Thông tin giới thiệu dưới đây dành cho các cán bộ y tế dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nội dung được trích từ Sổ tay sử dụng thuốc Vinmec 2019 do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec biên soạn, Nhà xuất bản Y học ấn hành tháng 9/2019. Sách được bán tại Nhà thuốc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá bìa 220.000 VNĐ/cuốn.

Dạng bào chế - biệt dược

Dung dịch tiêm: Protamin Choay 10.000 UAH/10 ml.

Nhóm thuốc – Tác dụng

Trung hòa heparin.

Chỉ định

Trung hòa tác dụng chống đông của heparin/heparin phân tử lượng thấp (ví dụ khi chảy máu nặng, sau tuần hoàn ngoài cơ thể).

Chống chỉ định

Quá mẫn với thành phần của thuốc.

Tác dụng không mong muốn

Mệt mỏi, đỏ bừng, nôn, buồn nôn.

Ít gặp: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, khó thở (đặc biệt khi truyền nhanh), tái chảy máu nếu dùng liều cao.

Liều và cách dùng

1 mg protamin tiêm tĩnh mạch chậm trung hòa được 100 đơn vị heparin/enoxaparin khi dùng heparin được 15 phút trước đó hoặc enoxaparin 8 giờ trước đó (tối đa 50 mg/liều). Liều protamine phụ thuộc vào thời gian truyền heparin trước đó. Nếu APTT kéo dài 2 - 4 giờ sau liều đầu tiên, thêm 0,5 mg cho mỗi 100 đơn vị enoxaparin.

Chú ý khi sử dụng

Không tiêm nhanh: 50 mg trong 10 phút. Nếu không pha loãng: Tiêm trong 1 - 3 phút. Theo dõi xét nghiệm đông máu, aPPT, huyết áp trong quá trình dùng thuốc.

Phụ nữ có thai: B2 (TGA) (*), C (FDA) (**).

Phụ nữ cho con bú: Thận trọng.

Không cần hiệu chỉnh liều trên người bệnh suy thận.

(*) Nhóm B2 theo phân loại của TGA: Thuốc được sử dụng trên số lượng giới hạn phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không làm tăng tần suất dị tật thai nhi hoặc gây bất kỳ ảnh hưởng xấu trực tiếp hoặc gián tiếp nào trên thai nhi được quan sát. Nghiên cứu trên động vật không đầy đủ, nhưng có những bằng chứng cho thấy không có sự tăng nguy hại trên thai nhi.

(**) Nhóm C theo phân loại của FDA: Nghiên cứu trên động vật cho thấy có nguy cơ trên thai nhi (quái thai, thai chết hoặc các tác động khác) nhưng không có nghiên cứu đối chứng trên phụ nữ có thai. Chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai trong trường hợp lợi ích vượt trội nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi.

Tài liệu tham khảo

AMH, AHFS, The Renal Drug Reference Guide.