Cẩn thận với sót nhau thai sau phá thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Biểu hiện sót nhau thai sau khi phá thai bằng thuốc gây ra tình trạng ra máu dây dưa, dẫn đến nhiễm trùng, thiếu máu. Hiện tượng này cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tiểu khung và nhiễm trùng huyết.

1. Biểu hiện sót nhau thai khi phá thai bằng thuốc

Phụ nữ sau khi được thực hiện chấm dứt thai kỳ thì bắt buộc phải trở lại tái khám để chắc chắn lòng tử cung đã sạch thai hoàn toàn, tránh để sót nhau thai sau khi phá thai bằng thuốc.

Thông thường, qua quá trình thăm khám, kết hợp với siêu âm và những biểu hiện lâm sàng như đau bụng nhiều, ra máu nhiều... là có thể xác định có tình trạng sót nhau hay sót thai hay không.

Ngoài ra, một số trường hợp khối thai và nhau đã được lấy sạch, tuy nhiên trong lòng tử cung vẫn còn ứ máu và dịch chưa thoát ra được, khi siêu âm thấy có khối echo hỗn hợp trong lòng tử cung. Trong tình huống này, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân điều trị nội khoa và theo dõi thêm một thời gian sau đó, nếu khối dịch nhiều, không thuyên giảm sau thời gian theo dõi thì cần can thiệp phẫu thuật.

Thông thường, buồng tử cung vô khuẩn tuyệt đối. Sau khi tiến hành phá thai, cho dù các thao tác nạo hút có được thực hiện cẩn thận và kỹ thuật tốt thì quá trình chảy máu bên trong vẫn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra nhiễm trùng niêm mạc tử cung. Nếu tuổi thai càng lớn, kèm theo tình trạng viêm nhiễm sinh dục thì khả năng xảy ra biến chứng sau phá thai càng cao.

Một số biểu hiện sau đây báo hiệu nguy cơ nhiễm trùng: ra máu kéo dài, có mùi khó chịu, đau bụng tăng dần, có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, hơi thở có mùi, cơ thể mệt mỏi... Khi nhận thấy các biểu hiện này, phụ nữ cần được điều trị xử trí sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tiểu khung và nhiễm trùng huyết.

Uống thuốc
Phụ nữ sau khi phá thai bằng thuốc phải tái khám để chắc chắn lòng tử cung đã sạch thai hoàn toàn

2. Hỗ trợ trước, trong và sau khi phá thai

Trước khi thực hiện phẫu thuật phá thai, sản phụ cần được giải thích và hướng dẫn thực hiện những thủ tục cần thiết. Hầu hết các trường hợp đều phải được tư vấn, trao đổi rất cẩn thận rồi mới chấp nhận chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, quy trình thực hiện thủ thuật phá thai như thế nào, thời gian tiến hành và các vấn đề liên quan cần được giải thích rõ cho sản phụ.

Điều dưỡng cần hỗ trợ tinh thần cho thai phụ trước, trong và sau khi phá thai để đề phòng trầm cảm, đôi khi phải cần đến sự can thiệp từ chuyên gia tâm lý. Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá hay các chất kích thích khác để giải quyết trầm cảm.

Trước và trong khi thực hiện thủ thuật phá thai, người phụ nữ thường hay gặp phải tình trạng cô đơn, tâm lý lo lắng, sợ hãi, thậm chí nhiều trường hợp không có người nhà đi theo. Sau phá thai, họ có thể bị trầm cảm nặng nề. Bên cạnh các vấn đề về tâm lý, việc nạo phá thai còn có khả năng dẫn đến tai biến và biến chứng nguy hiểm như: Thủng tử cung, băng huyết, tổn thương khu vực cổ tử cung hoặc âm đạo, tác dụng phụ do dùng thuốc tê và thuốc mê trong quá trình phẫu thuật.

Sau khi phá thai, người phụ nữ cần được hướng dẫn chăm sóc phù hợp, lưu ý về các biến chứng có thể xảy ra như sót nhau thai sau khi phá thai, tránh giao hợp và giữ vệ sinh bộ phận sinh dục. Không dùng tăm bông, không thụt rửa âm đạo vì có thể dẫn đến tai biến xuất huyết, nhiễm trùng.

Các tai biến đến muộn hơn có thể bao gồm: sót nhau thai sau khi phá thai bằng thuốc, nguy cơ nhiễm trùng, sốt, chảy dịch hôi, viêm dính buồng tử cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh nở về sau của nữ giới.

3. Chăm sóc phụ nữ sau khi phá thai

Trầm cảm
Phụ nữ sau khi phá thai cần được động viên, chăm sóc về tinh thần

Người phụ nữ khi đã đi đến quyết định phá thai, nghĩa là họ đã phải chịu áp lực rất lớn về mặt tinh thần. Động viên, an ủi, giải thích, lắng nghe là những biện pháp chăm sóc tinh thần sau phá thai, giúp người phụ nữ vượt qua nỗi đau này.

Về vấn đề sinh hoạt tình dục, tháng đầu tiên sau khi phá thai cần tránh quan hệ, tránh đưa các dụng cụ thụt rửa vào âm đạo. Nhân viên y tế cần hướng dẫn cẩn thận cách phòng tránh thai sau phá thai và nên đánh giá lại cụ thể sự hiểu biết của bệnh nhân về vấn đề này. Ngoài ra, hướng dẫn thêm về cách vệ sinh sau khi quan hệ tình dục và những nguy cơ có thể xảy ra do nạo phá thai như đã trình bày.

Để biết chính xác tình trạng ứ dịch hoặc sót nhau thai sau khi phá thai nhiều hay ít khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, phụ nữ nên đi khám sớm. Nếu được chẩn đoán phát hiện sót nhau thai hay có ứ dịch trong lòng tử cung thì cần được điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ. Càng để lâu, nguy cơ viêm nhiễm tử cung sẽ càng tăng lên. Khi viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng, buồng trứng thì khả năng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.

Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

185.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan