Các thời điểm dễ gây viêm bàng quang ở nữ giới

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm bàng quang là bệnh lý hay gặp ở nữ giới, hầu như bất cứ ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời. Ở nhiều người, tình trạng này còn thường xuyên tái phát, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1.Tại sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang

Viêm bàng quang hay còn gọi là nhiễm trùng bàng quang, là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể tái diễn lại nhiều lần trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể do một số loại thuốc, xạ trị hoặc là một biến chứng của bệnh khác.

Viêm bàng quang cấp là một bệnh thường gặp, đặc biệt là ở nữ giới. Theo thống kê cho thấy phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít nhất đều bị một lần viêm bàng quang cấp. Một khi đã bị bệnh thì nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm bệnh thường là rất cao. Phụ nữ dễ bị viêm bàng quang hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, do đó vi khuẩn xung quanh vùng tầng sinh môn dễ dàng thâm nhập vào bàng quang. Nam giới sẽ ít bị viêm bàng quang hơn và một khi mắc bệnh thường có nguyên nhân do dị dạng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do sỏi hoặc phì đại tiền liệt tuyến.

Hầu như tất cả phụ nữ đều biết đến một lần trong đời mình bị các triệu chứng như liên tục buồn đi tiểu, rát bỏng khi đi, rồi đau ở bụng dưới. Bệnh nhiễm trùng bàng quang (hay viêm bàng quang) tuy dễ xử lý nhưng có thể rất khó điều trị nếu không được phát hiện sớm và đã gây biến chứng.

Trong số nhiều lý do gây lây nhiễm qua đường tiểu tiện, lý do chủ yếu là cấu tạo phức tạp của cơ quan sinh dục nữ. Niệu đạo - đường dẫn nước tiểu của nữ giới ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang.

Một nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm bàng quang ở phụ nữ là thói quen uống ít nước dẫn đến tình trạng khó đẩy các mầm bệnh ra ngoài. Nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang thường sẽ tăng lên vào mùa hè, nhất là ở các nước xứ nóng, khi người dân ra mồ hôi nhiều và tiểu ít đi.

Bạn cũng nên hết sức cẩn trọng với thuốc tránh thai vì đây cũng là một trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang. Thuốc tránh thai khi thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ gây tác dụng phụ là làm trở ngại việc bài tiết; mặt khác, còn thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục.

Uống thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài có nguy cơ gì?
Thuốc tránh thai cũng có thể một trong các nguyên nhân gây viêm bàng quang

Vệ sinh kém cũng khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh. Phụ nữ cần đặc biệt lưu ý điều này trong các kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm. Ngược lại, làm vệ sinh nhiều quá cũng chưa hẳn đã tốt.

Nhiều phụ nữ mắc chứng sợ hãi vô cớ đối với các loại vi khuẩn nên thường xuyên sử dụng các chất diệt khuẩn hoặc không biết sử dụng phù hợp các sản phẩm vệ sinh. Chính sự chăm chỉ này đã vô tình giết chết các loài vi khuẩn không nguy hiểm và có thể ngăn chặn các loài vi khuẩn có hại ở ''chỗ kín''; nguy cơ lây nhiễm qua đường tiểu tiện vì thế mà tăng lên.

Có một điều tồn tại mà người ta gọi là cân bằng môi sinh vi khuẩn địa phương. Cũng giống như trong tự nhiên, giết hại một loài (ở đây là vi khuẩn) sẽ tạo điều kiện để các loài khác phát triển và sản sinh. Việc dùng vòi hoa sen trực tiếp vào âm đạo sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn cũng là nguồn gốc gây bệnh.

Các nhân tố gây ra việc đọng nước tiểu ở bàng quang, nhất là bệnh táo bón cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một vài loại bệnh tật cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm do đọng nước tiểu ở bàng quang; đó là bệnh đái đường, chứng bại liệt hay các bệnh thần kinh.

Một số loại viêm bàng quang cũng phụ thuộc vào đời sống tình dục của bạn và sự thay đổi hormone. Ở phụ nữ, căn bệnh đặc biệt này xuất hiện vào thời kỳ đang mang thai hoặc mãn kinh, vì đây là giai đoạn thay đổi hormone mạnh mẽ nhất.

Cuối cùng, một nguyên nhân ít được lưu tâm của bệnh viêm bàng quang là mặc quần áo. Mặc quần áo quá chật có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, kích thích tiết mồ hôi gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú và phát triển.

2. Các thời điểm dễ bị viêm bàng quang

  • Thời kỳ bắt đầu đời sống tình dục: Vết rách ở màng trinh có thể gây ra viêm bàng quang sau các lần ân ái. Các mảnh rách của màng trinh dính vào vách âm đạo tạo thuận lợi cho mầm bệnh đi lên bàng quang. Đây là chứng viêm bàng quang của tuần trăng mật, có khi kéo dài cho đến khi có con.
  • Trong thời gian mang thai: 10% phụ nữ có thể bị nhiễm trùng niệu đạo trong thời gian này. Đó là do sự phát triển của bào thai kéo theo tình trạng ứ đọng nước tiểu.
  • Sau khi sinh: Các vết rách ở bộ phận sinh dục làm giảm bớt khoảng cách giữa hậu môn và cơ quan sinh dục nữ làm cho mầm bệnh dễ dàng xâm nhiễm. Việc khâu lại sẽ giải quyết được vấn đề này.
  • Tuổi mãn kinh: Việc hormone sinh dục ngưng tiết ra kéo theo việc hẹp và khô âm đạo làm màng nhầy dễ vỡ, kèm với sức đề kháng kém sẽ dễ dàng cho vi khuẩn tấn công.
Bầu
Trong thời gian mang thai, có khoảng 10% phụ nữ có thể bị nhiễm trùng niệu đạo trong thời gian này

3. Những nguyên tắc vệ sinh vùng kín

Không giữ vệ sinh tốt có thể tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, rõ nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Vì thế, mang tampon, băng vệ sinh quá lâu hay ít rửa vùng sinh dục sẽ dễ gây ra nhiễm khuẩn nhưng vệ sinh quá kỹ cũng có hại.

Dùng các dung dịch vệ sinh không thích hợp có thể gây ra những tổn thương cơ học hay hóa học cho chính niêm mạc của cơ quan sinh dục. Hệ vi sinh ở âm đạo và âm hộ là hệ sinh thái rất mong manh, có thể mất cân bằng do rửa quá sâu hay dùng các dung dịch rửa kích thích và như thế hàng rào bảo vệ tự nhiên suy yếu làm cho vi khuẩn có hại phát triển.

Quần và đồ lót quá chật, không thấm tốt cũng làm tăng nhiệt và độ ẩm tại chỗ, càng tạo thuận lợi cho nhiễm khuẩn.

4. Một số lưu ý để phòng ngừa viêm bàng quang

Để sức khỏe nữ giới không bị suy giảm vì căn bệnh dễ phòng và không khó chữa này, các chuyên gia tiết niệu khuyến cáo rằng:

  • Phải uống đủ nước. Mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước. Uống đủ lượng nước này giúp cơ thể bài tiết tốt tránh nước tiểu ứ đọng ở bàng quang đồng thời nước tiểu là biện pháp đẩy vi khuẩn ra ngoài hạn chế được viêm nhiễm.
  • Không được nhịn đi tiểu. Cố gắng đi tiểu đều đặn và không được nhịn tiểu lâu. Vì điều này cũng gây ra hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở bàng quang.
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ. Nếu thấy hiện tượng đau của viêm bàng quang ngay sau khi quan hệ, bạn nên đi tiểu ngay vì nước tiểu sẽ giúp đuổi những vi khuẩn có hại đang trú ngụ ở ngay niệu đạo.
  • Tránh gây ẩm ướt hay làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tránh mặc quần áo quá chật vì sẽ kích thích tiết mồ hôi.
  • Vận dụng đúng các thao tác. Sau khi đi tiểu hay đại tiện bạn nên rửa nước nhưng hãy làm từ trước ra sau tránh làm ngược lại. Đồng thời cũng hãy nhớ rằng vệ sinh luôn tay minh bằng xà phòng.
  • Điều trị bệnh táo bón. Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng táo bón hãy chú ý đến cân bằng chế độ ăn uống của mình, nên kết hợp ăn nhiều rau xanh, hoa quả, chất xơ. Cố gắng ăn đúng giờ và có chế độ tập luyện thể dục thể thao. Táo bón gây ra tình trạng ứ đọng phân trong ruột già cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi.
  • Không quá vệ sinh. Hạn chế vệ sinh bên trong cơ quan sinh dục. Chỉ nên làm từ 1-2 lần/ngày. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh có độ pH phù hợp (5-7), không nên dùng các sản phẩm diệt khuẩn.
  • Chú ý giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt. Trong thời gian này nên thường xuyên thay băng vệ sinh.
  • Khi mắc bệnh không được tự điều trị. Bạn phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì nếu không vi khuẩn sẽ kháng thuốc và bệnh của bạn lại xuất hiện.
  • Cùng bạn đời đến bác sĩ kiểm tra, phân tích nước tiểu, vì viêm nhiễm có thể xuất hiện trong quá trình quan hệ. Nếu phân tích nước tiểu cho thấy sự có mặt của lây nhiễm qua đường tình dục thì cả hai cùng điều trị ngay.

Như đã nói ở trên, do cấu trúc đặc thù đường tiểu của nữ giới rất ngắn nên họ rất dễ bị viêm bàng quang. Tuy bệnh có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh nhưng nữ giới thường cảm thấy khó chịu khi mắc bệnh. Chính vì vậy, việc phòng tránh viêm bàng quang là cần thiết, tuy đơn giản nhưng chắc chắn hiệu quả.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu, từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu...để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.

Bác sĩ Võ Thiện Ngôn đã có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật Ngoại Niệu tại các Bệnh viện: Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.

Bác sĩ Ngôn với khả năng điều trị chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý về hệ Tiết niệu và Nam khoa, phẫu thuật hệ Tiết niệu, phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật Laparo đường niệu, nội soi đường tiết niệu. Phẫu thuật điều trị các bệnh lý Nam khoa

Hiện nay, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn là bác sĩ Ngoại Tiết Niệu – Nam học, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan