Dấu hiệu sớm của viêm loét dạ dày cấp

Viêm loét dạ dày cấp tính là tình trạng niêm mạc trên cùng của dạ dày trở nên sưng đỏ, trầy xước, trợt lở vì một nguyên nhân nào đó. Hầu hết tổn thương trong viêm loét dạ dày cấp tính thường nông trên bề mặt, tuy nhiên các triệu chứng lại khởi phát đột ngột và dữ dội. Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh viêm loét dạ dày cấp tính là gì?

1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Viêm loét dạ dày cấp tính phản ánh tình trạng viêm cấp của lớp niêm mạc tại dạ dày. Yếu tố thuận lợi gây các vết loét dạ dày cấp bao gồm: lớp bảo vệ niêm mạc bị suy yếu hoặc tổn thương kết hợp với tính trạng dư thừa axit dịch vị.

Những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày cấp tính:

  • Nguyên nhân hàng đầu là thói quen ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh. Việc lạm dụng nhiều bia rượu hoặc thức uống có cồn gây kích ứng hoặc bào mòn lớp màng bảo vệ khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tác động của axit dịch vị;
  • Các loại vi khuẩn như Helicobacter Pylori (HP), liên cầu tan huyết alpha, Clostridium septicum;
  • Các loại Virus như CMV, Herpes;
  • Tuổi cao: Lớp bảo vệ niêm mạc sẽ suy yếu, mỏng dần theo tuổi. Do đó khả năng viêm loét dạ dày cấp tính sẽ tăng lên ở những người lớn cao tuổi. Đồng thời, người lớn tuổi dễ bị vi khuẩn HP tấn công hơn so với người trẻ;
  • Sử dụng các loại thuốc kích ứng niêm mạc dạ dày như kháng viêm không steroids (NSAIDs), corticoid;
  • Yếu tố tinh thần như lo lắng, căng thẳng, stress quá mức. Đặc biệt, những bệnh nhân sau các stress nặng (như sau phẫu thuật lớn, chấn thương, bỏng và nhiễm trùng nặng) nguy cơ rất cao bị loét dạ dày cấp tính;
  • Các nguyên nhân loét dạ dày cấp hiếm gặp bao gồm chấn thương, tiếp xúc tia xạ, trào ngược dịch mật, thiếu máu cục bộ dạ dày, suy gan, suy thận;
  • Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính có thể xuất hiện đồng thời với các bệnh cảnh khác như HIV/AIDS, Bệnh Crohn hoặc nhiễm ký sinh trùng;
  • Yếu tố tự miễn: Viêm loét dạ dày cấp do tự miễn xảy ra khi cơ thể người bệnh tự sinh ra các chất chống lại các tế bào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày tự miễn hay gặp ở bệnh nhân có bệnh tự miễn khác, bệnh Hashimoto, đái tháo đường týp 1 hoặc do thiếu hụt vitamin B12.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát các triệu chứng một cách đột ngột, đặc biệt là những cơn đau bụng dữ dội. Thời điểm đầu lớp niêm mạc dạ dày chỉ có những tổn thương nông trên bề mặt ở mức độ nhẹ, không nguy hiểm. Các triệu chứng loét dạ dày cấp tính nếu được kiểm soát đúng cách sẽ biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu quá trình điều trị không phù hợp, điều trị muộn thì các tổn thương niêm mạc dạ dày sẽ nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viêm loét dạ dày cấp tính có đặc điểm là triệu chứng rầm rộ trong 3-4 ngày đầu, giảm dần trong 1-2 tuần tiếp theo và đa số khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tháng. Dấu hiệu bệnh điển hình nhất là đau vùng thượng vị dữ dội, cảm giác nóng rát và có thể lan lên cổ họng kết hợp với buồn nôn, nôn ói (thức ăn, dịch dạ dày hoặc có thể nôn máu đỏ tươi).

loét dạ dày cấp
Buồn nôn, nôn ói nhiều là dấu hiệu nhận biết loét dạ dày cấp

2.1. Đau thượng vị

Đau thượng vị dữ dội là triệu chứng đầu tiên của viêm loét dạ dày cấp tính, đặc trưng với cảm giác nóng rát, cồn cào. Tính chất của cơn đau thượng vị:

  • Xuất hiện sau ăn do các vết loét niêm mạc dạ dày bị tác động bởi thức ăn;
  • Cơn đau thường xuất hiện sau ăn 2-3 tiếng, đôi khi đau lúc bụng đói, lúc nửa đêm, gần sáng, khiến người bệnh càng thêm mệt mỏi, mất ngủ;
  • Một số người bệnh chỉ có cảm giác đau thượng vị âm ỉ, rát bỏng, thỉnh thoảng có cơn đau quặn lên;
  • Một số dấu hiệu gợi ý như cảm giác tức ngực, đau lan ra sau lưng...

2.2. Buồn nôn/nôn

Dấu hiệu tiếp theo mà nhiều người bệnh gặp phải là tình trạng buồn nôn, nôn ói nhiều. Đa số sẽ nôn ngay sau bữa ăn, người bệnh thường đau bụng và nôn hết thức ăn. Sau đó, tình trạng đau bụng sẽ giảm dần nhưng một lúc lại quay trở lại. Hậu quả của việc nôn ói khiến người bệnh mất nước, mất các chất điện giải, hốc hác, nhợt nhạt, mệt mỏi và sụt cân.

Bên cạnh triệu chứng buồn nôn/nôn ói, người bệnh còn xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, đầy hơi hoặc trướng bụng, tiêu lỏng, trung tiện nhiều và chán ăn.

2.3. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày cấp tính. Đặc biệt hay gặp nếu người bệnh không có biện pháp điều trị kịp thời với các biểu hiện như nôn ra máu đỏ tươi, đau bụng thượng vị nghiêm trọng hoặc tiêu phân đen. Biến chứng này cảnh báo tình trạng sức khỏe bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng.

3. Điều trị bệnh viêm loét dạ dày cấp tính

Các biện pháp điều trị viêm loét dạ dày cấp tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ bệnh nhân loét dạ dày cấp tính do sử dụng các thuốc NSAID hoặc lam dụng rượu bia có thể thuyên giảm bằng cách ngưng sử dụng những chất đó.

Trường hợp viêm loét dạ dày cấp do vi khuẩn H. pylori tấn công cần được điều trị bằng các loại kháng sinh theo đúng phác đồ của bác sĩ. Đồng thời, tất cả người bệnh viêm loét dạ dày cấp tính đều cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế tối đa căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi.

Các loại thuốc điều trị loét dạ dày cấp tính bao gồm:

  • Các thuốc kháng acid dạng lỏng hoặc viên có tác dụng trung hòa lượng acid dư thừa ở dạ dày. Do đó chúng nhanh chóng giúp người bệnh giảm các triệu chứng ở mức độ nhẹ;
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm tiết acid bằng cơ chế ức chế hoạt động bơm proton trong các tế bào bài tiết acid dạ dày. Nhóm PPI bao gồm các loại như Omeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole và Pantoprazole;
  • Thuốc ức chế histamin H2 như Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine hoặc Famotidine. Tương tự nhóm PPI chúng có tác dụng giảm lượng axit sản xuất tại dạ dày;

Một số lưu ý cho người bệnh khi điều trị viêm loét dạ dày cấp tính:

  • Người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của viêm dạ dày cấp;
  • Khi chưa có các biến chứng thì người bệnh được chỉ định các nhóm thuốc thuốc trung hòa hoặc giảm tiết axit, kháng sinh tiêu diệt HP... kết hợp với chế độ ăn uống khoa học;
  • Bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa cần được cầm máu ngay lập tức. Sau đó thực hiện phác đồ điều trị thích hợp, đồng thời người bệnh cần được theo dõi tình hình sức khỏe liên tục.
loét dạ dày cấp
Sử dụng thuốc điều trị loét dạ dày cấp tính

4. Phòng tránh viêm loét dạ dày cấp tính

Hạn chế tối đa hoặc không sử dụng rượu bia, chất kích thích: Có rất nhiều bệnh nhân không có thói quen sử dụng bia rượu nhưng vì những cuộc vui mà uống quá nhiều khiến viêm loét dạ dày cấp tính bùng phát tức thời.

Khi sử dụng các loại thuốc có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dày (như thuốc NSAID, corticoid) cẩn phải thận, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý tăng liều hay tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Duy trì thói quen ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, ăn uống đúng giờ giấc. Điều này hạn chế tối đa nguy cơ bị vi khuẩn HP tấn công, đồng thời tập cho dạ dày quen với nhịp sinh học, tránh hiện tượng nhạy cảm quá mức hay dạ dày căng thẳng do quá tải.

Duy trì cuộc sống, tinh thần lạc quan, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, hạn chế tối đa căng thẳng, stress quá mức để gây hại cho sức khỏe dạ dày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan