Cách điều trị bệnh đái dầm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Đái dầm là tình trạng rất phổ biến ở trẻ, trong một vài trường hợp nó thậm chí còn xuất hiện cả ở người lớn. Đái dầm không chỉ gây phiền phức trong sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý. Vì vậy, việc tìm hiểu về bệnh đái dầm và cách điều trị điều trị triệt để là rất quan trọng.

1. Bệnh đái dầm là gì?

Đái dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ, hay còn gọi là đái dầm khi ngủ. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em bởi lúc này cơ thể của bé chưa phát triển toàn diện và hệ thần kinh chưa điều khiển được chức năng của bàng quang khi chứa nước tiểu.

Đa số những trẻ đái dầm khi còn nhỏ thì lớn lên không bị đái dầm nữa. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp, bệnh đái dầm không tự khỏi được khi lớn lên và thậm chí có thể tiến triển thành bệnh đái dầm mãn tính. Khoảng 1-2 % người lớn bị bệnh đái dầm, nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

2. Điều trị bệnh đái dầm ở trẻ em

Thường thì đối với trẻ nhỏ bị đái dầm khi ngủ, các mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng này. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ. Sau đây là một số biện pháp để điều trị bệnh đái dầm ở trẻ em:

2.1 Điều trị bằng chăm sóc

  • Sau bữa tối nên hạn chế lượng nước bé uống nhằm giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Ban ngày cần cho bé uống đủ nước.
  • Không nên cho bé ăn những thực phẩm có chứa caffeine, sô cô la hoặc uống đồ uống ngọt, có hương vị nhân tạo.
  • Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ cho trẻ. Hai giờ trước khi đi ngủ, nên cho bé đi tiểu ít nhất 2 lần. Nên khuyến khích trẻ đi vệ sinh đúng giờ kể cả khi trẻ không muốn tiểu
  • Trẻ cần được uống đủ nước, không được để trẻ bị khát
  • Tránh đánh thức trẻ vào ban đêm để đi tiểu vì có thể sẽ làm trẻ mất ngủ
  • Nên trò chuyện cùng trẻ về tình trạng đái dầm của trẻ để tìm cách khắc phục
  • Không nên la mắng hay quát nạt khi trẻ vẫn đái dầm, cần khen ngợi trẻ nếu tình trạng này được khắc phục
  • Đối với những bé đã lớn vẫn bị đái dầm, cần trấn an bé, động viên bé để đối phó với tình trạng này.
Cách điều trị bệnh đái dầm
Không nên la mắng hay quát nạt khi trẻ vẫn đái dầm

2.2 Điều trị bằng các phương pháp tự nhiên

Ngoài việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống thì bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng cholinergic nhằm tăng thể tích của bàng quang hoặc sử dụng thuốc imipramine để điều trị bệnh đái dầm ở trẻ. Bên cạnh đó, các mẹ có thể sử dụng một số biện pháp tự nhiên sau cho bé:

  • Phương pháp massage: dùng dầu oliu để massage bụng dưới để tăng cường các cơ tiết niệu, đồng thời giúp bàng quang cải thiện khả năng kiểm soát.
  • Cải thiện khả năng kiểm soát của bàng quang: nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đái dầm chính là bàng quang chậm phát triển. Khi trẻ muốn đi tiểu, nên giữ khoảng từ 10-20 phút rồi hẵng để trẻ đi tiểu, điều này sẽ giúp bàng quang của trẻ được mở rộng và cải thiện khả năng kiểm soát của bàng quang. Thêm vào đó, mẹ cũng có thể sử dụng một số phương pháp nhằm giúp cơ xương chậu của bé được tăng cường. Ngoài ra, để bàng quang mở rộng và vận động, trẻ cần được uống nhiều nước.
  • Cho trẻ dùng quế: nếu nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ là do viêm đường tiết niệu thì bạn nên cho trẻ ăn quế mỗi ngày, bởi quế có tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
  • Cho trẻ uống nước ép việt quất: nước ép việt quất có tác dụng hạn chế mắc tiểu. Vì vậy, trước khi đi ngủ, mẹ nên cho trẻ uống một ly nhỏ.
  • Kết hợp quả óc chó và nho khô cho trẻ ăn: Tần suất đi tiểu của trẻ sẽ giảm nếu ăn quả óc chó và nho khô với nhau.
  • Cho trẻ dùng giấm táo trong bữa ăn: giấm táo có tác dụng giảm axit trong bụng và giảm kích ứng ruột, hạn chế đái dầm. Vì vậy nên cho bé uống 1-2 lần/ngày, nên pha loãng hoặc có thể mật ong để giảm vị đắng của giấm.
  • Cho trẻ uống mật ong: mật ong sẽ giúp trẻ giữ nước đến sáng bởi nó có khả năng hấp thụ và giữ chất lỏng. Nên cho trẻ dùng một thìa nhỏ mật ong mỗi ngày nếu trẻ còn nhỏ.
  • Mẹ nên cho bé ăn một miếng đường thốt nốt và uống một ly sữa ấm vì đường thốt nốt có tác dụng làm tăng thân nhiệt và giảm tình trạng đái dầm.
  • Một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ là tình trạng viêm đường tiết niệu. Mẹ có thể sử dụng hạt mù tạt để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ bằng cách cho nửa thìa cà phê mù tạt khô vào sữa, cho bé uống 1h trước khi trẻ đi ngủ.

3. Điều trị bệnh đái dầm ở người lớn

Tình trạng đái dầm không chỉ gặp ở trẻ em mà còn xảy ra đối với người lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 1-2% người lớn bị bệnh đái dầm, tuy nhiên con số này trên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người còn xấu hổ khi nói đến vấn đề này. Sau đây là một số phương pháp điều trị bệnh đái dầm ở người lớn:

Cách điều trị bệnh đái dầm
Nên đặt báo thức để đi vệ sinh vào ban đêm tránh để bàng quang chứa nhiều nước tiểu

3.1 Thay đổi lối sống

  • Nên giảm lượng nước uống vào buổi chiều, tối. Uống nhiều nước hơn vào buổi sáng. Nên giới hạn một lượng nước nhất định vào buổi tối
  • Nên đặt báo thức để đi vệ sinh vào ban đêm tránh để bàng quang chứa nhiều nước tiểu
  • Nên hình thành thói quen đi tiểu, đặt lịch và đi tiểu đúng giờ đã đặt ra. Cần đi tiểu trước khi đi ngủ
  • Caffeine và các đồ uống ngọt kích thích bàng quang và khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, chính vì vậy cần cắt giảm những chất này

3.2 Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đái dầm, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp cho bạn:

  • Để điều trị nhiễm trùng tiết niệu, bạn sẽ được kê thuốc kháng sinh
  • Thuốc cholinergic để giảm kích thích tại các cơ bàng quang
  • Sử dụng thuốc desmopressin acetate để tăng nồng độ ADH, giúp thận ngừng sản xuất nước tiểu vào ban đêm
  • Để thu nhỏ phì đại tiền liệt tuyến, sử dụng thuốc ức chế men chuyển 5- alpha
  • Để kích thích vùng chậu, bác sĩ sẽ cấy một thiết bị nhỏ gửi tín hiệu đến cơ bàng quang nhằm tránh các cơn co thắt không cần thiết.

3.3 Điều trị bằng phẫu thuật

  • Phẫu thuật để tạo hình bàng quang: bàng quang của bạn sẽ được cắt mở và chèn một miếng vá của cơ ruột. Điều này giúp nhằm làm giảm sự bất ổn của bàng quang đồng thời tăng khả năng kiểm soát của bàng quang, ngăn ngừa tình trạng đái dầm ở người lớn
  • Phẫu thuật cắt cơ trơn bàng quang: các cơn co thắt trong bàng quang là do các cơ trơn kiểm soát, việc phẫu thuật này nhằm giúp giảm co thắt ở bàng quang
  • Sửa các cơ quan vùng chậu: nếu cơ quan sinh sản của nữ nằm không đúng vị trí, gây ảnh hưởng tới bàng quang thì nên thực hiện phẫu thuật để sửa cơ quan vùng chậu

Dù là trẻ nhỏ hay người lớn, khi tình trạng đái dầm trở nên thường xuyên hơn thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hợp lý nhằm tránh nguy cơ ảnh hưởng về sau.

Thạc sĩ. Bác sĩ Ngô Thị Oanh đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thực hiện thành thạo khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em. Trong quá trình công tác, bác sĩ Oanh thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị thông qua các hội nghị chuyên ngành, các lớp đào tạo liên tục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

84.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan