Bí mật sức khỏe phía sau chỉ số huyết áp và nhịp tim

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Lương Võ Quang Đăng - Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Huyết là máu, áp là áp lực, vậy huyết áp tức là áp lực của máu. Cụ thể hơn là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp và khi tim giãn ra, nhằm mục đích đưa máu khắp cơ thể. Nhịp tim là số lần tim đập mỗi phút.

1. Mối liên hệ giữa huyết áp và nhịp tim

Dù liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng không phải mọi thời điểm nhịp tim và huyết áp đều tỉ lệ thuận với nhau. Vì khi nhịp tim tăng lên, các mạch máu sẽ tự động co giãn và cho phép lưu thông lượng máu lớn hơn tới các cơ quan trong cơ thể, không tạo ra áp lực quá lớn lên thành các mạch máu, vì vậy không làm tăng huyết áp. Ví dụ dễ thấy nhất là khi tập thể dục, nhịp tim tăng mạnh nhưng huyết áp vẫn ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.

Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc thù như căng thẳng, lo lắng tột độ, huyết áp và nhịp tim sẽ tăng cùng lúc. Ở những người mắc bệnh tăng huyết áp sẽ có xu hướng nhịp tim tăng lên, do áp lực lên thành mạch máu cao khiến cho tim bơm máu khó khăn hơn, nên trong giai đoạn nào đó người bệnh sẽ cảm thấy nhịp tim tăng nhanh hơn bình thường.

2. Lưu ý chỉ số huyết áp

Vậy huyết áp hay nhịp tim tăng lên, giảm đi thế nào là hại sức khỏe? Thế nào là mức ổn định, bình thường? BS Lương Võ Quang Đăng - Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết:

Huyết áp tâm thu đo được nhỏ hơn 120 và huyết áp tâm trương đo được nhỏ hơn 80 thuộc chỉ số huyết áp bình thường.

Một chỉ số khác giúp tiên đoán về tình trạng tim mạch là Hiệu áp. Đây là số chênh lệch của huyết áp tâm thu và tâm trương. Hiết áp bình thường sẽ nằm trong phạm vi 40-60 mmHg, xu hướng ngày càng tăng ở những người lớn tuổi (thường sau độ tuổi 50). Hiệu áp từ 40 mmHg trở xuống được coi là hiệu áp hẹp, thường là do mắc chứng suy tim, sốt xuất huyết hoặc do chấn thương, các bệnh lý về van tim. Hiệu áp từ 55-60 mmHg trở lên được gọi là hiệu áp rộng, càng cao càng tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim, đặc biệt là ở nam giới.

Tần số nhịp tim bình thường lúc nghỉ sẽ dao động từ 60 – 100 nhịp mỗi phút. Nhưng tần số tim thấp hơn 60 không có nghĩa là bạn có vấn đề về sức khỏe. Nó có thể là do dùng thuốc chẹn beta điều trị tim mạch. Nhịp tim những người hoạt động thể chất nhiều hoặc vận động viên cũng thấp hơn người thường (xuống 40 nhịp mỗi phút) vì cơ tim của họ ở trong tình trạng tốt hơn và cơ tim không cần phải làm việc nhiều để duy trì nhịp đập ổn định.

Nếu nhịp đập trái tim trở nên bất thường, nhịp tim nhanh hơn 100 nhịp mỗi phút, chậm dưới 60 nhịp mỗi phút hoặc tim đập lúc nhanh, lúc chậm, thậm chí có nhịp tim đập nhưng không thấy mạch, thì được gọi là rối loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim là triệu chứng của những căn bệnh nguy hiểm như: Suy tim, Thiếu máu cơ tim, các bệnh lý về van tim (hở van tim và hẹp van tim), viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, Tăng huyết áp, Rối loạn mỡ máu, Tiểu đường, Thừa cân béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng,.. Nếu đi kèm với các triệu chứng như: sụt cân, mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng gắng sức, kèm theo đau đầu, vã mồ hôi,... thì cần đến gặp bác sĩ để có phương án chữa trị tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan