Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim mạch phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh cần được kiểm soát và điều trị để giảm thiểu các biến chứng cấp tính.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Mạch vành là động mạch nuôi dưỡng cho tim. Vì một nguyên nhân nào đó như mảng xơ vữa, cục máu đông hay co thắt mạch vành khiến cho lưu lượng máu nuôi cơ tim giảm đi gọi là bệnh mạch vành.

Bệnh mạch vành có 2 thể là hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn:

  • Hội chứng động mạch vành cấp hay bệnh mạch vành cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, một cách cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối.
  • Bệnh mạch vành mạn: Tình trạng thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều năm. Triệu chứng của bệnh xuất hiện tăng dần khi diễn biến của hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian. Thường thì khi mức độ hẹp trên 50% người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu đau tức nặng ở ngực, có thể lan lên vai và xuống tay trái.

Bệnh mạch vành có thể gây ra triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn sớm, người bệnh đôi khi chỉ cảm thấy hơi đau ngực, khó thở, mệt mỏi...khi lao động gắng sức và nghỉ ngơi thì hết. Cho nên bệnh dễ bỏ qua và khiến cho bệnh không được phát hiện sớm, tăng nguy cơ gây ra các biến chứng bệnh mạch vành cấp.

2. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Bệnh động mạch vành là một bệnh lý nguy hiểm, bởi vì có khả năng dẫn đến các biến chứng nặng như:

  • Đột tử: Có khoảng 30 % – 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bị đột tử trước khi đến bệnh viện. Biến chứng bệnh mạch vành gây ra đột tử rất nguy hiểm, nó có thể xuất hiện ở cả những bệnh nhân không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng trước đó.
  • Nhồi máu cơ tim: Bệnh mạch vành cấp gây ra tắc nghẽn hoàn toàn một nhánh của động mạch, sẽ khiến cho cơ tim không hoạt động được. Nếu không điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong rất cao.
  • Suy tim: Do thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài hoặc suy tim sau nhồi máu cơ tim, khiến cho tim co bóp kém.
  • Hở van tim nặng: Có thể gặp do sau nhồi máu bị đứt dây chằng van tim, sa lá van, dãn vòng van hay tâm thất trái co bóp bất thường.
  • Rối loạn nhịp tim: Thường gặp như blốc nhĩ thất, rung nhĩ (nguy cơ dẫn đến nhồi máu não), ngoại tâm thu thất do sẹo cơ tim nhồi máu; nguy hiểm hơn là cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thất hoặc rung thất đưa đến đột tử.

3. Bệnh mạch vành nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân và yếu tố gây ra bệnh mạch vành bao gồm:

  • Người cao tuổi bị cao huyết áp, tiểu đường và tăng cholesterol máu.
  • Tuổi cao: Người càng cao tuổi thì càng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch sớm.
  • Thừa cân hay béo phì: Người có chỉ số BMI >23 sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa cao hơn, trong đó có bệnh mạch vành.
  • Lối sống ít vận động: Tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
  • Thường xuyên stress: Căng thẳng quá mức sẽ gây ra tổn hại cho động mạch, tăng phản ứng viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhiều muối và bột đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ: Khi nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột sẽ gây tăng huyết áp và gây stress trên hệ thống tim mạch, đây là yếu tố thuận lợi của bệnh lý mạch vành.
  • Một số bệnh nội khoa khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như suy thận mạn, bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, xơ cứng bì,..)...

4. Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?

Điều trị các căn bệnh liên quan đến mạch vành như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Thông thường cần áp dụng nhiều phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu làm tăng cường cung cấp máu cho tim, giảm các triệu chứng và giúp kéo dài đời sống của người bệnh, bao gồm:

Thay đổi lối sống

  • Người bệnh cần phải ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Tập thể dục một cách đều đặn các ngày trong tuần, bằng các bài tập phù hợp.
  • Giảm cân nếu như người bệnh dư cân hay béo phì.
  • Nên tránh căng thẳng trong cuộc sống và trong công việc. Nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.
  • Chế độ ăn tốt cho tim mạch như giảm muối, giảm tinh bột, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá và các loại ngũ cốc.

Dùng thuốc điều trị:

  • Dùng thuốc kết hợp biện pháp không dùng thuốc để kiểm soát yếu tố nguy cơ như lượng đường trong máu nếu bạn có đái tháo đường; Điều trị ổn định huyết áp và mỡ máu.
  • Dùng thuốc chống đau thắt ngực như thuốc chẹn beta, chẹn kênh calci, thuốc nitrate, nicorandil, ranolazine, trimetazidine...
  • Nếu cần có một số người bệnh cần dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.

Can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent

Phương pháp này thường được áp dụng khi bệnh nhân có mức độ hẹp nhiều, dùng thuốc không cải thiện, có tiên lượng nhồi máu cơ tim cao. Việc đặt Stent động mạch vành là sử dụng những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ cố định khiến cho nó không hẹp lại. Sau khi đặt stent người bệnh cần được dùng thuốc kê đơn kết hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành:

Phương pháp này là dùng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành tổn thương, rồi nối phía sau đoạn hẹp. Khi phẫu thuật như vậy máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu sau chỗ hẹp thông qua cầu nối mới. Người bệnh cũng cần kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống sau khi điều trị.

Tóm lại, bệnh mạch vành là một bệnh lý rất nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, nhưng chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Bệnh có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng gì khi mức độ hẹp nhẹ. Chính vì vậy bạn cần tầm soát phát hiện bệnh sớm, để tăng hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

206 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan