Chóng mặt trung ương và ngoại biên: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chúng ta chắc hẳn ai cũng từng một lần cảm thấy bị chóng mặt, choáng váng. Chóng mặt được chia làm hai loại gồm chóng mặt trung ương và chóng mặt ngoại biên. Mỗi loại sẽ có những nguyên nhân và đặc điểm riêng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức cơ bản về triệu chứng chóng mặt.

1. Chóng mặt là gì?

Chóng mặt là cảm giác choáng váng, mọi thứ xung quanh quay vòng kèm theo đó là cảm giác mất cân bằng. Đây là hiện tượng nhận thức về cử động khi không có cử động. Chóng mặt có thể là một hội chứng, triệu chứng liên quan tới bệnh lý nào đó.

Chóng mặt thường không nghiêm trọng và nếu xác định được đúng nguyên nhân thì có thể chữa khỏi.

Hiện có hai loại chóng mặt được phân loại theo nguyên nhân gồm chóng mặt trung ươngchóng mặt ngoại biên.

2. Chóng mặt trung ương

2.1 Chóng mặt trung ương là gì?

Chóng mặt trung ương là loại chóng mặt gây ra bởi các vấn đề từ não. Tiểu não chính là phần não bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chóng mặt trung ương thường ít khi gây giảm thính lực, nếu có thì có thể dây VIII đã bị tổn thương.

2.2 Dấu hiệu của chóng mặt trung ương

Các đặc điểm có thể là dấu hiệu của chóng mặt trung ương bao gồm:

  • Cường độ chóng mặt ở mức nhẹ đến vừa phải
  • Khởi phát thường từ từ, âm ỉ
  • Hiện tượng chóng mặt xảy ra liên tục
  • Thường không có cảm giác buồn nôn
  • Không có sự thay đổi về thính lực
  • Không xuất hiện triệu chứng mệt mỏi
  • Có thể có dấu hiệu thần kinh khu trú
  • Rung giật nhãn cầu thẳng đứng hoặc khó xác định được

Chóng mặt trung ương thường kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hơn.

Chóng mặt trung ương và ngoại biên: Những điều cần biết
Thiếu máu não cục bộ làm chóng mặt trung ương

2.3 Nguyên nhân của chóng mặt trung ương

  • Thiếu máu não cục bộ
  • Hệ thần kinh trung ương mất myelin
  • U tiểu não, xuất huyết tiểu não, thoái hóa tiểu não,...
  • Thân não bị tổn thương
  • Hố sau bị tổn thương (u não, tai biến mạch máu não)
  • Những trường hợp bị bệnh động kinh
  • U dây thần kinh VIII
  • Do di truyền (thoái hóa gai)

3. Chóng mặt ngoại biên

3.1 Chóng mặt ngoại biên là gì?

Chóng mặt ngoại biên là loại chóng mặt mà chúng ta thường hay gặp nhất, thường kèm theo ù tai hoặc giảm thính lực (hoặc điếc).

Sự xáo trộn trong tai nhằm điều chỉnh sự cân bằng cơ thể chính là nguyên nhân gây chóng mặt ngoại biên. Để duy trì sự cân bằng, khi bạn di chuyển đầu, bên trong tai sẽ cho bạn biết vị trí đầu và gửi tín hiệu đến não.

3.2 Dấu hiệu của chóng mặt ngoại biên

Các đặc điểm gợi ý chóng mặt ngoại biên bao gồm:

  • Cường độ chóng mặt thường nặng đến rất nặng
  • Thường khởi phát đột ngột
  • Chóng mặt thường xuất hiện theo từng cơn
  • cảm thấy buồn nôn, nôn
  • Khi cử động, tình trạng chóng mặt của bạn sẽ nặng hơn
  • Thính lực có thể bị ảnh hưởng
  • Các dấu hiệu thần kinh khu trú không xuất hiện
  • Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi
  • Rung giật nhãn cầu xoay ngang hoặc xoắn

3.3 Nguyên nhân của chóng mặt ngoại biên

  • Bị tiền đình ngoại vi
  • Chóng mặt theo tư thế kịch phát lành tính (Benign Paroxysmal Positional Vertigo)
  • Sau khi bị chấn thương đầu mặt
  • Do dây tiền đình bị nhiễm độc hoặc bị tác dụng phụ của thuốc, rượu, ma túy...
  • Chóng mặt do bị phù nội dịch (hội chứng Meniere)
  • Do các bệnh ngoại vi khác gây ra như nhiễm khuẩn tai trong, tế bào lông bị thoái hóa, mê đạo bị dị tật bất thường, viêm dây thần kinh số VIII, thiếu máu não cục bộ...
  • Vùng cổ bị tổn thương

4. Điều trị chóng mặt như thế nào?

Chóng mặt trung ương và ngoại biên: Những điều cần biết
Sử dụng thuốc: thuốc chống nôn, thuốc điều trị chóng mặt, thuốc an thần

Để điều trị chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương, hiện có 4 phương pháp điều trị chính như sau:

  • Sử dụng liệu pháp vật lý: các bài tập tiền đình (nghiệm pháp Epley,..), các thủ thuật phóng thích thạch nhĩ.
  • Sử dụng thuốc: thuốc chống nôn, thuốc điều trị chóng mặt, thuốc tăng tuần hoàn tai trong), thuốc an thần.
  • Phẫu thuật: bệnh nhân bị Meniere kháng trị, thính lực bị thương tổn, thực hiện phẫu thuật u (u dây thần kinh VIII) ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình.
  • Sử dụng liệu pháp tâm lý

Khi xác định được nguyên nhân cụ thể thì chóng mặt có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu nguyên nhân gây nên chóng mặt là do chóng mặt kịch phát lành tính (rối loạn tiền đình) thì tình trạng chóng mặt có thể sẽ bị tái đi tái lại nhiều lần.

Chóng mặt tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, khi thấy các dấu hiệu chóng mặt, đặc biệt là chóng mặt kéo dài, bạn cần sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp. Để hỗ trợ điều trị, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể thao, tránh tình trạng căng thẳng nhằm giảm tần suất bệnh tái phát.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện uy tín lâu năm trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh liên quan đến thần kinh. Bệnh nhân có dấu hiệu chóng mặt kéo dài nên lựa chọn Vinmec để khám và điều trị dứt điểm. Tại đây có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa hàng đầu luôn tận tâm vì sức khỏe người bệnh, hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp thực hiện thành công những kỹ thuật y tế tiên tiến nhất.

Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh. Bác sĩ Hòa nguyên là Phó Trưởng Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi và từng tham gia nhiều khóa đào tạo liên tục về Động Kinh, Tai Biến mạch máu não, Alzheimer, Rối loạn vận động, Lão khoa. Bệnh lý Nội Tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan