Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ ở giai đoạn đầu

Trĩ là bệnh lý phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng ở nước ta với tỷ lệ 35-50%. Bệnh trĩ tuy không nguy hiểm nhưng có thể dẫn tới những biến chứng khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Do vậy, nhận biết sớm bệnh trĩ nhẹ ở giai đoạn đầu là cực kỳ quan trọng để kịp thời điều trị dứt điểm, tránh bệnh tiến triển nặng hơn.

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ hay còn được dân gian gọi là bệnh lòi dom là tình trạng các tĩnh mạch bên trong trực tràng và hậu môn bị sưng và phồng lên do phải thường xuyên chịu nhiều áp lực hoặc các dây thần kinh ở hậu môn bị chèn ép quá nhiều. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 45 – 60. Tuy nhiên, hiện nay căn bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hoá với tỷ lệ mắc bệnh trong độ tuổi từ 25 – 30 khá cao mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt không hợp lý. Dựa vào vị trí xuất hiện của búi trĩ có thể chia thành 2 loại là bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại, cụ thể như sau:

  • Trĩ nội: tình trạng búi trĩ hình thành trên bề mặt lớp niêm mạc bên trong ống hậu môn. Trong thời gian đầu khởi phát bệnh thường không gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân và không thể quan sát búi trĩ bằng mắt thường.
  • Trĩ ngoại: búi trĩ được hình thành và phát triển ở bên rìa hậu môn. Bệnh nhân có thể quan sát búi trĩ bằng mắt hoặc thậm chí sờ nhẹ để cảm nhận kích thước của búi trĩ. Bệnh trĩ ngoại thường gây ra cảm giác đau rát cho bệnh nhân, đặc biệt khi ngồi.

Dựa vào tiến triển của bệnh có thể chia bệnh trĩ ra làm 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất, búi trĩ mới hình thành và các triệu chứng chưa rõ rệt. Nếu bệnh trĩ được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu thì có thể dễ dàng điều trị dứt điểm. Khi bệnh đã tiến triển tới các giai đoạn nặng hơn, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn và có thể phải can thiệp ngoại khoa.

Trĩ nội độ 1-2 và trĩ ngoại bị sa ra ngoài có cần phẫu thuật không?
Trĩ nội độ 1-2 và trĩ ngoại bị sa ra ngoài

2. Các dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ là gì?

Bệnh trĩ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, việc nhận biết sớm bệnh trĩ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bệnh là cực kỳ quan trọng. Tùy vào từng loại trĩ, dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ sẽ khác nhau.

2.1 Dấu hiệu của bệnh trĩ nội nhẹ

  • Dấu hiệu bệnh trĩ nội độ 1 thường không rõ ràng và dễ bị bệnh nhân bỏ qua. Đối với trĩ nội giai đoạn đầu thì các tổn thương thực thể sẽ khó nhận biết hơn do búi trĩ nhỏ và nằm sâu bên trong ống hậu môn. Vì thế, nếu không có các dấu hiệu bệnh trĩ khác thì rất khó để phát hiện bệnh.
  • Người bệnh có thể cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu ở vùng hậu môn, nhất là khi ngồi quá lâu.
  • Chất nhầy có thể tiết ra ở hậu môn khiến bệnh nhân cảm thấy ẩm ướt, khó chịu.
  • Có thể xuất hiện cảm giác đau rát trong và sau khi đi đại tiện. Đặc biệt, người bệnh có thể thấy một ít máu tươi lẫn trong phân hoặc dính vào giấy vệ sinh. Tuy nhiên, triệu chứng này thường gặp ở bệnh trĩ ngoại hơn là trĩ nội.

2.2 Dấu hiệu của bệnh trĩ ngoại nhẹ

  • Bệnh trĩ ngoại ở giai đoạn nhẹ dễ nhận biết hơn trĩ nội. Trong giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh có thể nhận thấy các tổn thương thực thể bao gồm: xuất hiện búi trĩ, lòi nhẹ ra khỏi hậu môn có thể sờ hoặc nhìn thấy bằng mắt, đặc biệt trong những lần đi đại tiện.
  • Bệnh nhân cũng có thể cảm nhận được các triệu chứng cơ năng như cộm, đau nhẹ tại hậu môn do búi trĩ bị chèn ép, vùng hậu môn ẩm ướt, ngứa ngáy và xuất hiện máu khi đi đại tiên. Lượng máu này thường ít, bám lên phân hoặc thấm vào giấy vệ sinh. Nguyên nhân là do búi trĩ bị cọ xát và làm vỡ các mạch máu.

3. Khi bị trĩ ở giai đoạn nhẹ nên làm gì?

Nguyên tắc điều trị bệnh trĩ giai đoạn nhẹ nhấn mạnh vào việc giảm áp lực lên mạch máu vùng trực tràng – hậu môn và chỉ dùng thuốc trong trường hợp thật sự cần thiết. Nếu bạn đang có dấu hiệu của bệnh trĩ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

3.1 Xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ

Táo bón thường xuyên là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới bệnh trĩ. Chế độ ăn uống lành mạnh giàu chất xơ có thể giúp tránh táo bón, hạn chế tình trạng chèn ép và tổn thương búi trĩ. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng. Khi vào ruột chất xơ

hút nhiều nước, làm tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột để tống phân ra ngoài. Việc đại tiện dễ dàng cũng giúp giảm bớt áp lực bên trong các mạch máu sưng phồng và tạo điều kiện để búi trĩ co lại.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu chất xơ tối thiểu của người Việt Nam là 18-20g/người/ngày. Chất xơ có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau củ, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc. Một số thực phẩm giàu chất xơ điển hình như khoai lang, táo, chuối, kiwi, rau mồng tơi,...Tuy nhiên, lưu ý nên bổ sung chất xơ từ từ và đúng liều lượng khuyến cáo để tránh đầy hơi, khó tiêu.

3.2 Uống nhiều nước

Nước là thành phần thiết yếu đối với sự sống. Việc uống đủ nước không chỉ giúp phòng ngừa táo bón, làm chậm tiến triển bệnh trĩ mà còn có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Chúng ta nên uống khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.

3.3 Tăng cường vận động

Khi có những dấu hiệu của bệnh trĩ nhẹ, bạn cần tăng cường vận động, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế. Duy trì thói quen vận động không những hỗ trợ nhu động ruột mà còn tăng cường hồi lưu máu về tim, giảm áp lực lên mạch máu của búi trĩ nên rất quan trọng trong điều trị bệnh trĩ. Ngoài ra, các bài tập thể chất cũng giúp tăng cường sức khỏe, sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên vùng bụng khi mang vác nặng và cải thiện nhiều bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, mỡ máu,...

bài tập cho người bệnh trĩ
Bài tập cho người bệnh trĩ

3.4 Tập thói quen đi vệ sinh hợp lý

Bạn cần xây dựng một thói quen đi vệ sinh phù hợp để giảm cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh và tránh bệnh tiến triển nặng hơn:

  • Bạn nên đi vệ sinh ngay khi có cảm giác muốn đại tiện. Nếu bạn cố gắng bỏ qua, nước trong phân sẽ bị trực tràng hấp thu làm phân trở nên khô cứng, khó đi và dẫn đến táo bón
  • Bạn nên ngâm vùng hậu môn trong nước ấm từ 10 – 15 phút mỗi ngày
  • Khi đi vệ sinh cần hạn chế rặn mạnh. Tránh ngồi quá lâu trên bồn cầu vì có thể làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch của các búi trĩ
  • Vệ sinh nhẹ nhàng, sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đại tiện

3.5 Thuốc điều trị bệnh trĩ giai đoạn nhẹ

Sau khi thay đổi thói quen và lối sống nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được tư vấn những biện pháp điều trị phù hợp. Người bệnh cũng nên đi khám để chẩn đoán phân biệt với những căn bệnh nguy hiểm như polyp hoặc ung thư trực tràng. Những loại thuốc có thể được kê cho bệnh nhân trĩ giai đoạn nhẹ bao gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị táo bón và thuốc làm bền thành mạch máu. Thuốc điều trị trĩ có thể sử dụng dưới dạng uống, bôi hoặc đặt tại chỗ. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà nên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.

Tóm lại, bệnh trĩ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu trực tràng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ giai đoạn nhẹ, bạn nên đến các cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt.

Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan