Các giai đoạn phát triển của ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên ung thư bàng quang có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang cũng được chia thành nhiều giai đoạn. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các giai đoạn này trong bài viết dưới đây.

1. Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở vùng bụng dưới với nhiệm vụ chính là chứa nước tiểu từ thận thải ra. Nước tiểu từ thận được dẫn vào bàng quang qua một ống gọi là niệu quản. Lớp phía ngoài của thành bàng quang là một lớp cơ, khi bàng quang đầy nước tiểu lớp cơ này sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài qua một ống nhỏ khác gọi là niệu đạo.

Ung thư bàng quang thường khởi phát từ các tế bào mặt lót phía trong của bàng quang, kích thước khối u lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào các giai đoạn ung thư.

Ung thư bàng quang gồm 3 loại:

  • Ung thư tế bào chuyển tiếp: Đây là dạng phổ biến nhất của ung thư bàng quang, tỷ lệ mắc là 90%. Ung thư tế bào chuyển tiếp xảy ra ở các tế bào lót bên trong bàng quang (các tế bào chuyển tiếp sẽ co lại khi bàng quang trống và giãn ra khi nước tiểu trong bàng quang đầy);
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Có khoảng 8% số ca mắc ung thư bàng quang là dạng ung thư biểu mô tế bào vảy. Thông thường, các tế bào vảy xuất hiện trong bàng quang có nhiệm vụ phản ứng lại kích thích và nhiễm trùng. Nếu cơ thể người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng có thể khiến các tế bào vảy này phát triển thành ung thư;
  • Ung thư tuyến: Đây là dạng hiếm gặp nhất của ung thư bàng quang, chiếm tỉ lệ chỉ 2%. Bệnh bắt đầu từ các tế bào tạo ra các tuyến tiết ra chất nhầy bên trong bàng quang.

Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người được chữa trị sau ung thư bàng quang nên được thử nghiệm theo dõi để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư bàng quang

Nguyên nhân gây bệnh ung thư bàng quang vẫn chưa được biết rõ.

Nó thường liên quan đến các yếu tố như:

  • Tiếp xúc với một số loại hóa chất có thể tạo nên ung thư: Điều này có thể xảy ra thông qua:

Tiếp xúc nghề nghiệp với phẩm màu anilin trong sản xuất cao su, ngành dệt, sơn, da thuộc, kim loại và thuốc nhuộm tóc;

Hóa trị với thuốc nhóm cyclophosphamide;

Sử dụng lâu dài một số thảo dược Trung Quốc và thuốc giảm đau nhóm Phenacetin.

  • Hút thuốc lá;
cac-giai-doan-phat-trien-cua-ung-thu-bang-quang-1
Ung thư bàng quang do hút thuốc lá
  • Xạ trị ở vùng chậu để trị các bệnh ung thư khác;
  • Viêm bàng quang mãn tính do sỏi thận không được điều trị, đặt ống thông tiểu lâu dài, hoặc nhiễm trùng do ký sinh trùng đặc biệt của bàng quang (Schistosomiasis).

3. Triệu chứng ung thư bàng quang

Các triệu chứng thường gặp khi bị ung thư bàng quang bao gồm:

  • Đi tiểu ra máu (nước tiểu màu hồng nhạt-đỏ);
  • Tiểu rắt hoặc không nhịn tiểu được;
  • Đau khi đi tiểu;
  • Đau lưng hoặc đau vùng mu.

4. Các giai đoạn của ung thư bàng quang

Sau khi đã xác nhận mắc ung thư bàng quang, bệnh nhân có thể được bác sĩ yêu cầu làm một số xét nghiệm bổ sung để xác định mức độ, hoặc giai đoạn của ung thư. Các thử nghiệm này bao gồm:

  • CT scan;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Xạ hình xương (bone scan);
  • X-quang ngực.

Các giai đoạn ung thư bàng quang bao gồm:

Giai đoạn 0 (Ung thư bàng quang giai đoạn đầu)

  • Đây là giai đoạn ung thư bề mặt hay còn gọi là ung thư tại chỗ. Dấu hiệu bệnh lúc này hầu như không biểu hiện ra bên ngoài;
  • Các tế bào ung thư chỉ xảy ra trên bề mặt thành bàng quang với kích thước rất nhỏ, chưa xâm lấn các hạch bạch huyết hay các mô liên kết, các cơ bàng quang;
  • Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn lên đến 98%. Khi ung thư bàng quang ở giai đoạn 0, các bác sĩ có thể lấy bỏ khối u mà vẫn giữ được bàng quang nhưng tỉ lệ tái phát vẫn ở mức cao.

Giai đoạn 1

  • Đây là giai đoạn ung thư chỉ xảy ra trên bề mặt trong của bàng quang với kích thước lớn hơn. So với các giai đoạn ung thư bàng quang thì đây cũng là giai đoạn có dấu hiệu mờ nhạt nhất;
  • Ở giai đoạn này, ung thư bàng quang có thể phát triển đến mô liên kết dưới lớp lót bàng quang nhưng chưa xâm lấn đến cơ thành, các hạch bạch huyết hay các cơ quan lân cận;

Có trên 88% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn này có thể sống trên 5 năm.

Giai đoạn 2

  • Đây là thời điểm ung thư đã xâm lấn tới thành bàng quang nhưng chưa xâm lấn đến mô quanh bàng quang cũng như các hạch bạch huyết và cơ quan ở xa;
  • Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, cơ hội sống của bệnh nhân chiếm khoảng 63%.

Giai đoạn 3

  • Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã phát triển qua thành bàng quang vào các mô xung quanh. Nếu là bệnh nhân nam, khối u có thể lan đến tuyến tiền liệt, ở nữ có thể là cổ tử cung hoặc âm đạo. Trường hợp khác, tế bào ung thư có thể lan đến hạch bạch huyết vùng chậu nhưng vẫn chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
cac-giai-doan-phat-trien-cua-ung-thu-bang-quang-2

Giai đoạn 4 (ung thư bàng quang giai đoạn cuối)

  • Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất trong số các giai đoạn ung thư bàng quang. Ở thời điểm này, tế bào ung thư sẽ di căn đến các hạch bạch huyết và di căn xa đến phổi, xương, gan...
  • Tiên lượng sống cho giai đoạn này chỉ còn khoảng 15%.

Mặc dù có thể điều trị thành công ở giai đoạn sớm nhưng ung thư bàng quang vẫn có nguy cơ tái phát cao. Bệnh có thể tái phát cùng một chỗ hoặc đổi sang những phần khác. Ung thư bàng quang sẽ dẫn đến các biến chứng như: thiếu máu, đi tiểu không kiểm soát, tắc niệu quản...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan