Bệnh viêm não mô cầu ở trẻ em: Hướng dẫn nhận diện và xử trí

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Kiều Anh - Phó khoa Nội trú Nhi kiêm Trưởng Đơn nguyên Hồi sức Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Kiều Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương, đặc biệt trong lĩnh vực hồi sức ngoại nhi. Thế mạnh của bác là khám và điều trị các bệnh lý cơ bản ở trẻ em, các bệnh lý nặng cần hồi sức tích cực.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao và hay để lại di chứng nặng nề về sau này.

1. Bệnh viêm màng não do não mô cầu là gì?

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là hiện tượng viêm của các màng bao bọc hệ thần kinh trung ương do vi khuẩn Neisseria meningitides gây ra, tại Mỹ tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 13%. Đây là loại vi khuẩn phổ biến thứ 2 gây viêm màng não mủ ở trẻ em.

Biểu hiện lâm sàng thay đổi từ sốt nhẹ đến bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, hay tiến triển ác tính gây tử vong sau vài giờ kể từ khi khởi phát.

Bệnh cảnh lâm sàng thường nặng nề và cấp tính, tỷ lệ tử vong và di chứng cao nếu không điều trị kịp thời, đặc biệt nếu có viêm màng não mủ.

Viêm não mô cầu
Bệnh viêm màng não do não mô cầu

Mặc dù là bệnh ít gặp với tỷ lệ 0,26 ca/100000 người (theo thống kê của Mỹ) nhưng bệnh do não mô cầu có tốc độ lây lan nhanh, khả năng phát triển thành dịch vì lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp (giọt bắn), đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Bệnh phát triển mạnh về mùa đông và hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Ngoài ra, bệnh hay xảy ra và lan rộng tại các tập thể đông đúc, ở thành thị hơn nông thôn.

2. Triệu chứng của viêm màng não do não mô cầu ở trẻ em như thế nào?

Bệnh thường khởi phát đột ngột với những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C (có khi đến 40 – 41 độ C), có thể có kèm rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật. Trong các trường hợp nặng, trẻ sẽ li bì, bỏ ăn, bỏ chơi hoặc co giật và cuối cùng là hôn mê.

Các biểu hiện bệnh ban đầu rất giống với biểu hiện của bệnh cúm mùa, đặc biệt hai bệnh này đều thường gặp vào mùa đông. Bởi vậy, rất nhiều gia đình chủ quan và cho rằng con bị cúm nên không cho đi khám kịp thời. Vậy nếu trẻ có các biểu hiện như trên kèm theo đang có dịch do não mô cầu tại khu vực đang sinh sống, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.

Ngoài ra, trên da trẻ sẽ xuất hiện các ban hình sao trong vòng 1-2 ngày sau sốt. Tử ban (ban bị hoại tử và lan truyền rất nhanh) màu đỏ thẫm hoặc xanh tím, đường kính 1-5 mm, có thể gộp lại thành đám, đôi khi có vùng da hoại tử, bề mặt bằng phẳng, không gồ lên mặt da. Tử ban xuất hiện sớm và lan nhanh rộng khắp người nhưng thường tập trung nhiều ở vùng thân mình và 2 chi dưới. Lúc này, tình trạng của trẻ có thể đã rơi vào nhiễm trùng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng nặng, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.

viêm não mô cầu
Tử ban do não mô cầu (Nguồn: uptodate 2019 Clinical manifestations of meningococcal infection)

3. Cách chẩn đoán và điều trị viêm màng não do não mô cầu?

Ngoài những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của viêm màng não mủ, để chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy, cấy máu, cấy dịch hầu họng, nhuộm soi dịch hầu họng và dịch não tủy...

Khi bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ của viêm màng não do não mô cầu, bệnh nhân cần được cách ly sớm nhất có thể nhằm tránh lây lan. Liệu pháp kháng sinh cần được sử dụng ngay sau khi cấy máu nhằm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh.

Kháng sinh đặc hiệu hiện nay vẫn là Penicillin G tiêm trực tiếp tĩnh mạch nhiều lần trong ngày hoặc Cephalosporin thế hệ III như Cefotaxime, Ceftriaxone. Những trường hợp dị ứng Penicillin G, trẻ có thể được dùng thay thế với Chloramphenicol. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và sự đáp ứng của từng bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi trẻ đã rơi vào sốc, cần chỉ định thêm các thuốc điều trị hỗ trợ tim mạch, điều chỉnh cân bằng dịch điện giải, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn... tùy theo chỉ định của bác sĩ. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như: Hạ sốt, chống co giật, dinh dưỡng, chăm sóc vệ sinh dự phòng loét...

4. Phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu

Đây là bệnh không thường gặp nhưng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy chúng ta cần phòng ngừa nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng.

Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu đều cách ly tại bệnh viện ít nhất sau 24 giờ dùng kháng sinh.

Sử dụng thuốc dự phòng cho những người đã tiếp xúc với nguồn bệnh (là những người đã có chẩn đoán xác định nhiễm nào mô cầu và đang điều trị) như những thành viên cùng gia đình, bạn cùng phòng, đồng nghiệp...Trong trường hợp này, các cá nhân có tiếp xúc với người bệnh nên đến Bệnh viện để được tư vấn và kê thuốc dự phòng sớm nhất có thể.

Cách phòng chống chủ động tốt nhất là tiêm chủng vắc xin não mô cầu theo khuyến cáo. Hiện tại, Việt Nam đang có vắc xin phòng 3 type huyết thanh là A, B, C là vắc xin phòng não mô cầu AC và vắc xin phòng não mô cầu BC. Trẻ nên tiêm cả 2 loại vắc xin để có được miễn dịch với cả 3 type huyết thanh thường gặp của não mô cầu. Vắc xin BC có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, vắc xin AC có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên để đạt được miễn dịch đủ và lâu dài trẻ cần được tiêm đủ liều và nhắc lại theo hướng dẫn của bác sĩ.

viêm não mô cầu
Cách phòng chống chủ động tốt nhất là tiêm phòng vắc xin não mô cầu

5. Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu của viêm màng não do não mô cầu?

Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 – 40 độ , rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, nôn vọt, nhức đầu, co giật, li bì, bỏ bú, đặc biệt nơi sinh sống đang có dịch não mô cầu thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến Bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu đã có chẩn đoán xác định bệnh, trẻ cần được nhập viện điều trị và cách ly tránh lây lan trong cộng đồng, gia đình cần tuân thủ và hợp tác cùng bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị.

Đối với các thành viên trong gia đình, anh chị em, bạn bè có tiếp xúc với Bệnh nhân cần nhanh chóng đến Bệnh viện để được tư vấn liệu pháp kháng sinh dự phòng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan