Các biện pháp phòng tránh viêm phổi bệnh viện

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm phổi bệnh viện là loại nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế thường gặp tại khoa Hồi sức tích cực và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Vậy các biện pháp phòng tránh viêm phổi bệnh viện là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Tìm hiểu chung về viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi do vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng nhanh chóng gây khó khăn trong điều trị kháng sinh ban đầu, làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện đồng thời tăng chi phí điều trị.

Viêm phổi bệnh viện (VPBV) là viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó không có tổn thương mới hay tiến triển trên X-quang ngực trước 48 giờ nhập viện.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra toàn quốc năm 2005 trên 19 bệnh viện cho thấy viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nhiễm khuẩn bệnh viện khác: 55,4% trong tổng số các nhiễm khuẩn bệnh viện.

Phòng ngừa viêm phổi
Viêm phổi bệnh viện (VPBV) là viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó không có tổn thương mới

2. Hướng dẫn phòng ngừa viêm phổi bệnh viện

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện tổng hợp như cải tiến các biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện tại khoa Hồi sức tích cực hằng ngày; tuyên truyền bằng tranh, bài viết phản hồi cho nhân viên y tế; nhắc nhở mọi người cùng thực hiện hằng ngày đã mang lại nhiều thành công. Một số bệnh viện đã giảm được tỷ lệ viêm phổi bệnh viện xuống còn 1/1000 ngày thở máy qua các biện pháp can thiệp.

Thực hiện các biện pháp như làm giảm hít sặc của người bệnh, ngăn ngừa nhiễm khuẩn chéo từ tay nhân viên y tế, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ hô hấp, công tác giáo dục cho nhân viên y tế và người bệnh cần được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ tại các bệnh viện trong nước để dự phòng viêm phổi bệnh viện.

2.1 Huấn luyện, đào tạo

Nhân viên y tế và cả học sinh, sinh viên thực tập phải được đào tạo, cập nhật về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát viêm phổi bệnh viện. Người bệnh, khách thăm cần được hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện.

2.2 Giám sát

Giám sát viêm phổi bệnh viện định kỳ hoặc khi có dịch viêm phổi bệnh viện trên những người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh này tại các đơn vị săn sóc đặc biệt, hồi sức tích cực để xác định các yếu tố như vi khuẩn gây bệnh và sự nhạy cảm đối với kháng sinh; công bố các số liệu về tỷ lệ nhiễm khuẩn ở người bệnh hồi sức tích cực hoặc người bệnh đang thở máy.

Tỷ lệ viêm phổi bệnh viện nên tính theo số người bệnh bị viêm phổi bệnh viện trong 100 ngày hồi sức tích cực hoặc 1 ngày thở máy. Phản hồi kết quả cho lãnh đạo bệnh viện, hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và khoa nơi thực hiện giám sát.

Giám sát mức độ tuân thủ của nhân viên y tế đối với hướng dẫn phòng ngừa viêm phổi bệnh viện dựa theo bảng kiểm đã xây dựng sẵn .

Chỉ thực hiện việc giám sát thường quy nuôi cấy các bệnh phẩm, các dụng cụ, thiết bị dùng cho điều trị hô hấp, đánh giá chức năng phổi, gây mê khi có dịch.

2.3 Khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ hỗ trợ hô hấp

  • Tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn mức độ cao với tất cả các dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với niêm mạc đường hô hấp dưới theo đúng hướng dẫn về khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ đã được ban hành;
  • Thay toàn bộ dây thở oxy, mặt nạ, dây dẫn oxy khi dùng cho người bệnh khác;
  • Khử khuẩn thường quy bên ngoài máy thở bằng dung dịch khử khuẩn mức độ trung bình. Bảo dưỡng, khử khuẩn định kỳ máy thở theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn mức độ cao bình làm ẩm oxy;
  • Khử khuẩn mức độ cao bóng giúp thở (ambu) sau khi sử dụng.

Lưu ý khi tiệt khuẩn, khử khuẩn dụng cụ liên quan đến thở khí dung:

  • Giữa các lần phun khí dung trên cùng một người bệnh, các dụng cụ phải được khử khuẩn mức độ cao. Khi dùng cho người bệnh khác phải thay máy phun khí dung đã được vô khuẩn hoặc khử khuẩn ở mức độ cao. Chỉ dùng dịch vô khuẩn để phun khí dung. Khi rót dịch vào máy phun cũng phải theo nguyên tắc vô khuẩn. Nếu lọ thuốc dùng nhiều lần thì khi thao tác, rót dịch, lưu trữ phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn mức độ cao các bộ phận ngậm vào miệng, ống dây, ống nối theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi dùng cho người bệnh khác. Bảo dưỡng định kỳ các bộ phận bên trong của máy đo chức năng hô hấp, máy đo nồng độ bão hòa oxy ngoại vi (pulse oximetry).

Khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ liên quan đến máy gây tê:

  • Bảo dưỡng, làm sạch, tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn các thành phần của máy gây mê theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Khử khuẩn hệ thống thở của máy gây mê bao gồm dây thở, buồng và chất hấp thu CO2, bóng thở (bellow) và đường ống, bộ phận làm ẩm, van hạn chế áp lực và các bộ phận phụ khác: mặt nạ, bóng dự trữ , bộ phận làm ẩm sau khi dùng cho người bệnh.

2.4 Phòng ngừa lây nhiễm do nhân viên y tế

Vệ sinh tay:

Tuân thủ theo 5 thời điểm vệ sinh tay của Tổ chức Y tế Thế giới, gồm: Sau khi tiếp xúc với niêm mạc, chất tiết đường hô hấp hoặc những vật dụng bị dính chất tiết đường hô hấp dù có mang găng hoặc không; trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh có đặt nội khí quản hoặc mở khí quản; trước và sau khi tiếp xúc với bất kỳ dụng cụ hô hấp nào được dùng cho người bệnh.

Phòng ngừa viêm phổi
Vệ sinh tay

Mang găng tay:

Mang găng tay khi tiếp xúc bằng tay với chất tiết đường hô hấp, hoặc những dụng cụ có dính chất tiết đường hô hấp. Mang găng tay vô khuẩn khi hút đờm qua nội khí quản hoặc đường mở khí quản.

Thay găng và vệ sinh tay giữa các lần tiếp xúc với người bệnh, sau khi tiếp xúc với chất tiết đường hô hấp hoặc những dụng cụ có dính chất tiết đường hô hấp, sau khi dẫn lưu, đổ nước trong dây máy thở, bẫy nước.

Các phương tiện phòng hộ khác:

Mặc áo choàng khi dự đoán có thể bị dính chất tiết đường hô hấp của người bệnh, thay áo choàng ngay sau khi tiếp xúc và trước khi chăm sóc người bệnh khác. Mang khẩu trang, mạng che mặt, mắt kính bảo vệ khi dự đoán có khả năng bị văng bắn máu hoặc dịch tiết lên mắt mũi miệng.

3. Chăm sóc người bệnh hôn mê, phòng ngừa viêm phổi do hít phải

  • Đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng đầu cao (semirecumbent) 30 độ - 45 độ nếu không có chống chỉ định;
  • Vệ sinh răng miệng bằng dung dịch sát khuẩn, tốt nhất dùng Chlohexidine 0,12%. Nếu sử dụng bàn chải, chăm sóc răng miệng ngày 2 lần; nếu chỉ dùng gạc, chăm sóc răng miệng mỗi 2 - 4 giờ;
  • Dùng ống hút đờm vô khuẩn cho mỗi lần hút hoặc hệ thống hút đờm kín nếu có điều kiện. Tốt nhất mỗi ống hút chỉ đưa vào đường thở 1 lần hút. Dùng nước vô khuẩn để làm sạch chất tiết của ống hút đờm trong quá trình hút. Không nên bơm nước vào trước khi hút. Thay dây nối từ ống hút đến máy hút hàng ngày hoặc khi dùng cho một người bệnh khác. Thay bình hút mỗi 4 giờ và thay khi dùng cho người bệnh khác trừ khi dùng trong thời gian ngắn (người bệnh hậu phẫu);
  • Thường xuyên kiểm tra ống thông nuôi ăn xem có nằm đúng vị trí không, đánh giá nhu động ruột bằng cách nghe, kiểm tra thể tích ứ đọng của dạ dày để điều chỉnh thể tích và tốc độ nuôi ăn tránh hiện tượng trào ngược, ngưng cho ăn khi dạ dày đã căng hoặc không có nhu động ruột.
Phòng ngừa viêm phổi
Vệ sinh răng miệng bằng dung dịch sát khuẩn, tốt nhất dùng Chlohexidine 0,12%

4. Chăm sóc người bệnh có đặt nội khí quản, mở khí quản, thông khí hỗ trợ khác

Người bệnh có đặt nội khí quản

  • Hút sạch chất tiết ở vùng miệng, hầu họng trước khi đặt và rút ống nội khí quản. Với nội khí quản có bóng chèn phải hút trước khi xả bóng chèn;
  • Ngừng cho ăn qua ống và rút ống nội khí quản, rút canuyn mở khí quản, ống thông dạ dày, ống thông hỗng tràng khi những chỉ định đã hết;
  • Nếu tiên lượng cần để nội khí quản dài ngày, nên dùng ống nội khí quản có thêm dây hút ở trên bóng chèn để hút chất tiết ở vùng dưới thanh quản;
  • Chú ý cố định tốt ống nội khí quản sau khi đặt.

Người bệnh mở khí quản

  • Mở khí quản trong điều kiện vô khuẩn;
  • Khi thay canuyn mở khí quản: Dùng kỹ thuật vô khuẩn và thay bằng canuyn khác đã tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn ở mức độ cao nếu dùng lại. Thay băng và cố định canuyn mở khí quản đúng kỹ thuật;
  • Che canuyn mở khí quản bằng gạc vô khuẩn hoặc bằng dụng cụ che chuyên dụng.

Người bệnh có thông khí nhân tạo

  • Nên sử dụng thông khí hỗ trợ không xâm nhập cho những người bệnh nếu không có chống chỉ định;
  • Dẫn lưu và đổ thường xuyên nước đọng ở trong dây thở, bộ phận chứa nước đọng, bẫy nước;
  • Khi hút đờm hoặc dẫn lưu nước đọng trong dây thở, tháo dây thở, cần chú ý thao tác tránh làm chảy nước ngược từ dây thở vào trong ống nội khí quản;
  • Dây thở phải để ở vị trí thấp hơn phần trên của ống nội khí quản;
  • Sử dụng nước vô khuẩn để cho vào bộ làm ẩm của máy thở. Không được đổ nước trên mức vạch đã quy định;
  • Có thể sử dụng bộ trao đổi ẩm nhiệt (mũi nhân tạo) thay thế cho bộ làm ẩm nhiệt. Thay thường quy bộ trao đổi ẩm nhiệt sau mỗi 48 giờ. Thay ngay khi thấy bẩn hoặc khi bị rối loạn chức năng;
  • Nên sử dụng lọc vi khuẩn giữa dây thở và máy thở để lọc vi khuẩn ở giai đoạn hít vào và tránh đưa chất tiết vào máy thở và lọc vi khuẩn ở nhánh thở ra của dây thở để tránh lây nhiễm cho môi trường bên ngoài;
  • Thay dây thở và bộ làm ẩm ngay khi thấy bẩn hoặc khi dây không còn hoạt động tốt. Thay ngay sau khi sử dụng cho người bệnh và khử khuẩn ở mức độ cao hoặc tiệt khuẩn trước khi dùng cho người bệnh. Không cần phải thay thường quy dây thở cho một người bệnh;
  • Nếu có sử dụng bóng phổi giả thì phải thay hằng ngày.

5. Chăm sóc đường hô hấp cho người bệnh hậu phẫu

  • Hướng dẫn người bệnh trước khi phẫu thuật đặc biệt những người bệnh có nguy cơ viêm phổi cao cách tập ho, thở sâu;
  • Khuyến khích người bệnh hậu phẫu ho thường xuyên, thở sâu, thay đổi tư thế trừ khi có chống chỉ định. Kết hợp vật lý trị liệu cho người bệnh có nguy cơ viêm phổi cao;
  • Cần kiểm soát đau hậu phẫu tốt vì đau sẽ làm người bệnh không dám thở sâu, ho.

6. Các biện pháp dự phòng khác

Phòng ngừa viêm phổi
Nên tiêm ngừa vacxin phế cầu cho những người bệnh có nguy cơ cao bị các biến chứng khi nhiễm phế cầu
  • Nên tiêm ngừa vacxin phế cầu cho những người bệnh có nguy cơ cao bị các biến chứng khi nhiễm phế cầu. Người bệnh có nguy cơ cao bao gồm trên 65 tuổi, có bệnh phổi hoặc bệnh tim mạch mãn tính, tiểu đường, nghiện rượu, xơ gan, suy giảm miễn dịch, cắt lách hoặc lách mất chức năng, nhiễm HIV;
  • Không dùng thường quy kháng sinh toàn thân với mục đích dự phòng viêm phổi bệnh viện;
  • Khi nghi ngờ hoặc có dịch viêm phổi bệnh viện, cần điều tra và có biện pháp cách ly kịp thời;
  • Hạn chế sử dụng thuốc an thần khi không cần thiết.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Faromen
    Công dụng của thuốc Faromen

    Faromen thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus, có chứa thành phần chính là Meropenem trihydrate. Thuốc Faromen được sử dụng nhiều cho việc điều trị các nhiễm khuẩn ở cả người ...

    Đọc thêm
  • Tiepanem 1g
    Công dụng thuốc Tiepanem 1g

    Thuốc Tiepanem 1g là thuốc gì, có phải là thuốc kháng sinh không? Với thành phần chính là Meropenem, Tiepanem 1g được chỉ định tiêm tĩnh mạch để điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn ở hệ hô hấp, ...

    Đọc thêm
  • orgabact
    Công dụng thuốc Orgabact

    Orgabact có hoạt chất chính là Levofloxacin, một kháng sinh tổng hợp của nhóm Quinolon. Orgabact được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm trùng da và nhiễm trùng ...

    Đọc thêm
  • Alpenam 500mg
    Công dụng thuốc Alpenam 500mg

    Alpenam là thuốc gì? Thuốc Alpenam 500mg được sử dụng trong điều trị chống nhiễm trùng với thành phần chính là Meropenem. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi dùng thuốc ...

    Đọc thêm
  • amphalizol
    Công dụng thuốc Amphalizol

    Thuốc Amphalizol được biết đến với công dụng điều trị các bệnh lý như viêm phổi bệnh viện, viêm phổi cộng đồng. Trong bài viết này, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin về công dụng, liều ...

    Đọc thêm