Đặt Stent đường mật điều trị tắc nghẽn ống mật
Đặt stent đường mật là phương pháp mới được đưa vào sử dụng trên lâm sàng nhằm mục đích điều trị tắc nghẽn xảy ra trong các ống mật. Phương pháp này hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi do có nhiều ưu điểm như bệnh nhân tránh được các phẫu thuật lớn nên đem lại hiệu quả cao.
1. Các nguyên nhân gây hẹp, tắc nghẽn đường mật
Các nguyên nhân gây hẹp, tắc nghẽn đường mật bao gồm:
- Bệnh lý ung thư: Ung thư tụy chèn vào đường mật, ung thư túi mật, ung thư đường mật, ung thư gan và ung thư đại tràng. Các khối u này chèn ép gây tắc nghẽn ống mật
- Tổn thương đường mật sau phẫu thuật: Tổn thương đường mật trong các phẫu thuật cắt bỏ túi mật
- Bệnh lý tụy như viêm tụy, nang giả tụy,..
- Viêm xơ đường mật nguyên phát: tình trạng viêm đường mật gây đau, vàng da, ngứa và các triệu chứng khác
- Sỏi túi mật
- Sau xạ trị do bệnh lý ung thư
- Chấn thương bụng làm tổn thương đường mật.
2. Tìm hiểu phương pháp đặt stent đường mật điều trị tắc nghẽn ống mật
- Vai trò của dịch mật:
Dịch mật được bài tiết qua các ống mật và dự trữ trong túi mật, sau đó mật được bài tiết vào ruột non sau bữa ăn nhằm mục đích tiêu hóa thức ăn là mỡ. Quá trình bài tiết mật được điều tiết bởi cơ Oddi nằm ở vị trí giữa ống mật chủ và tá tràng.
- Tắc nghẽn ống mật là gì?
Tắc nghẽn ống mật là tình trạng đường ống dẫn mật bị tắc lại bởi một vật cản như sỏi, khối u, giun,.... Nếu tình trạng tắc nghẽn này không được giải quyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn đường mật, thấm mật phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, áp xe đường mật,...
- Các phương pháp điều trị tắc nghẽn đường mật
Các phương pháp phổ biến bao gồm điều trị nội khoa, điều trị phẫu thuật (mổ mở hoặc mổ nội soi), can thiệp đặt stent đường mật. Trong các phương pháp kể trên tùy trong từng trường hợp mà bác sĩ lựa chọn phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Trong đó phương pháp đặt stent đường mật là phương pháp can thiệp tối thiểu nhưng có hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi sau can thiệp nhanh được áp dụng rộng rãi cho nhiều trường hợp cụ thể.
Đặt Stent đường mật là phương pháp sử dụng một ống bằng nhựa tổng hợp hoặc kim loại được đưa vào trong lòng đường mật với mục đích làm giảm bớt sự chít hẹp trong các ống mật giúp dịch mật có thể lưu thông được.
3. Các phương pháp đặt stent đường mật
Trên lâm sàng thường áp dụng 2 phương pháp đặt stent đường mật bao gồm:
3.1. Đặt stent bằng phương pháp chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP)
Phương pháp này được tiến hành như sau:
- Ống nội soi được đưa qua miệng bệnh nhân đi xuống đến thực quản - dạ dày - tá tràng sau đó đến chỗ mật đổ vào tá tràng
- Ở vị trí này, sử dụng một ống nhỏ (cannula) được luồn qua máy nội soi nhằm mục đích bơm chất cản quang vào đường mật
- Thực hiện chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính khi chất cản quang di chuyển trong đường mật. Nếu các phim cho thấy có hẹp ống mật chủ, stent sẽ được đặt vào ống mật qua ống nội soi vào đúng vị trí tắc nghẽn ống mật nhằm giải quyết sự tắc nghẽn.
3.2. Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC)
Biện pháp này chỉ định cho những trường hợp thực hiện phương pháp ERCP không thành công.
Các bước tiến hành:
- Dùng một kim nhỏ tiêm thuốc cản quang qua da vào gan hoặc túi mật sau đó thực hiện chụp X-Quang, CT trong lúc chất cản quang di chuyển qua đường mật
- Khi phát hiện chính xác vị trí hẹp đường mật đặt một stent vào vị trí hẹp đó
- Đặt kim rỗng vào đường mật, sau đó tiến hành luồn một dây hướng dẫn mỏng vào kim. Dây dẫn được hướng đến vị trí tắc nghẽn sau đó stent được đẩy về phía trước theo dây dẫn và đặt vào vị trí tắc nghẽn trong đường mật.
Các biến chứng của đặt stent bao gồm:
- Xuất huyết nặng, nhiễm trùng, viêm tụy, viêm đường mật, viêm túi mật, tổn thương tá tràng
- Chụp qua da có thể gây xuất huyết, nhiễm trùng tại vị trí tiêm, nhiễm trùng huyết, rò chất cản quang vào ổ bụng
- Các biến chứng về stent như: stent di chuyển khỏi vị trí đã đặt gây tắc nghẽn, thủng ruột.
4. Chỉ định, chống chỉ định đặt stent đường mật điều trị tắc nghẽn ống mật
Chỉ định trong các trường hợp:
- Điều trị các trường hợp tắc mật ác tính mà không có khả năng phẫu thuật do tổn thương u giai đoạn muộn, tuổi già hoặc có các bệnh lý khác kèm theo (Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,..) không có khả năng phẫu thuật. Phương pháp đặt stent giúp giải quyết triệu chứng tắc tránh được các biến chứng của tắc nghẽn ống mật, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
- Hẹp đường mật không có viêm do nhiều nguyên nhân.
Chống chỉ định trong các trường hợp:
- Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng cần dẫn lưu đường mật trước để điều trị ổn định
- Tổn thương còn có khả năng phẫu thuật cắt hoàn toàn tổn thương.
5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện đặt stent đường mật?
- Bệnh nhân cần nhịn ăn uống ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật để bảo đảm dạ dày và tá tràng sạch không có thức ăn
- Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang
- Sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau khi thực hiện thủ thuật.
Chăm sóc bệnh nhân sau thực hiện đặt stent đường mật:
- Bệnh nhân cần được theo dõi sát, theo dõi tại viện để nhanh chóng phát hiện các biến chứng và cho đến chắc chắn không có biến chứng nào xảy ra.
- Sau can thiệp bệnh nhân cần được tái khám thường xuyên để sớm phát hiện các triệu chứng chít hẹp đường mật tái phát.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện có hội tụ đầy đủ các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa thực hiện, thăm khám, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh và điều trị các bệnh về đường mật, tiêu hóa. Đặc biệt, tại Vinmec cũng có thực hiện kỹ thuật đặt stent điều trị nhiều bệnh lý khác nhau và đem lại kết quả điều trị tối ưu cho quý khách hàng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn