hoặc với bất kỳ thuốc hay thức ăn nào...;
  • Khi quên liều bạn nên bỏ qua và dùng liều tiếp theo như chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp sử dụng liều gấp đôi;
  • Nếu uống quá liều và có dấu hiệu bất thường bạn nên đến ngay cơ sở y tế.
  • Rượu, bia, thuốc lá, có một số tương tác nhất định với Trimebutine, vì thế nên hạn chế sử dụng khi đang dùng thuốc.

Tóm lại, thuốc trimebutine có thể điều hòa được nhu động dạ dày ruột và chống co thắt. Để sử dụng an toàn, hiệu quả, người bệnh nên tham khảo và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

223.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan