Ai nên dùng thuốc trị khô mắt?

Khô mắt là tình trạng bệnh lý thường gặp gây ra nhiều khó chịu. Một trong những phương pháp điều trị khô mắt đó là sử dụng thuốc khô mắt, tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ và lưu ý một số vấn đề khi sử dụng loại thuốc này.

1. Tình trạng khô mắt mỏi mắt

Khô mắt là tình trạng bệnh lý diễn ra khi tuyến lệ của bệnh nhân hoạt động kém và mất đi sự cân bằng tự nhiên. Khi tuyến lệ không thể hoạt động bình thường cũng như không đủ lượng nước mắt tiết ra cần thiết thì sẽ khiến sức khỏe của đôi mắt bị giảm sút, gây nên tình trạng khô mắt mỏi mắt. Tình trạng khô mắt mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không điều trị trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho mô mắt, thậm chí hình thành nên những sẹo ở vùng giác mạc của mắt từ đó dẫn đến mờ mắt và mất thị lực trong một số trường hợp. Theo nhiều thống kê thì tình trạng khô mắt thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Những đối tượng như phụ nữ đang mang bầu, phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai hoặc những biện pháp tránh thai khác, phụ nữ đang điều trị với phương pháp thay thế hormone hay đang ở giai đoạn mãn kinh cũng có nhiều khả năng bị khô mắt hơn so với người bình thường.

Một số yếu tố nguy cơ của tình trạng khô mắt đó là tuổi tác, sự thay đổi về nội tiết tố, người bệnh đã từng trải qua phẫu thuật khúc xạ mắt, người bệnh bị viêm mí mắt, khô mắt do dùng máy tính, do môi trường xung quanh khiến bệnh nhân dễ bị dị ứng như khói bụi, độ ẩm thấp và khí hậu khô hanh cũng dễ bị khô mắt, người dùng kính áp tròng, người đang sử dụng một số loại thuốc, người mắc một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh khô mắt đó là mắt có cảm giác bị khô, châm chích, ngứa mắt, đỏ mắt và có những dấu hiệu của tình trạng viêm. Ngoài ra, người bệnh còn nhạy cảm hơn đối với ánh sáng và khói thuốc lá khi mắt tiếp xúc với những yếu tố này. Một số trường hợp người bệnh khô mắt còn có thể bị mờ mắt thoáng qua.

2. Thuốc khô mắt nào hiệu quả?

Tình trạng khô mắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, vì vậy khi có những dấu hiệu của bệnh lý khô mắt thì nên tìm đến những cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị khô mắt phù hợp với bệnh cảnh của bệnh nhân. Để cải thiện tình trạng khô mắt thì người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc khô mắt như sau:

  • Nước mắt nhân tạo: Nước mắt nhân tạo hay còn gọi là thuốc nhỏ mắt nhân tạo là thuốc có tác dụng làm tăng độ ẩm cho mắt, giúp mắt giữ nước và có được độ ẩm cần thiết cho nhẫn cầu, từ đó cải thiện được tình trạng khô mắt của người bệnh. Một số loại nước mắt nhân tạo có thể có hoặc không có thành phần chất bảo quản, vì vậy có thể có nguy cơ gặp phải tình trạng kích ứng đối với thành phần này mà người sử dụng cần lưu ý. Tuy nhiên, nước mắt nhân tạo chỉ có khả năng cải thiện được mức độ khô mắt của người bệnh chứ không thể điều trị hoàn toàn được bệnh lý khô mắt.
  • Thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Hypromellose điều trị các tình trạng viêm giác mạc hay nhạy cảm giác mạc, giúp làm tăng độ ẩm cho giác mạc, đồng thời cải thiện được những triệu chứng như ngứa, rát ở người bệnh.
  • Thuốc nhỏ mắt steroid: Tình trạng viêm do khô mắt gây ra cần được điều trị với steroid trong một thời gian nhất định theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Thuốc kháng viêm nhóm NSAID có thể cần thiết trong một số trường hợp cần cải thiện triệu chứng trong bệnh khô mắt.

Thuốc khô mắt có rất nhiều loại và cần được sử dụng đúng mục đích để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng cần cải thiện những yếu tố về môi trường và thói quen sinh hoạt hằng ngày liên quan đến đôi mắt để có thể đẩy lùi được tình trạng khô mắt nhanh hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

129 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan