Hội chứng ruột kích thích đau ở đâu?

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh lên tới 15 - 20% dân số thế giới. Những biểu hiện cụ thể của bệnh gồm đau bụng, trướng bụng, tiêu chảy, táo bón,...

1. Hội chứng ruột kích thích - thông tin cần biết

Hội chứng ruột kích thích ở đâu? Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nhóm rối loạn chức năng đường tiêu hóa mãn tính, hay tái phát nhưng không có rối loạn về cấu trúc sinh hóa. Bệnh còn được gọi là hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng chức năng, bệnh đại tràng co thắt,...

Đây là bệnh lý hay gặp trên thế giới với tần suất khoảng 15 - 20%, nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới, độ tuổi mắc bệnh thường là 18 - 30. Nguyên nhân gây bệnh IBS chưa rõ, có thể liên quan tới những cơ chế như tăng nhạy cảm của đại tràng, bất thường vận động, nhiễm trùng ruột, đáp ứng của cơ thể trước tình trạng căng thẳng,...

2. Giải đáp: Hội chứng ruột kích thích đau ở đâu?

Đau bụng, đặc biệt là đau bụng sau khi ăn, chính là triệu chứng phổ biến nhất, là yếu tố cốt lõi trong việc chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Thông thường, ruột và não bộ cùng làm việc để kiểm soát tiêu hóa thông qua các hormone, dây thần kinh và tín hiệu của lợi khuẩn trong ruột phát ra. Khi mắc IBS, những dấu hiệu này có thể làm căng các cơ trong đường tiêu hóa, gây đau ở bụng dưới, hố chậu trái hoặc toàn bộ vùng bụng, ít khi đau ở vùng bụng trên. Cơn đau bụng sẽ giảm sau khi bệnh nhân đi trung tiện hoặc đại tiện.

Đặc biệt, hội chứng ruột kích thích gây tiêu chảy và táo bón. Đây là 2 tình trạng khiến bệnh trĩ nặng hơn, dẫn tới triệu chứng đau nhiều hơn ở vùng hậu môn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị đau cơ hoặc đau lưng.

Khi bị đau bụng, bạn có thể thực hiện một chế độ ăn kiêng để giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, massage bụng bằng dầu bạc hà, liệu pháp thôi miên, liệu pháp hành vi nhận thức,... cũng giúp làm giảm đau bụng. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp này nhưng không có hiệu quả, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và điều trị bằng phương pháp thích hợp.

hội chứng ruột kích thích đau ở đâu
Giải đáp hội chứng ruột kích thích đau ở đâu?

3. Các triệu chứng khác của hội chứng ruột kích thích

Ngoài đau bụng, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích còn phải đối mặt với những triệu chứng khác như:

  • Tiêu chảy

33% bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có triệu chứng tiêu chảy. Trung bình, 1 tuần người bệnh đi tiêu khoảng 12 lần, gấp đôi so với người không mắc bệnh. Nguyên nhân vì ở bệnh nhân mắc IBS, việc vận chuyển thức ăn qua ruột diễn ra nhanh hơn, ngay lập tức thúc đẩy nhu động ruột. Điều này có thể gây căng thẳng tâm lý, khiến người bệnh lo lắng về việc đột ngột bị tiêu chảy.

  • Táo bón

Táo bón ảnh hưởng tới gần 50% số người mắc hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân vì sự thay đổi liên lạc giữa não bộ và ruột có thể làm tăng hoặc chậm thời gian vận chuyển của phân. Khi vận chuyển chậm, ruột sẽ hấp thụ nhiều nước từ phân, khiến bạn khó đi tiêu. Bạn có thể tập thể dục, uống nhiều nước, ăn các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan,... để điều trị tình trạng này.

  • Táo bón và tiêu chảy luân phiên

Táo bón và tiêu chảy luân phiên có thể xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Các triệu chứng này liên quan tới chứng đau bụng kinh niên và tái phát thường xuyên. Triệu chứng này nghiêm trọng hơn các loại khác, cần theo dõi và điều trị sát sao hơn.

  • Đầy hơi

IBS có thể gây sản xuất nhiều khí hơn trong ruột, dẫn tới triệu chứng đầy hơi và khó chịu. Nếu bị đầy hơi, bạn nên tránh sử dụng thực phẩm chứa lactose (sữa và chế phẩm từ sữa) để giảm cảm giác khó chịu.

  • Thay đổi nhu động ruột

Tình trạng phân di chuyển chậm trong ruột khiến phân khô cứng, làm trầm trọng thêm triệu chứng táo bón. Ngược lại, nếu phân di chuyển nhanh trong ruột thì sẽ khiến ruột ít hấp thụ nước, dẫn tới phân lỏng, tiêu chảy. Nếu bạn đi tiêu ra máu, có máu lẫn trong phân (máu màu đen hoặc đỏ) thì có thể đó là một dấu hiệu nguy hiểm hơn. Lúc này, bạn cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ điều trị kịp thời.

  • Mệt mỏi, khó ngủ

Hơn 50% số người bị hội chứng ruột kích thích thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Bệnh cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ, dẫn tới chứng mất ngủ, khó ngủ hoặc thức giấc thường xuyên, cảm thấy không tỉnh táo vào buổi sáng,... Đặc biệt, ngủ không đủ giấc sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh vào ban ngày.

  • Lo lắng, trầm cảm

Tình trạng lo lắng và trầm cảm cũng là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích. Có tới 50% người bệnh IBS bị rối loạn lo âu, trên 70% người bệnh bị rối loạn trầm cảm. Đồng thời, một nghiên cứu cho thấy liệu pháp giảm lo lắng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của IBS.

*Lưu ý: Nếu bạn có sự thay đổi liên tục về thói quen đi tiêu hoặc có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn như: Sụt cân, đau bụng nhiều vào ban đêm, chảy máu trực tràng,... thì nên đi khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng hơn, ví dụ ung thư đại tràng.

hội chứng ruột kích thích đau ở đâu
Tình trạng lo lắng và trầm cảm cũng là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích

4. Thay đổi lối sống khi mắc hội chứng ruột kích thích

Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống và lối sống giúp giảm đáng kể triệu chứng của IBS. Cụ thể:

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Bạn nên tăng từ từ lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của mình. Những loại thực phẩm giàu chất xơ là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Lưu ý là chất xơ tuy có thể giảm táo bón nhưng cũng có thể gây đầy hơi, co thắt đại tràng. Vì vậy, cần tăng dần lượng chất xơ trong thực đơn ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Tránh những thực phẩm gây triệu chứng của IBS: Đậu, bông cải, bắp cải, thực phẩm giàu chất béo, kẹo cao su, socola, rượu, bia, đồ ngọt, cà phê,...;
  • Ăn uống đều đặn: Bạn không nên bỏ bữa, cố gắng ăn cùng một khoảng thời gian mỗi ngày để điều chỉnh chức năng ruột. Nếu bị tiêu chảy, bạn nên ăn những bữa nhỏ trong ngày. Nếu bị táo bón, bạn nên ăn thêm thực phẩm giàu chất xơ để dễ tiêu hóa hơn;
  • Thận trọng với các chế phẩm từ sữa: Nếu không dung nạp lactose, bạn nên sử dụng sữa chua thay vì sữa thông thường hoặc dùng sản phẩm tạo enzyme phân hủy lactose. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn có thể cần loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ sữa. Nếu vậy, bạn cần ăn đủ chất đạm, canxi, vitamin nhóm B,... từ nguồn thực phẩm khác;
  • Uống nhiều nước: Bạn nên cố gắng uống nhiều nước mỗi ngày, hạn chế rượu, bia hoặc cà phê, nước có ga;
  • Tập thể dục thường xuyên: Đây là biện pháp giúp giảm căng thẳng và trầm cảm, kích thích đường ruột co thắt bình thường, giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Nếu là người ít vận động, bạn nên bắt đầu tập nhẹ rồi tăng dần thời gian và cường độ tập luyện. Nếu có vấn đề sức khỏe khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc nhuận tràng: Nếu dùng các thuốc không kê đơn, bạn nên sử dụng liều thấp nhất có thể. Tốt nhất là cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này.

Nhìn chung, các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích khá rõ ràng. Đây là căn bệnh gây ám ảnh với nhiều người, làm giảm chất lượng cuộc sống nên bạn cần cẩn trọng, đi khám ngay nếu có các triệu chứng kể trên. Đặc biệt, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt là biện pháp giúp bạn có thể giảm đáng kể các triệu chứng của IBS.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan