Đau bụng nên uống gì, ăn gì?
Để ngăn ngừa nguy cơ mất nước và làm giảm các triệu chứng đau bụng, bạn nên tăng cường bổ sung đồ ăn, đồ uống lành mạnh. Vậy đau bụng nên uống gì, ăn gì?
1. Bị đau bụng có nên ăn, uống không?
Ai trong chúng ta cũng có lúc bị hành hạ bởi những cơn đau bụng như cảm giác đầy hơi, buồn nôn, bụng óc ách khó chịu. Đau bụng có nhiều mức độ khác nhau, từ đau nhẹ âm ỉ tới đau nhói hoặc đau quặn bụng. Tình trạng đau bụng do nhiều nguyên nhân như đầy hơi, khó tiêu, táo bón, vi khuẩn dạ dày, viêm dạ dày, viêm ruột,... Bên cạnh đó, ăn những thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán hoặc cay nóng cũng có thể gây đau bụng. Ngoài việc gây hại cho sức khỏe đường ruột thì đau bụng còn có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, gây táo bón.
Khi đau bụng, bạn thường không muốn ăn bất kỳ thứ gì. Điều này có thể khiến tình trạng đau bụng thêm trầm trọng vì mất cân bằng điện giải. Một số loại thực phẩm, đồ uống lại có công dụng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, ngăn ngừa mất nước và hỗ trợ giảm đau. Vậy đau bụng nên uống gì, ăn gì? Nếu triệu chứng đau bụng thường xảy ra và chưa thể đến bệnh viện ngay, bạn hãy ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng, rau, thực phẩm giàu chất xơ cùng các loại đồ uống thích hợp để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, xoa dịu cơn đau bụng.
2. Bị đau bụng nên ăn gì?
Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, khó tiêu,... bạn có thể thử thay đổi khẩu phần ăn nhẹ nhàng hơn, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh ăn quá no. Bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, ngăn ngừa táo bón. Một số thực phẩm bạn có thể bổ sung là:
- Cơm trắng: Ăn cơm trắng giúp làm đặc phân, ngăn ngừa tiêu chảy. Tuy nhiên, người bị đau bụng không nên ăn gạo lứt, nếp cẩm vì gây khó tiêu (chất xơ từ những loại gạo này quá nhiều có thể dẫn tới đầy hơi, đau bụng);
- Chuối: Đây là loại hoa quả dễ tiêu và chứa nhiều kali. Cơ thể chúng ta có thể mất kali nếu bị nôn ói hoặc tiêu chảy. Ăn chuối sẽ giúp bù đắp lượng kali bị thiếu hụt này;
- Bánh mì: Đây là loại thực phẩm đặc biệt tốt khi bạn bị đau bụng. Bánh mì thậm chí còn tốt hơn ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ vì bánh mì giúp bụng đỡ khó chịu hơn;
- Ăn thực phẩm giàu probiotic và prebiotic: Probiotic là lợi khuẩn trong ruột, hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm triệu chứng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy,... Các lợi khuẩn probiotic lấy dưỡng chất từ prebiotic. Prebiotic là chất xơ trong thực phẩm mà cơ thể không tiêu hóa được. Vì vậy, nếu bị đau bụng, khó tiêu, bạn có thể bổ sung 2 chất trên (bằng cách uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ) hoặc ăn sữa chua, rau củ quả;
- Món ăn dễ tiêu hóa và có lượng chất xơ vừa phải: Táo, rau xanh, trái cây, các loại quả mọng, đậu,...
3. Đau bụng nên uống gì giảm đau nhanh?
Ngoài đồ ăn, người bị đau bụng nên uống nước gì để giảm đau nhanh và cung cấp đủ năng lượng? Một số loại đồ uống bạn có thể tham khảo là:
- Nước đường pha muối: Uống 1 cốc nước đường pha chút muối giúp duy trì cân bằng dịch trong cơ thể và cung cấp năng lượng để chống lại tình trạng mệt mỏi ở những người bị tiêu chảy;
- Nước dừa: Nước dừa giúp bổ sung điện giải và khoáng chất bị mất đi do nôn ói, tiêu chảy và làm dịu đường tiêu hóa nhờ khả năng làm giảm độ pH trong dạ dày;
- Sữa bơ: 1 cốc sữa bơ làm từ sữa đông tươi pha với 1 nhúm muối có thể giúp bạn thư giãn hơn. Nó có tác dụng làm dịu dạ dày và trung hòa acid dạ dày, cải thiện hoạt động của ruột vì sữa bơ là 1 loại men tiêu hóa tự nhiên;
- Nước chanh: Nước chanh pha cùng 1 chút muối, đường, hạt tiêu đen,... là loại đồ uống rất tốt cho hệ tiêu hóa. Loại đồ uống này giàu vitamin C và các hợp chất chống viêm, giúp chống lại tình trạng đau dạ dày, duy trì cân bằng nước và điện giải nên hỗ trợ ngăn ngừa mất nước;
- Nước baking soda: Nếu băn khoăn với câu hỏi đau bụng uống gì, bạn có thể chọn nước pha baking soda. Baking soda chứa sodium bicarbonate - 1 chất có tính kiềm giúp trung hòa acid trong dạ dày, làm giảm triệu chứng đau dạ dày và ợ nóng do trào ngược dạ dày - thực quản. Để giảm đau, bạn có thể hòa tan 1g baking soda với 1 cốc nước rồi uống. Nếu phải uống thuốc khác kèm theo, bạn hãy chờ tối thiểu 2 tiếng sau khi uống thuốc thì mới được uống baking soda (vì baking soda có thể tương tác với thuốc khác, làm chậm hoặc tăng tốc độ hấp thu thuốc của cơ thể, làm tăng tác dụng phụ của thuốc);
- Trà tiểu hồi + bạc hà + gừng + hoa cúc: Đây là các loại thảo mộc dễ tìm, có tác dụng xoa dịu cơn đau bụng rất tốt. Tinh dầu trong lá bạc hà giúp làm giảm chứng buồn nôn và tiêu chảy, giảm đau và giảm co thắt cơ trong ruột. Tiểu hồi kích thích cơ thể bệnh nhân tiết mật. Các hoạt chất trong gừng (gingerols và shogaols) cải thiện tốc độ co bóp dạ dày và kích thích sản sinh nước bọt hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Hoa cúc giúp giảm nhẹ những cơn co thắt cơ bắp vùng bụng. Chuẩn bị 4 loại thảo mộc này với lượng vừa đủ rồi pha trong 1 cốc nước nóng, uống ngay khi ấm giúp bạn giảm đau bụng hiệu quả;
- Trà hoa cúc và gừng khô: Hoa cúc rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng tương tự aspirin hoặc ibuprofen. Hoa cúc giúp giảm tiêu chảy, đau bụng và hội chứng ruột kích thích. Gừng giúp giảm buồn nôn, giải phóng các enzyme tiêu hóa và tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Bạn chỉ cần cho hoa cúc và gừng khô vào cốc, hãm với nước nóng trong 10 phút là đã có 1 loại đồ uống vừa thơm vừa tốt cho hệ tiêu hóa, giảm đau bụng hiệu quả.
4. Biện pháp khác giúp giảm đau bụng
Ở phần trên chúng ta đã trả lời cho câu hỏi đau bụng nên uống gì để giảm đau. Trong phần này, bạn đọc cùng tìm hiểu về các biện pháp giảm đau bụng khác:
4.1 Chườm ấm
Chườm ấm là 1 phương pháp dễ thực hiện, có thể áp dụng trong hầu hết các trường hợp bị đau. Nhiệt độ ấm có thể thư giãn cơ bụng và điều hòa nhu động ruột. Vì vậy, bạn có thể chườm ấm để làm giảm cơn đau bụng do hội chứng ruột kích thích hoặc đau bụng dưới khi tới kỳ kinh nguyệt.
Để áp dụng cách giảm đau bụng này, bạn nên mua túi chườm nóng hoặc có thể đổ nước ấm vào chai thủy tinh, cuộn chai vào 1 chiếc khăn lông và chườm lên bụng. Lưu ý là bạn cần cẩn thận, không để nước nóng tiếp xúc trực tiếp với làn da để tránh bị bỏng.
4.2 Nâng cao đầu để giảm đau bụng
Nếu bạn bị trào ngược dạ dày - thực quản thì tư thế nằm thẳng trên giường sẽ không tốt. Nguyên nhân là vị ở tư thế này, cổ họng và dạ dày sẽ ngang tầm nhau, acid dạ dày có thể bị trào ngược, gây ợ nóng, khó chịu. Do đó, ngay sau bữa ăn, bạn không nên nằm ngửa ngay. Thay vào đó, bạn có thể nằm sau ăn khoảng 2 giờ, nằm nâng cao đầu và tránh ăn khuya gần với giờ đi ngủ.
Để thực hiện cách giảm đau bụng này, bạn nên nằm với tư thế sao cho phần trên cơ thể cao hơn phần dưới. Bạn có thể kê gối cao khoảng 15 - 20cm dưới đầu khi ngủ để phần đầu luôn cao hơn phần cơ thể còn lại.
Hy vọng thông tin trên đã giúp bạn tìm được đáp án cho băn khoăn đau bụng nên uống gì, ăn gì,... Để chăm sóc cho hệ tiêu hóa của mình, ngăn ngừa cơn đau tái phát, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, tránh căng thẳng và đi khám bác sĩ ngay nếu bị đau bụng kéo dài hoặc cơn đau ngày càng tăng nặng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.