Cách giảm đau xoang nhanh nhất

Đau xoang có thể gây ra nhiều triệu chứng tương tự như cảm lạnh- nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và ho kèm cảm giác đau ở vùng mặt. Bệnh nhân viêm xoang có thể thực hiện các cách giảm đau xoang nhanh nhất bằng cách nguyên liệu đơn giản và có thể thực hiện tại nhà, giúp giảm chi phí và tăng tốc độ phục hồi, hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển dai dẳng.

1. Viêm xoang là gì?

Xoang là cặp khoang chứa đầy không khí ở phần đầu của cơ thể, đóng vai trò đảm bảo không khí đi vào mũi ở nhiệt độ thích hợp và chứa hàm lượng nước cần thiết ngay khi đi vào phổi. Viêm xoang hay viêm mũi xoang là tình trạng nhiễm trùng, viêm niêm mạc hô hấp lớp lót trong các xoang cạnh mũi. Khi bị viêm xoang, lớp niêm mạc phù nề gây tăng tiết dịch nhầy, trong khi phù nề sẽ thu hẹp đường kính các lỗ xoang khiến cho dịch không thoát ra ngoài được dẫn tới tắc nghẽn xoang. Tác nhân chính gây nên tình trạng này là vi trùng, siêu vi trùng hoặc do dị ứng.

2. Cách giảm đau nhức xoang bằng nguyên liệu tự nhiên

Dùng hạt gấc để giảm đau xoang

  • Hạt gấc nướng chín để nguội và đập dập ngâm cùng 300ml rượu trắng trong 2 tuần
  • Khi dùng lấy bông y tế thấm dung dịch, đắp dọc sống mũi trong khoảng 30 phút. Thực hiện 2 lần/ngày, nhất là mỗi tối trước khi ngủ

Dùng lá trà chữa viêm xoang

  • Chuẩn bị 1 cốc trà, thêm chút muối sạch để nước trà ở nhiệt độ vừa phải
  • Khi dùng hít nước trà vào rồi thở đẩy nước ra, làm liên tục 3-4 lần mỗi bên, thực hiện 2 lần/ngày trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, triệu chứng viêm xoang sẽ giảm rõ rệt

Dùng cây kinh giới chữa viêm xoang

  • Lá kinh giới rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sắc với nước sôi trong 15 phút. Pha nước kinh giới vừa sắc với một ít mật ong cho dễ uống
  • Mỗi ngày uống từ 2-3 cốc nước kinh giới sắc, kiên trì uống trong thời gian dài để đạt hiệu quả tốt.

Lưu ý tuyệt đối không dùng đường thay cho mật ong, vì đường có thể làm tình trạng viêm trở nên nặng, dịch trong xoang tiết ra nhiều hơn.

Dùng lá trầu không trị viêm xoang

  • Lấy 1 nắm lá trầu không tươi rửa sạch, để ráo nước và đun cùng 300ml nước
  • Sau khi hỗn hợp sôi thì bắc xuống xông mũi, thực hiện 2-3 lần/ngày

Dùng gừng trị viêm xoang

Đun sôi 1 lít nước thả vào vài lát gừng, dùng khăn trùm kín đầu và tiến hành xông mũi khoảng 10 phút, thực hiện 2-3 lần/tuần.

3. Cách giảm đau nhức đầu viêm xoang bằng day ấn huyệt

Dùng tay xoa bóp, day huyệt đạo chủ quản vùng xoang làm tác động lên hệ thần kinh, giúp điều hoà khí huyết, tăng cường trao đổi chất, giải phóng sự tắc nghẽn, ứ trệ, đẩy lùi tà khí, hàn khí và giảm tình trạng hư hoả. Tuy việc xoa bóp bấm huyệt không can thiệp vào quá trình tiêu viêm nhưng giúp cho các dịch viêm thoát ra ngoài dễ dàng hơn, bệnh nhân sẽ giảm đau nhức do viêm xoang gây ra, giảm nghẹt mũi, nặng đầu, khó thở,...

Các huyệt có thể xoa bóp, bấm huyệt gồm:

  • Ấn đường: nằm chính giữa hai lông mày, có tác dụng hỗ trợ việc an thần, liên quan đến các bệnh về mũi, mắt như viêm xoang, viêm mũi dị ứng,... Sử dụng ngón giữa của bàn tay day bấm huyệt ấn đường trong khoảng 2 phút vào buổi sáng sớm và trước khi đi ngủ sẽ giúp thông mũi, dịch tiết mũi chảy ra khỏi hốc xoang, giảm ngạt mũi, khó thở
  • Nghinh hương: nằm ngay cạnh hai bên cánh mũi, giúp giảm các bệnh lý như viêm mũi, chảy máu cam.
  • Ty thông: có vị trí nằm ở phần chóp trên của đường nhân trung, giúp kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng, mất khứu giác,...
  • Hợp cốc: là điểm lõm trên bàn tay, giữa ngón trỏ và ngón cái ở phía trên mu bàn tay, có chức năng hạ huyết áp, an thần, hỗ trợ giảm triệu chứng viêm xoang. Sử dụng ngón cái của tay còn lại để bấm huyệt hợp cốc khoảng 2-3 phút
  • Xoa bóp sống mũi: giúp chữa viêm xoang, làm nóng và lưu thông mũi ở người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang
  • Xoa mắt: nhắm mắt và đặt 2 đầu ngón giữa của bàn tay lên 2 mắt, thực hiện xoa mi mắt nhẹ nhàng mỗi chiều 10-20 lần giúp khí huyết lưu thông trong hốc mắt.

4. Cải thiện viêm xoang tại nhà như thế nào?

Để giảm bớt tình trạng đau và tắc nghẽn xoang, người bệnh có thể làm theo một số phương pháp sau:

  • Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy trong xoang
  • Chườm mặt với khăn ấm và ẩm nhiều lần trong ngày
  • Xông mũi từ 2-4 lần/ngày
  • Tránh môi trường khô, sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm không khí
  • Xịt rửa mũi bằng nước muối nhiều lần trong ngày để loại bỏ màng nhầy đặc và giúp xoang thông thoáng
  • Tránh những thứ có thể gây kích ứng mũi như khói thuốc lá
  • Tránh ra vào những nơi nhiệt độ quá chênh lệch, tránh cúi đầu
  • Có thể dùng thuốc cải thiện tình trạng viêm xoang như thuốc giảm đau, NSAID, tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng thuốc thông mũi không cần kê toa, vì ban đầu có thể có tác dụng nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nếu dùng lâu dài

Tóm lại, có rất nhiều cách giảm đau nhức xoang, tuỳ thuộc vào thể trạng, mức độ đáp ứng mà người bệnh có thể lựa chọn phương pháp để giảm đau xoang nhanh nhất cho mình. Trong trường hợp áp dụng những cách trên nhưng tình trạng bệnh không cải thiện thì cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan