Bệnh động mạch chi dưới

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh động mạch chi dưới xảy ra khi mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch làm tắc nghẽn dòng máu. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch chi dưới sớm sẽ giảm nguy cơ biến cố tim mạch, cải thiện triệu chứng ở chân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Bệnh động mạch chi dưới là gì?

Bệnh động mạch chi dưới còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên, xảy ra khi mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch chi dưới, làm tắc nghẽn dòng máu. Mảng xơ vữa bao gồm chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác trong máu. Khi những mảng bám này tích tụ thì sẽ chặn hoàn toàn hoặc một phần, thu hẹp lòng động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến mô ở chân cũng như các bộ phận khác của cơ thể. Điều này đôi khi được gọi là xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch.

Chính vì dòng máu lưu thông kém nên người bệnh có thể bị đau chân và làm tăng nguy cơ tiến triển các vết loét hở, nhiễm trùng da. Nếu không điều trị, bệnh động mạch chi dưới diễn tiến nặng dần có thể khiến các mô chân hoại tử, đôi khi phải cắt cụt chi.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới như thế nào?

Bệnh động mạch chi dưới thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chân. Triệu chứng phổ biến và đáng chú ý nhất là đau chân sau khi đi bộ một quãng đường ngắn (độ dài quãng đường là khác nhau ở mỗi người nhưng nhìn chung không xa), triệu chứng này được gọi là đau chân cách hồi.

Nguyên nhân gây ra chi dưới bị đau khi đi bộ là do lưu lượng máu và oxy không đủ đến tổ chức cơ chi dưới trong quá trình hoạt động thể chất. Cơn đau có xu hướng xảy ra ở cùng một vùng của chân, chẳng hạn như bắp chân, bất cứ khi nào người bệnh đi bộ và giảm đau sau khi nghỉ ngơi vài phút. Khi bắt đầu đi lại, cơn đau có xu hướng xuất hiện trở lại ở khoảng cách tương đương với quãng đường đã đi bộ.

Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh động mạch chi dưới còn bao gồm:

  • Xuất hiện các vết loét trên chân hoặc bàn chân. Đôi khi các tổn thương này khởi phát từ một chấn thương hoặc vết xước nhỏ.
  • Lưu thông máu kém ở chân có thể dẫn đến da khô, nứt nẻ.
  • Bởi vì các vết cắt nhỏ và da bị nứt không nhận đủ lưu lượng máu để tái tạo, vi khuẩn có thể xâm nhập vào chúng và gây nhiễm trùng.
  • Nếu vết loét bị nhiễm trùng và không được điều trị, mô có thể chết. Tình trạng này, được gọi là hoại tử, xảy ra khi một động mạch bị tắc nghẽn ngăn cản mô chân nhận đủ máu và oxy. Một chân bị hoại tử nghiêm trọng có thể phải cắt cụt nếu điều trị phẫu thuật và thuốc không giúp khôi phục lưu lượng máu hiệu quả. Các dấu hiệu của hoại tử chi bao gồm da đổi màu, có mùi hôi và chảy mủ do nhiễm trùng.
Bệnh động mạch chi dưới thông thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chân
Bệnh động mạch chi dưới thông thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chân

3. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch chi dưới

Bệnh động mạch chi dưới thường do hút thuốc lá, béo phì và tình trạng dinh dưỡng kém. Những người có mức cholesterol trong máu cao do yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn nhiều chất béo thì có thể gây tắc nghẽn động mạch. Bên cạnh đó, lối sống ít vận động cũng làm tăng nguy cơ, vì lưu lượng máu lưu thông kém hơn. Vì vậy, việc tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là cải thiện lưu lượng máu và sức khỏe động mạch.

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp cao làm tổn thương các thành động mạch, khiến chúng dễ bị tắc nghẽn và thu hẹp. Ngoài ra, những bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhiều khả năng diễn tiến tới bệnh động mạch chi dưới vì dễ hình thành các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch.

4. Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới

Sau khi kiểm tra và xem xét bệnh sử, bác sĩ có thể yêu cầu một trong các xét nghiệm sau để tìm những dấu hiệu của sự tắc nghẽn trong động mạch chi dưới.

  • Siêu âm Doppler động mạch

Siêu âm Doppler màu sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh làm nổi bật lưu lượng máu trong động mạch chi dưới. Công cụ này phát hiện và đánh giá bất kỳ tắc nghẽn nào gây ra bởi sự tích tụ mảng bám.

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ đặt một thiết bị cầm tay (đầu dò) lên da, truyền sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của các mạch máu ở chân trên màn hình. Quá trình này có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút và không gây ra bất kỳ đau đớn nào. Sau đó, người bệnh hoàn toàn có thể trở lại các hoạt động thường ngày của mình.

  • Đo huyết áp tứ chi

Bác sĩ có thể đo huyết áp ở đùi, bắp chân và bàn chân cũng như huyết áp ở cánh tay. Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của tắc nghẽn động mạch với lưu lượng máu không đủ.

  • Chụp cắt lớp vi tính

Trong quá trình chụp cắt lớp vi tính, công nghệ tia X được sử dụng để khảo sát nhiều cấu trúc bên trong cơ thể. Trước khi chụp, người bệnh được tiêm tĩnh mạch một liều chất cản quang, đi qua các mạch máu và làm nổi bật bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong các động mạch chi dưới.

  • Chụp mạch máu

Trong chụp mạch máu, tia X cũng được sử dụng để xác định xem mảng bám có làm tắc nghẽn mạch máu hay không. Trong quá trình thực hiện, người bệnh được gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da gần bẹn, đưa một ống thông vào và dẫn theo động mạch đùi. Bác sĩ tiếp tục di chuyển ống thông đến khu vực ở chân để kiểm tra và tiêm thuốc cản quang làm nổi bật lòng mạch máu, phát hiện tình trạng hẹp, giãn rộng hoặc tắc nghẽn lòng mạch.

Hút thuốc là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch chi dưới
Hút thuốc là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch chi dưới

5. Làm cách nào để điều trị bệnh động mạch chi dưới?

5.1. Điều trị nội khoa

Các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để kiểm soát tình trạng huyết áp cao, mức cholesterol và đái tháo đường, tất cả đều có thể góp phần gây ra bệnh động mạch chi dưới.

Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ suốt đời. Các phương pháp điều trị khác bệnh động mạch chi dưới, bao gồm thay đổi lối sống và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

5.2. Điều trị phẫu thuật

Khi thay đổi lối sống và dùng thuốc không ngăn chặn hoặc làm giảm các triệu chứng chi dưới bị đau, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn và ngăn chặn các khối mới hình thành, bao gồm các hình thức như sau:

  • Bóc tách nội mạc động mạch

Hầu hết những người bị bệnh động mạch chi dưới đều được điều trị thành công bằng phương pháp bóc tách nội mạc động mạch. Quy trình này bao gồm làm sạch động mạch bị tắc bằng cách cạo hay cắt mảng bám xơ vữa.

Trước khi thủ thuật bắt đầu, người bệnh được gây tê cục bộ và an thần nhẹ. Sau đó, thuốc cản quang được bơm vào để bác sĩ có thể nhìn thấy sự tắc nghẽn trên phim chụp X-quang. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống thông vào động mạch đùi, đến đoạn động mạch bị tắc và loại bỏ mảng bám bằng cách sử dụng một dụng cụ nội mạch gắn vào đầu ống thông.

Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện các thủ thuật khác đồng thời, chẳng hạn như nong mạch bằng bóng và đặt stent để ngăn ngừa khả năng tắc nghẽn trong tương lai.

  • Nong mạch và đặt stent

Phương pháp bóc tách nội mạc động mạch không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, trong khi nong động mạch bằng bóng và đặt một stent, một ống lưới kim loại được đưa vào mạch máu để giữ nó mở ra, có phần đơn giản hơn.

Bệnh nhân chỉ cần được gây tê cục bộ. Trong quá trình nong mạch bằng bóng, bác sĩ sẽ đẩy quả bóng qua ống thông đến đoạn mạch máu bị tắc hẹp rồi bơm phồng quả bóng lên. Sau đó, bác sĩ tiếp tục đặt stent tại chỗ, duy trì khả năng cải thiện lưu lượng máu lâu dài sau can thiệp.

  • Phẫu thuật bắc cầu

Phương pháp nong mạch và đặt stent có thể không phải là phương pháp điều trị ngoại khoa tốt nhất cho những người bị tắc nghẽn động mạch lan tỏa cũng như các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như tắc nghẽn động mạch từng cơn, chi dưới bị đau khi đi bộ, hoại tử do bệnh tiểu đường, vết loét hở trên chân hoặc thuyên tắc phổi... đe dọa tính mạng.

Thay vào đó, bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật bắc cầu, cho phép tạo ra một “tuyến đường mới” để máu đi vòng qua động mạch bị tắc nghẽn, khôi phục lưu lượng máu đến chân. Lợi ích lớn nhất của phẫu thuật bắc cầu là có thể tránh được việc cắt cụt chân vì hoại tử.

  • Thay đổi lối sống

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh động mạch chi dưới. Những thói quen này cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại nếu đã được điều trị.

Một số thói quen xấu và các vấn đề sức khỏe có thể gây gánh nặng cho tim, chẳng hạn như hút thuốc, béo phì, huyết áp cao và bệnh đái tháo đường không kiểm soát. Tất cả đều có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám xơ vữa trong động mạch chi dưới - nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh động mạch chi dưới.

Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh động mạch chi dưới
Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh động mạch chi dưới

Tóm lại, bệnh động mạch chi dưới là một biểu hiện phổ biến của chứng xơ vữa động mạch với triệu chứng điển hình là chi dưới bị đau theo cơn đau cách hồi. Khi động mạch chi dưới bị hẹp và tắc nghẽn thì có thể giảm khả năng đi lại, loét da và hoại tử. Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh và tuân thủ điều trị, nhất là các hành vi thay đổi lối sống luôn được khuyến khích nhằm bảo tồn chức năng tim mạch nói chung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: uptodate.com, nyulangone.or, escardio.org, vnha.org.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan