Tìm hiểu về thuốc Acetaminophen đường uống

Thuốc Acetaminophen được chỉ định trong điều trị cơn đau nhẹ và hạ sốt. Trong một số trường hợp, thuốc cũng được chỉ định trong điều trị các dạng viêm khớp nhẹ. Cùng tìm hiểu về các lưu ý khi sử dụng thuốc Aetaminophen qua bài viết dưới đây.

1. Chỉ định thuốc Acetaminophen

Thuốc acetaminophen đường uống chứa hoạt chất Acetaminophen, được chỉ định trong điều trị các cơn đau nhẹ và hạ sốt.

Liều dùng của Acetaminophen phụ thuộc vào từng người bệnh và khả năng dung nạp của người bệnh. Liều thuốc khuyến cáo như sau:

Người trưởng thành và thanh thiếu niên: Uống 650 – 1000mg/lần, cách 4 – 6 giờ nếu cần thiết. Liều dùng tối đa không quá 4g/ngày;

Trẻ em: Liều dùng ở trẻ em phụ thuộc vào cân nặng:

  • Trẻ em từ 11 – 12 tuổi: Uống 320 – 480mg/lần, cách 4 – 6 giờ;
  • Trẻ em từ 9 – 11 tuổi: Uống 320 – 400mg/lần, cách 4 – 6 giờ;
  • Trẻ em từ 6 – 9 tuổi: Uống 320mg/lần, cách 4 – 6 giờ;
  • Trẻ em từ 4 – 6 tuổi: Uống 240mg/lần, cách 4 – 6 giờ;
  • Trẻ em từ 2 – 4 tuổi: Uống 160mg/lần, cách 4 – 6 giờ;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Liều dùng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Sử dụng quá liều thuốc Acetaminophen uống có thể dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy, tăng tiết mồ hôi, buồn nôn, nôn, chán ăn, co thắt và đau dạ dày, sưng hoặc đau vùng bụng hoặc dạ dày... Trong các trường hợp này, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

2. Tác dụng phụ Acetaminophen

Thuốc Acetaminophen có thể gây ra một số tác dụng phụ với tỷ lệ hiếm gặp như phân có màu đen, nước tiểu đục hoặc có máu, sốt có hoặc không kèm theo ớn lạnh, đau lưng dưới hoặc một bên, phát ban trên da, đau họng, viêm loét miệng, giảm lượng nước tiểu đột ngột, mệt mỏi, suy nhược bất thường, vàng mắt hoặc vàng da...

3. Cách sử dụng thuốc đúng cách

Thuốc Acetaminophen uống được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, thuốc bột, siro... Một số lưu ý khi sử dụng thuốc để đạt hiệu quả cao như sau:

  • Có thể sử dụng thuốc cùng với bữa ăn hoặc không cùng bữa ăn;
  • Đối với người bệnh dùng thuốc dạng lỏng như siro... cần lắc đều chai thuốc trước khi sử dụng, đo liều thuốc theo thể tích chính xác, đổ thuốc vào ly, thìa hoặc dụng cụ định lượng chính xác và uống, đậy nắp chai thuốc sau khi uống;
  • Đối với người bệnh sử dụng viên uống Acetaminophen nên uống với một thể tích nước nhất định, không uống cùng với sữa, nước ép trái cây...

Thuốc acetaminophen có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các thuốc dị ứng cũng như nguy cơ dị ứng với các loại thức ăn, đồ uống...

Thuốc Actaminophen có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm y học như xét nghiệm đường huyết... Vì vậy trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị nếu có sử dụng thuốc acetaminophen trong vòng 3 – 4 ngày qua.

Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải các triệu chứng như đau hoặc căng phần bụng trên, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường, vàng mắt hoặc vàng da...

Acetaminophen uống có khả năng làm tăng tác dụng của rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như thuốc kháng histamine, thuốc điều trị dị ứng, thuốc an thần, thuốc giảm đau trung ương, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê... Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thương gan tăng lên khi người bệnh sử dụng đồ uống có cồn khi đang điều trị bằng acetaminophen.

4. Sử dụng thuốc trên các đối tượng đặc biệt

Trẻ em: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Acetaminophen ở trẻ em dưới hai tuổi.

Người cao tuổi: Các nghiên cứu cho thấy không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người cao tuổi.

Phụ nữ đang cho con bú: Chỉ điều trị bằng thuốc Acetaminophen dạng tiêm ở phụ nữ đang cho con bú khi thật sự cần thiết.

5. Tương tác thuốc

5.1. Tương tác thuốc – thuốc

Sử dụng đồng thời thuốc Acetaminophen với các thuốc sau đây có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ: Acenocoumarol, Fosphenytoin, Carbamazepine, Lixisenatide, Phenytoin, Warfarin, Zidovudine.

Acetaminophen có thể gây tương tác với các thuốc sau đây: Imatinib, Isoniazid, Pixantrone, nhóm thuốc chủng ngừa vi khuẩn 13 – Valent do phế cầu khuẩn, bạch hầu kết hợp.

5.2. Tương tác thuốc – thức ăn, đồ uống

Không sử dụng rượu, bia, các chất có cồn và hút thuốc trong thời gian điều trị bằng acetaminophen, bởi chúng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.

Các bệnh lý mắc kèm gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng Acetaminophen, vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh lý kèm theo như sau:

  • Lạm dụng rượu bia hoặc tiền sử lạm dụng rượu bia;
  • Bệnh lý về thận, gan;
  • Giảm thể tích máu nghiêm trọng;
  • Suy dinh dưỡng.

Trên đây là những thông tin quan trọng về Acetaminophen, bạn cần tham khảo cũng như đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng để việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan