Các xét nghiệm chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ngày nay khí hậu ngày càng khắc nghiệt tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng vì vậy mà tỷ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là một bệnh toàn thân, nhưng có biểu hiện tại mũi, bởi niêm mạc mũi quá nhạy cảm với tác nhân gây bệnh ( dị nguyên), chỉ cần niêm mạc mũi tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên là có phản ứng quá mẫn tại niêm mạc mũi và biểu hiện các triệu chứng dị ứng xoang mũi.

Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo những thông báo về dịch tễ học tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số thế giới.

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể do nhiều nguyên nhân

Di truyền: Trong gia đình có bố hoặc mẹ bị dị ứng hoặc trong phả hệ có người bị dị ứng. Theo các cuộc điều tra cho thấy, nếu mẹ có bệnh dị ứng thì tỷ lệ mắc bệnh ở con cái họ tới 65%, do đó có thể thấy yếu tố di truyền có liên quan mật thiết với việc phát sinh viêm mũi dị ứng.

Do tiếp xúc với dị nguyên:

  • Bụi nhà, đường phố, thư viện: Dị nguyên xâm nhập qua đường hô hấp như hít phải bụi nhà (trong bụi nhà có những con bọ nhà nhỏ li ti chính là thủ phạm gây nên dị ứng).
  • Các dị nguyên như: Các biểu bì, vảy da, lông súc vật: lông mèo (có dính protein trong nước dãi mèo gây dị ứng).
  • Dị nguyên là phấn hoa, lông vũ, nấm mốc, thuốc, côn trùng.
  • Dị nguyên là thực phẩm: Dị nguyên xâm nhập qua đường tiêu hóa như việc ăn tôm, cua, sữa, trứng gà.
  • Dị nguyên là thuốc: Thuốc aspirin và một số thuốc khác có thể gây nên dị ứng.
  • Dị nguyên là hóa chất, khói thuốc lá, ozone, axit nitric, sulfur dioxit, dầu diesel... hoặc tiếp xúc với sơn, hóa chất, mỹ phẩm.
  • Dị nguyên là vi khuẩn.

Yếu tố môi trường, khí hậu: Những thay đổi thời tiết đột ngột, môi trường ô nhiễm kích thích niêm mạc mũi và tạo điều kiện cho viêm mũi dị ứng xuất hiện.

Yếu tố dị hình về cấu trúc giải phẫu như vẹo, gai vách ngăn mũi trở thành gai kích thích làm bệnh phát sinh.

3. Triệu chứng lâm sàng

Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện thành từng cơn, trong cơn các triệu chứng thường điển hình, ngoài cơn có thể hoàn toàn bình thường, cơn dị ứng đến đột ngột và mất đi cũng rất nhanh.

  • Bắt đầu bằng dấu hiệu ngứa mũi, ngứa cả hai bên, có thể ngứa lan sâu vào trong xoang, ngứa lên mắt, ngứa xuống họng, ngứa da ống tai ngoài.
  • Hắt hơi từng tràng liên tục và không thể kìm hãm được. Ở trẻ nhỏ đôi khi không có triệu chứng hắt hơi mà chỉ ngạt, tắc mũi.
  • Chảy giàn giụa nước mắt, nước mũi trong như nước lã, có thể nước mũi hơi nhầy, số lượng nhiều, ướt hết cả khăn, không làm hoen ố khăn tay. Trong một số trường hợp còn kèm theo các bệnh về tiêu hóa như trướng bụng đầy hơi, có thể tiêu chảy.

Hầu hết bệnh nhân viêm mũi dị ứng đều không có tiến triển xấu, thông thường chỉ dừng lại quanh những triệu chứng đã từng có khi bị bệnh. Một số ít thì có những đợt bị nhiễm trùng gây ra viêm mũi, viêm xoang, tai, hay họng cấp. Cũng có thể tiến triển thành polyp mũi, xoang về sau.

4. Các xét nghiệm chẩn đoán

Khám bệnh
Các xét nghiệm da là một trong những yếu tố cơ bản và đầu tiên để đánh giá dị ứng học

Đối với những người bệnh có thể nghĩ là bị viêm mũi dị ứng như: Thường xuyên bị ngứa mũi, nhảy mũi, chảy mũi nhất là vào buổi sáng. Khi khám những bệnh nhân viêm mũi dị ứng ta thường thấy tháp mũi bị sung huyết, sàn mũi nhiều nhầy trong, niêm mạc mũi nhợt nhạt, cuốn mũi phù nề, có ánh tím.

Ngoài ra, để chẩn đoán xác định viêm mũi dị ứng đồng thời nguyên nhân gây dị ứng thì cần làm nhiều xét nghiệm khác nữa như: các xét nghiệm về da (test lẩy da, rạch da), dùng dị nguyên kích thích trực tiếp, các phương pháp xét nghiệm gián hay trực tiếp định lượng kháng thể dị ứng...

4.1.Các xét nghiệm da

Đây là một trong những yếu tố cơ bản và đầu tiên để đánh giá dị ứng học. Xét nghiệm da là một phương pháp xét nghiệm để xác định về mặt lâm sàng sự mẫn cảm của cơ thể với một dị nguyên, bằng cách đưa một hay nhiều dị nguyên vào da, sau đó đánh giá kích thước, đặc điểm của nốt sẩn phù và phản ứng viêm tại chỗ.

Các xét nghiệm này chỉ được tiến hành ở ngoài giai đoạn cấp của bệnh và trước đó bệnh nhân không được dùng thuốc ức chế viêm dị ứng. Mục đích của thử nghiệm này để phát hiện kháng thể dị ứng với bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, thuốc, hóa chất, lông vũ, lông súc vật, huyết thanh.

Các xét nghiệm da chỉ được tiến hành trong thời kỳ lui bệnh và có hai phương pháp: Trực tiếptruyền mẫn cảm thụ động. Trực tiếp là phương pháp đưa dị nguyên vào cơ thể qua da còn phương pháp truyền mẫn cảm thụ động là tiêm huyết thanh của người bệnh vào da người khác sau đó tiêm dị nguyên nghiên cứu vào ngay chỗ đã tiêm huyết thanh.

Dị nguyên cho kết quả dương tính trong xét nghiệm da có thể coi là nguyên nhân gây bệnh khi kết hợp với khai thác tiền sử dị ứng có kết quả phù hợp. Nếu không có kết quả phù hợp này và kết quả xét nghiệm da còn nghi ngờ thì phải tiến hành test kích thích.

Các xét nghiệm da không những cho kết quả về mức độ mẫn cảm mà còn phát hiện tính mẫn cảm cá thể và là chỗ dựa để quyết định liều dị nguyên cho việc điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu.

4.2.Phết tế bào mũi

Phết tế bào mũi cũng có giá trị trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng khi trong chất tiết niêm mạc có sự hiện diện Eosinophil.

4.3.Test kích thích

Là khả năng chẩn đoán sinh học các phản ứng dị ứng, cơ sở của nó là tái tạo lại phản ứng này bằng cách đưa dị nguyên nghi ngờ vào cơ thể nhằm tạo lại bệnh cảnh lâm sàng như thật nếu phản ứng dương tính xảy ra.

Có nhiêu loại test kích thích khác nhau như: Test nhỏ mũi, Test nóng, Test lạnh ... Test nhỏ mũi được áp dụng để phát hiện dị nguyên gây viêm mũi dị ứng. Đây là phương pháp không gây nguy hiểm cho người bệnh. Nhỏ một giọt dị nguyên vào một bên mũi. Phản ứng dương tính khi ngứa mũi hắt hơi, ngạt mũi chảy nước mũi.

Vậy ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng nêu trên, người bệnh nên đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và đưa ra chẩn đoán chính xác. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp tránh được những ảnh hưởng mà bệnh đem lại, tập trung làm việc và học tập...

Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: