Stress gây rối loạn tiêu hóa như thế nào?

Trong cuộc sống hiện đại, khá nhiều người mắc phải các chứng bệnh về đường tiêu hóa như chán ăn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy,... sau khi bị căng thẳng thần kinh, mệt mỏi kéo dài. Điều này là do stress gây rối loạn tiêu hóa và rối loạn hệ miễn dịch của đường ruột.

1. Stress là gì?

Stress là trạng thái bất ổn về mặt tinh thần và cảm xúc, liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể bệnh nhân sẽ có phản ứng tương tự như khi phải đối diện với tình huống nguy hiểm cho tính mạng. Ở một khía cạnh nhất định, stress được xem là động lực giúp chúng ta đưa ra những hành động quyết liệt hơn trước một số tình huống, giúp làm tăng khả năng tập trung và có những phán đoán chính xác. Tuy nhiên, nếu stress xảy ra liên tục và kéo dài thì nó rất dễ gây những ảnh hưởng xấu tới tâm lý, thể chất, tinh thần và sức khỏe của người bệnh.

Các yếu tố thuận lợi gây stress gồm:

  • Môi trường bên ngoài: Bụi, tiếng ồn, thời tiết, giao thông,...;
  • Căng thẳng từ gia đình và xã hội: Các vấn đề tài chính, công việc, mâu thuẫn, mất mát người thân,...;
  • Vấn đề về thể chất: Ốm đau, cơ thể thay đổi, thiếu chất dinh dưỡng,...;
  • Cách suy nghĩ của chính bạn: Những người hay suy nghĩ tiêu cực thường dễ bị stress hơn,...

Những người bị stress trong thời gian dài thường có những biểu hiện sau:

  • Mệt mỏi, đau đầu: Bị stress kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu thường xuyên ở 1 hoặc cả 2 bên đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do căng thẳng kéo dài làm giải phóng các chất gây hại cho não bộ, hoạt động của mạch máu và thần kinh bị thay đổi;
  • Khả năng tập trung kém, suy giảm trí nhớ: Người hay bị căng thẳng thường không có hứng làm việc, mất tập trung, giảm trí nhớ, dễ chán nản và làm việc không hiệu quả;
  • Rối loạn giấc ngủ: Do bị stress trong một thời gian dài nên bệnh nhân hay cảm thấy lo lắng, dễ suy nghĩ tiêu cực, rơi vào trạng thái không lối thoát. Do suy nghĩ nhiều, cơ thể bệnh nhân có những rối loạn về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc,...;
  • Rối loạn cảm xúc: Người bị căng thẳng trong thời gian dài thường dễ bị xúc động, ức chế với những việc nhỏ nhặt, dễ mất kiểm soát về hành vi, biểu lộ cảm xúc một cách thái quá,...

2. Stress gây rối loạn tiêu hóa - tình trạng thường gặp

Stress gây rối loạn tiêu hóa với nhiều biểu hiện như: Stress gây đau dạ dày, stress gây đau bụng, stress gây táo bón, stress gây tiêu chảy,... Thực tế, hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi tâm trạng của con người. Stress có thể khiến bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng, thủng dạ dày, chảy máu tiêu hóa, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở có mùi, rối loạn chức năng đại tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày - thực quản,...

Về cơ chế stress gây rối loạn tiêu hóa: Dạ dày và ruột có nhiều tế bào thần kinh nên các bác sĩ coi hệ tiêu hóa chính là 1 bộ não nhỏ. Các dây thần kinh nối trực tiếp từ não tới hệ tiêu hóa và thông tin sẽ được truyền theo 2 chiều. 95% hormone Serotonin (hormone rất quan trọng trong kiểm soát tâm trạng con người) nằm trong hệ tiêu hóa.

Khi bị stress nặng, não sẽ sản sinh ra các hormone gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời sinh ra các steroid và adrenaline phục vụ việc chống lại stress. Và đôi khi các hormone này gây ảnh hưởng tới tâm trạng của người bệnh, khiến người bệnh bị chán ăn khi stress. Một số trường hợp các hormone này lại kích thích cơn đói, khiến người bệnh cảm thấy thèm ăn khi bị stress.

Tuy mỗi người có mức độ, cách thức phản ứng khác nhau với stress nhưng có một số ảnh hưởng chung mà stress tác động tới hệ tiêu hóa. Cụ thể, nếu người bệnh có các vấn đề về dạ dày như bệnh viêm loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích,... thì stress có thể khiến triệu chứng của bệnh xấu đi.

Đồng thời, hệ thống thần kinh trung ương kiểm soát quá trình tiêu hóa. Nếu bạn quá căng thẳng thì hệ thần kinh trung ương sẽ ngừng lưu thông máu, gây co cơ, khó tiêu. Stress có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, tác động tới nhu động ruột, ợ nóng, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày, viêm đại tràng, bệnh Crohn,...

3. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do stress

Người lớn bị stress gây rối loạn tiêu hóa thường có các biểu hiện sau:

  • Đầy bụng, khó tiêu: Hệ tiêu hóa bị rối loạn gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa các loại thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ bị ứ đọng trong ống tiêu hóa, khiến người bệnh thường cảm thấy bụng căng trướng, khó chịu, liên tục bị ợ nóng, ợ hơi, đặc biệt là sau khi ăn;
  • Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội: Cơn đau bụng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Người bệnh có thể bị đau ở vùng bụng trên, vùng bụng dưới hoặc vùng dạ dày,... Cơn đau đặc biệt tăng mạnh nếu bệnh nhân ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm,...;
  • Chán ăn: Khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề, người bệnh thường có cảm giác đắng miệng, chán ăn, ăn không ngon;
  • Buồn nôn và ói mửa: Đường tiêu hóa bị kích thích khiến việc hấp thu thức ăn bị giảm sút. Lúc này, thức ăn có thể bị trào ngược lên thực quản, gây buồn nôn và ói mửa;
  • Rối loạn đại tiện: Hệ tiêu hóa bị rối loạn chức năng đào thải khiến người bệnh bị táo bón hoặc đại tiện nhiều lần trong ngày. Nếu tình trạng này kéo dài (đặc biệt là tiêu chảy) sẽ khiến bệnh nhân bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

4. Biến chứng nguy hiểm của stress gây rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa do stress không đe dọa tới tính mạng bệnh nhân nhưng lại gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, rối loạn tiêu hóa khiến bệnh nhân luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và khó chịu. Bên cạnh đó, việc đại tiện nhiều lần trong ngày cũng khiến người bệnh dễ bị mất nước, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, hiện tượng chán ăn trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, gây sụt cân nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hiệu suất công việc thường ngày.

Nguy hiểm hơn, nếu rối loạn tiêu hóa không được điều trị kịp thời thì có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, polyp đại tràng hoặc xuất huyết đại tràng, thậm chí là ung thư đại trực tràng.

5. Cách điều trị stress gây rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa, điều trị tình trạng rối loạn tiêu hóa do stress, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

5.1 Hóa giải tình trạng stress - nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Để loại trừ stress, bệnh nhân nên:

  • Hạn chế những yếu tố có thể gây stress;
  • Giữ thái độ và suy nghĩ luôn đúng đắn, thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực;
  • Hiểu đúng vấn đề để loại bỏ những nỗi lo sợ, oán giận, lo âu, trầm cảm, buồn bã,...;
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như vitamin nhóm B, vitamin C, D, E, sắt, magie, mangan, kali, photpho, selen, kẽm, protein, tinh bột và chất béo;
  • Nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách thư giãn thực sự;
  • Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày: Chạy bộ, bơi lội hoặc đi bộ 30 phút/ngày,...

Nếu đã thực hiện theo những gợi ý trên mà vẫn không hết căng thẳng, bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị thích hợp.

5.2 Điều trị rối loạn tiêu hóa do stress

Theo các chuyên gia, tùy thuộc mức độ triệu chứng rối loạn tiêu hóa do stress mà sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp. Một số biện pháp có tác dụng hỗ trợ xử lý tình trạng rối loạn tiêu hóa mà người bệnh có thể tham khảo là:

Điều chỉnh chế độ ăn uống:

Một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng một cách hiệu quả. Bệnh nhân nên:

  • Bổ sung đầy đủ nước, chất điện giải (khoảng 2 - 3 lít/ngày);
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ, đặc biệt là hoa quả giàu vitamin C như ổi, cam, chuối,... để tăng cường sức đề kháng, cải thiện các triệu chứng bệnh, hỗ trợ phục hồi các vết viêm loét trên thành ruột;
  • Bổ sung thêm sữa chua trong khẩu phần ăn hằng ngày để cung cấp các lợi khuẩn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn;
  • Không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn ôi thiu, đồ cay nóng, lên men hoặc những loại đồ ăn tái sống (gỏi, tiết canh, nem chua,...);
  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, nước ngọt có gas,...;
  • Thực hiện nguyên tắc ăn chín - uống sôi, ăn chậm - nhai kỹ.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Stress gây rối loạn tiêu hóa nên việc xây dựng một thói quen sinh hoạt tích cực sẽ có lợi trong việc điều trị stress và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Cụ thể, người bệnh nên:

  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh lo âu và căng thẳng;
  • Rèn luyện thói quen đi vệ sinh đúng giờ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động đúng chu kỳ với đầy đủ chức năng;
  • Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không nằm ngay sau khi ăn no;
  • Vệ sinh môi trường sống và làm việc, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn;
  • Tăng cường các hoạt động thể chất, duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao đúng cách, điều độ để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Sử dụng thuốc

Khi rối loạn tiêu hóa xuất hiện với những triệu chứng khó chịu như đau bụng, chướng bụng, đi ngoài nhiều lần, nôn ói, khó tiêu,... người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường dùng là: Thuốc giảm đầy bụng khó tiêu, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm đau bụng, thuốc kháng sinh, thuốc xổ giúp xử lý tình trạng táo bón, thuốc hỗ trợ nhu động ruột,...

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bổ sung thêm men vi sinh và uống Oresol để bù nước cũng như chất điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc, người bệnh nên thăm khám, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, trong trường hợp bị rối loạn tiêu hóa mức độ nặng với những triệu chứng như sốt cao, tiêu chảy mất nước, mất máu do đi ngoài ra máu,... thì người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị càng nhanh càng tốt.

Stress gây rối loạn tiêu hóa nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để nhận được lời khuyên tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan