......

Lưu ý trong điều trị, ăn uống khi bị bệnh Celiac (không dung nạp Gluten)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh Celiac hay còn gọi là tình trạng không dung nạp gluten, khi người bệnh ăn phải thức ăn có chứa gluten, cơ thể phản ứng lại và gây những tổn thương tại ruột non. Người mắc bệnh Celiac để kiểm soát bệnh chủ yếu là duy trì chế độ ăn uống không chứa gluten suốt đời.

1. Lưu ý chăm sóc điều trị đối với bệnh Celiac

Đối với người mắc bệnh Celiac việc điều trị chủ yếu là việc thay đổi, kiểm soát chế độ ăn uống không có gluten. Trong quá trình điều trị cần lưu ý:

  • Tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa lúa mì, lúa mạch, các sản phẩm lúa mạch đen và trong một số loại yến mạch, bao gồm nhiều loại bánh mì, mì ống, ngũ cốc và các thực phẩm chế biến có chứa gluten.
  • Bạn sẽ phải học cách đọc nhãn thành phần và xác định các loại thực phẩm có chứa gluten cũng như phải cẩn thận khi mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa, hoặc khi bạn ăn ở bên ngoài.
  • Đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em trong gia đình có người mắc bệnh Celiac cần tránh cho em bé ăn các thực phẩm có chứa gluten trước 6 tháng tuổi, để tránh làm tăng nguy cơ bị dị ứng khi mà hệ miễn dịch của bé còn đang phát triển.
  • Khi người bệnh thấy khỏe và các triệu chứng không xuất hiện thì vẫn phải theo chế độ ăn uống không có gluten hằng ngày. Tiếp tục ăn theo chế độ ăn uống của riêng cho bệnh của mình, tránh tình trạng bệnh tái phát.
  • Trước khi thực hiện chế độ ăn bạn có thể gặp một chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể, thực hiện chế độ ăn phù hợp với mức độ thiếu chất dinh dưỡng.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Nếu việc áp dụng chế độ ăn uống không cải thiện được triệu chứng sau 3 tuần thì bạn cần tái khám để được thay đổi chế độ ăn phù hợp.
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
Bánh
Tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa lúa mì, lúa mạch, các sản phẩm lúa mạch đen

2. Người bệnh Celiac nên và không nên ăn gì?

2.1 Thực phẩm nên ăn

Việc thực hiện chế độ không gluten mới đầu có thể gây khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm, dưới đây là một số nhóm thực phẩm có thể dùng cho người bệnh celiac:

  • Các loại ngũ cốc như gạo, ngô, khoai, sắn, bột từ gạo ngô khoai sắn, các loại đậu, kê, lúa miến và lúa hoang.
  • Trứng, thịt, cá, nên chọn các loại thực phẩm tươi chưa qua chế biến. Một số loại sữa, cần xem thành phần trên nhãn.
  • Các loại rau xanh và trái cây.
  • Một số loại hạt.

Đối với những người bị bệnh Celiac thường bị thiếu chất dinh dưỡng do khả năng hấp thu ở ruột non kem. Có thể lựa chọn những thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng theo nhu cầu cần thiết như:

  • Sắt: Thịt bò (luôn chọn nguồn chưa qua chế biến), rau bó xôi, đậu trắng, sô cô la đen, đậu lăng, đậu phụ, đậu xanh và hạt điều.
  • Vitamin D: Sản phẩm từ sữa (sữa chua, sữa, phô mai), sữa không béo (sữa đậu nành, hạnh nhân), nước cam, cá mòi, cá hồi và trứng.
  • Canxi: Sữa không đường, cá hồi, cá mòi, cải xoăn, đậu phụ, nước cam.
  • Vitamin B: Hạt hướng dương, đậu, đậu lăng, rau bó xôi, nấm, gà, bông cải xanh, măng tây.
  • Kẽm: Thịt bò, cua, tôm hùm, thịt lợn, thịt gà và hạt điều.
  • Ngoài ra có thể bổ sung vitamin và khoáng chất thiếu bằng các loại viên uống tổng hợp không chứa gluten.
Vitamin B
Bổ sung Vitamin B và các loại dưỡng chất cần thiết khác theo nhu cầu

2.2 Thực phẩm không nên ăn

Những thực phẩm có chứa gluten như:

  • Lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và một số loại yến mạch.
  • Tinh bột mì.
  • Món tráng miệng như bánh ngọt, bánh quy.
  • Bia và các loại thức uống có cồn khác.
  • Một số loại bánh mì chế biến.
  • Thịt chế biến sẵn như xúc xích.
  • Giả thịt xông khói và hải sản.
  • Nước xốt marinade (dùng khi ướp thịt nướng).
  • Một số loại nước tương.
  • Bánh thánh.
  • Nước xốt marinade (dùng khi ướp thịt nướng).
  • Mạch nha, mạch nha hương liệu và mạch nha giấm.
  • Một số loại thuốc và thuốc bổ.
  • Son môi, son bóng và son nhũ hương.
  • Bột nặn (trẻ em bị bệnh celiac nên rửa tay sau khi sử dụng bột nặn).

Điều quan trọng để tránh những thực phẩm chế biến sẵn có chứa gluten là xem nhãn sản phẩm.

Để điều trị bệnh Celiac thì cách duy nhất là bạn phải tuân thủ chế độ ăn uống không chứa gluten, những lưu ý khi điều trị bệnh giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận một chế độ ăn hoàn toàn không có gluten. Bất kể khi nào thấy các dấu hiệu bệnh xuất hiện hay điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng các triệu chứng không thuyên giảm bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa, Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương đã thực hiện thành công nhiều trường hợp can thiệp nội soi phức tạp, phát hiện nhiều tổn thương ung thư tiêu hóa ở giai đoạn sớm, đem lại sức khỏe và sự an tâm cho nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ Phương chuyên chẩn đoán ung thư sớm ở dạ dày và đại tràng, kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng trong điều trị sỏi đường mật tụy, hẹp đường mật, u đường mật, rò mật và điều trị co thắt tâm vị bằng kỹ thuật mở cơ qua đường miệng điều trị co thắt tâm vị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1.9K

Bài viết liên quan