Chẩn đoán và điều trị viêm phổi cộng đồng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm phổi mắc phải cộng đồng là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng tại chỗ, toàn thân hoặc tử vong. Chẩn đoán và điều trị viêm phổi cộng đồng sớm, diệt đúng căn nguyên gây bệnh sẽ giúp tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra cho người bệnh.

1. Chẩn đoán viêm phổi mắc phải cộng đồng

1.1 Chẩn đoán xác định

  • Bệnh khởi phát đột ngột, có thể thấy các yếu tố thuận lợi cho viêm phổi do phế cầu như cắt lách, suy giảm miễn dịch, nghiện rượu mạn tính, bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Có cơn rét run và sốt cao 39°C - 40°C. Đau ngực có khi rất nổi bật. Ho và khạc đờm màu rỉ sắt hoặc đờm màu xanh, đờm mủ, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu máu tăng cao. Hội chứng đông đặc phổi: gõ đục, rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm, tiếng thổi ống;
  • X-quang phổi chuẩn cho thấy: Có hội chứng lấp đầy phế nang, có thể có hình ảnh tràn dịch màng phổi hoặc hình rãnh liên thuỳ dày. Các tổn thương dạng lưới nốt, hình kính mờ gợi ý viêm phổi do vi khuẩn không điển hình . Tuy nhiên hình ảnh X-quang không đặc hiệu cho căn nguyên.

Nếu nghi ngờ viêm phổi, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được sử dụng để xác nhận nhiễm trùng và cố gắng xác định loại sinh vật gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nhận dạng chính xác;
  • X-quang ngực: Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và xác định mức độ và vị trí nhiễm trùng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể cho bác sĩ biết loại vi trùng nào gây ra viêm phổi;
  • Xét nghiệm đờm: Một mẫu chất lỏng từ phổi của bạn (đờm) được lấy sau khi ho sâu và được phân tích để giúp xác định nguyên nhân nhiễm trùng.

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung nếu bạn trên 65 tuổi, đang ở trong bệnh viện, hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng. Chúng có thể bao gồm:

  • Chụp CT: Nếu viêm phổi của bạn không rõ ràng như mong đợi, bác sĩ có thể đề nghị chụp CT ngực để có được hình ảnh chi tiết hơn về phổi của bạn;
  • Nuôi cấy dịch màng phổi: Một mẫu chất lỏng được lấy bằng cách đặt một cây kim giữa xương sườn của bạn từ khu vực màng phổi và được phân tích để giúp xác định loại nhiễm trùng.
Chụp PET/CT
Chẩn đoán bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng chính xác hơn bằng phương pháp chụp CT

1.2. Chẩn đoán căn nguyên vi sinh

  • Khi bệnh nhân nhập viện nhất là các trường hợp nặng cần tiến hành nuôi cấy và làm kháng sinh đồ với các bệnh phẩm như đờm, dịch phế quản (soi phế quản ống mềm - chải phế quản bằng catheter có nút bảo vệ, rửa phế nang), dịch màng phổi nếu có máu. Chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm vi sinh trong vòng 1 giờ;
  • Các phương pháp gián tiếp: Miễn dịch huỳnh quang, test ngưng kết bổ thể, huyết thanh học đặc hiệu với các vi khuẩn khó nuôi cấy (Legionelle Pneumoniae, Mycoplasma Pneumoniae, Chlamydia Pneumoniae) hoặc virus;
  • Phát hiện kháng nguyên hoà tan của vi khuẩn qua nước tiểu. PCR (phản ứng khuếch đại chuỗi) với một số loại vi khuẩn, virút. Các xét nghiệm này đặc biệt cần thiết trong các vụ dịch để phát hiện sớm, phân loại BN.

1.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Xẹp phổi: Trung thất bị kéo về bên xẹp phổi, cơ hoành nâng lên cao;
  • Tràn dịch màng phổi: Chọc dò màng phổi hoặc siêu âm để xác định;
  • Giãn phế quản bội nhiễm: Có tiền sử sốt, ho khạc đờm mủ nhiều, kéo dài. Hình ảnh X-quang có khi là một đám mờ không đồng đều giống phế quản viêm một vùng. Chụp PQ cản quang hoặc chụp CT Scan phổi xác định rõ;
  • Lao phổi: Tổn thương hình mờ, thâm nhiễm nốt không đồng đều ở vùng đỉnh phổi. Cần nhuộm Ziel Nelsen tìm AFB trong đờm, dịch phế quản, nuôi cấy tìm BK trong đờm, dịch phế quản trên các môi trường kinh điển (Lowenstein) và nếu có điều kiện nuôi cấy trên môi trường MGIT Bactec để có thể phát hiện sớm vi khuẩn lao và xác định mức độ nhạy cảm với kháng sin;
  • Tắc mạch phổi gây nhồi máu phổi: Có triệu chứng đau ngực dữ dội, có khi sốc, sốt, ho ra máu, thường xảy ra ở người có bệnh tim, hoặc phẫu thuật vùng hố chậu, cố định chi dưới. Các biểu hiện nhiễm trùng không nhiều, dấu hiệu tắc tĩnh mạch ngoại vi, tâm phế cấp trên lâm sàng và điện tâm đồ (hình ảnh S1 Q3). Chụp cắt lớp vi tính phổi có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch bằng máy CT xoắn ốc hoặc máy đa đầu dò sẽ cho phép tái tạo hình ảnh động mạch phổi, thấy rõ động mạch bị tắc;
  • Viêm phổi với cơ chế tự miễn do dùng thuốc: Hỏi kỹ tiền sử dùng thuốc, đặc biệt chú ý tới các thuốc hay gây viêm phổi như cordaron... Các triệu chứng sẽ giảm hoặc mất đi khi ngừng thuốc sớm;
  • Phù phổi bán cấp không điển hình: Thử dùng lợi tiểu rồi chụp lại phim X quang phổi.
chụp X quang ung thư phổi
Chụp X quang để phân tích cụ thể tình trạng bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng so với các bệnh liên quan đến phổi khác

2. Viêm phổi cộng đồng nhập viện khi nào?

Bạn có thể phải nhập viện nếu có các đặc điểm sau:

  • Trên 65 tuổi;
  • Chức năng thận suy giảm;
  • Huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương bằng hoặc thấp hơn 60 mmHg;
  • Hơi thở rất nhanh (30 nhịp thở trở lên một phút);
  • Cần hỗ trợ hô hấp;
  • Nhiệt độ cơ thể dưới mức bình thường;
  • Nhịp tim dưới 50 hoặc trên 100.

3. Điều trị viêm phổi cộng đồng như thế nào?

3.1. Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị kháng sinh sớm cho các bệnh nhân viêm phổi do vi khuẩn;
  • Dùng kháng sinh có tác dụng với căn nguyên gây bệnh, lưu ý tới tình trạng kháng thuốc của các vi khuẩn tại địa phương;
  • Chú ý khai thác tiền sử dị ứng thuốc, tương tác thuốc;
  • Thời gian dùng kháng sinh thông thường khoảng 10 ngày, trừ một số trường hợp đặc biệt;
  • Tuân thủ theo đúng các nguyên tắc dược lực học, dược động học của các kháng sinh. Đối với các thuốc kháng sinh loại phụ thuộc thời gian cần duy trì thời gian nồng độ thuốc cao trong máu kéo dài để đảm bảo hiệu quả diệt khuẩn.
Khám bệnh
Trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh

3.2 Điều trị cụ thể

Điều trị viêm phổi bao gồm chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng. Những người bị viêm phổi mắc phải cộng đồng thường có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc. Mặc dù hầu hết các triệu chứng giảm bớt trong vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong một tháng hoặc hơn.

Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của viêm phổi, tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Các tùy chọn bao gồm:

  • Kháng sinh: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Dùng kháng sinh theo kinh nghiệm sau đó chờ kết quả kháng sinh đồ và điều trị theo kết quả kháng sinh đồ;
  • Giảm sốt/giảm đau: Bạn có thể dùng những thứ này khi cần thiết để hạ sốt và khó chịu. Chúng bao gồm các loại thuốc như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và acetaminophen (Tylenol, những loại khác).

3.3 Điều trị tại nhà

  • Nghỉ ngơi nhiều: Không nên quay trở lại học hoặc làm việc cho đến khi nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường và bạn ngừng ho ra chất nhầy;
  • Giữ nước: Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc để giúp làm lỏng chất nhầy trong phổi;
  • Dùng thuốc theo quy định: Tuân thủ nghiêm túc toàn bộ quá trình điều trị do bác sĩ kê. Nếu ngừng dùng thuốc quá sớm, vi khuẩn trong phổi có thể tiếp tục nhân lên và khiến viêm phổi tái phát.

Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Letristan
    Công dụng thuốc Letristan

    Thuốc Letristan có hiệu quả trong điều trị bệnh viêm xoang cấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da. Letristan là thuốc kê đơn, để đảm bảo hiệu quả khi ...

    Đọc thêm
  • Rovacent
    Công dụng thuốc Rovacent

    Thuốc Rovacent dạng viên nén bao phin, được chỉ định sử dụng cho các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới, nhiễm khuẩn đường sinh dục, xương khớp hoặc phòng ngừa tái phát thấp khớp cấp tính.

    Đọc thêm
  • Zidunat
    Công dụng thuốc Zidunat

    Zidunat 125mg là thuốc kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam, được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm trùng tại đường hô hấp, tiết niệu, da hoặc mô mềm. Người bệnh cần hiểu rõ công dụng, tham khảo ý ...

    Đọc thêm
  • Philtadol
    Công dụng thuốc Philtadol

    Philtadol là kháng sinh nhóm Cephalosporin, được chỉ định trong các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường sinh dục - tiết niệu,... do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Vậy cơ chế tác dụng, ...

    Đọc thêm
  • Becaclary
    Công dụng thuốc Becaclary

    Becaclary có thành phần chính là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng da, viêm họng do liên cầu ...

    Đọc thêm