Hồi phục sau cơn đau tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đau tim (nhồi máu cơ tim) xảy ra khi có sự tắc nghẽn đột ngột động mạch vành, làm thiếu máu tới một phần cơ tim. Nếu cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn, nghĩa là trở lại sinh hoạt bình thường như trước. Theo kết quả thống kê trên lãnh thổ Anh Quốc hiện có hơn 915000 người Anh quốc còn sống sau khi trải qua cơn đau tim.

Theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Andrew Archbold tới từ Bệnh viện BMI London độc lập (BMI The London Independent Hospital): “Bệnh nhân bị đau tim sẽ không được xuất viện trừ khi bác sĩ khám và kết luận không có tình trạng nguy hiểm nào đối với trường hợp của bệnh nhân. Trong trường hợp chỉ bị đau tim mức độ nhẹ, khi tim trở lại hoạt động bình thường, bệnh nhân có thể được xuất viện trong vòng 48 giờ”.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phản ứng của cơ thể sau cơn đau tim, nhưng sức khỏe của người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn nếu họ biết cách nghỉ ngơi, thư giãn, kiểm soát tốt tâm trạng, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.

1. Tập luyện thể dục thể thao sau khi trải qua cơn đau tim

Các hoạt động thể chất như tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ rất tốt nếu như được thực hiện phù hợp và đúng cách, và đây cũng là một t trong những nội dung cốt lõi của Chương trình phục hồi chức năng Tim mạch (cardiac rehabilitation programme).

Hiện nay, con đường phục hồi sau khi trải qua cơn đau tim không còn là nằm nghỉ trên giường bệnh. Thay vào đó, bệnh nhân được khuyến khích hoạt động, tuy nhiên, mức độ và cường độ hoạt động như thế nào sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng tổn thương tim mà bệnh nhân đã trải qua.

Trước khi được xuất viện, bệnh nhân sẽ được tư vấn kỹ lưỡng về các vấn đề sau khi ra viện, bao gồm cả chương trình tập luyện mà mức độ và cường độ sẽ tăng dần dần cho đến mức phù hợp với cá thể bệnh nhân. Thông thường nhất, đa số bệnh nhân được khuyên dành 20 phút mỗi lần tập mỗi ngày trong từ 4 tới 6 tuần cho các hoạt động như đi bộ, đạp xe hay bơi lội.

Lưu ý: Trong các hoạt động tập luyện thể dục thể thao thì cử tạ (hoặc nâng vật nặng) là điều không được khuyến khích trong một khoảng thời gian nhất định ban đầu. Khi thực hiện cử tạ, huyết áp bệnh nhân sẽ tăng lên, tạo ra những áp lực đến tim không có lợi cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Béo phì
Thừa cân, béo phì sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đau tim

2. Trong quá trình phục hồi bệnh nhân có cần thay đổi chế độ ăn hay không?

Thừa cân, béo phì sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đau tim, do đó với những bệnh nhân thừa cân hay béo phì thì trong quá trình hồi phục chức năng tim mạch sẽ phải thay đổi chế độ ăn, nhằm làm giảm khối lượng cơ thể cho đến khi đạt chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) phù hợp.

Việc thay đổi chế độ ăn sẽ bắt đầu từ việc hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những thức ăn làm gia tăng nguy cơ bệnh lý mạch vành. Ưu tiên những bữa ăn có rất nhiều hoa quả và rau tươi, sử dụng dầu olive, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, kèm theo các món ăn chế biến từ cá, đặc biệt là các loại cá nhiều dầu (vì nó chứa nhiều chất béo omega - 3 có ích cho sức khỏe).

3. Bỏ hút thuốc lá

Nếu là người hút thuốc lá, bệnh nhân cần từ bỏ ngay lập tức. Những người hút thuốc lá phải đối mặt với nguy cơ bị đau tim cao gấp gần hai lần so với những người bình thường chưa bao giờ hút thuốc. Việc dừng hút thuốc lá đôi khi sẽ rất khó khăn, và nếu không thể tự mình từ bỏ, hãy tham vấn bác sĩ để có được những trợ giúp tốt nhất.

Quan hệ tình dục an toàn
Bệnh nhân có thể tiến hành quan hệ tình dục khi cảm thấy cơ thể mình đã ổn

4. Khi nào bệnh nhân có thể quay trở lại làm việc?

Thời điểm bệnh nhân có thể quay trở lại với công việc sớm hay muộn tùy thuộc vào tính chất công việc và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu là công việc văn phòng đơn thuần, bệnh nhân có thể đi làm trở lại sau một vài tuần, nhưng nếu là công việc cần hoạt động thể lực, hiển nhiên bệnh nhân sẽ không thể sớm quay lại làm việc được. Trước khi đi làm trở lại, bệnh nhân cần thăm khám và được bác sĩ chuyên khoa đồng ý tình trạng bệnh nhân đã cho phép quay lại làm việc.

5. Liệu việc tái khám với bệnh nhân có cần thiết hay không?

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới cơn đau tim chính là bệnh lý mạch vành, do đó bệnh nhân cần đi tái khám sau đau tim thường xuyên để kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành. Tối thiểu bệnh nhân cần đi khám, kiểm tra huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu một năm một lần.

Đối với những bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc điều trị sau khi trải qua cơn đau tim, hãy nhớ làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, bởi việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt sẽ giúp cho bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với cơn đau tim lần nữa.

6. Việc quan hệ tình dục đối với bệnh nhân đã trải qua cơn đau tim

Khi bệnh nhân cảm thấy cơ thể mình đã ổn, bệnh nhân có thể tiến hành quan hệ tình dục, thông thường là sau khoảng bốn tuần kể từ khi bị cơn đau tim. Quan hệ tình dục cũng là một loại hoạt động thể chất, do đó cũng như các hoạt động thể lực khác, bệnh nhân hoàn toàn có thể tiến hành và tận hưởng nó.

Tuy nhiên một số thuốc điều trị có thể ảnh hưởng tới việc quan hệ tình dục của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc chẹn beta có thể gây ra tác dụng không mong muốn là làm giảm hứng thú tình dục và rối loạn cương dương ở nam giới. Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong việc quan hệ tình dục, hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để có hướng giải quyết.

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh cảnh nguy hiểm của hệ tim mạch, có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào. Việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là điều cấp thiết để giúp bệnh nhân có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng, đồng thời hạn chế tối đa được các biến chứng xảy ra sau nhồi máu cũng như nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh có hơn 6 năm làm việc (bắt đầu từ năm 2011) trong lĩnh vực Cấp cứu, bác sĩ từng công tác tại khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa, Tham gia khám, điều trị Nội khoa cho nhiều phòng khám trong khu vực Nha Trang trước khi là bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang như hiện nay.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai áp dụng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Hiện tại các ca điều trị đều đạt tỷ lệ thành công chiếm tới 95% và hầu hết đều không bị biến chứng sau điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

722 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan