Các nguyên nhân gây đau xương cụt

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Bá Quỳnh - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Xương cụt thường ít khi mắc các bệnh lý vì được bao phủ phía trước bởi xương chậu, các cấu trúc trong bụng và phía sau xương chậu là mông, các lớp cơ, mỡ rất dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xương cụt có thể bị đau. Nguyên nhân đau xương cụt chủ yếu là do chấn thương hoặc do thoái hóa khớp, đĩa đệm, tăng hoặc giảm khả năng vận động của khớp xương cùng.

1. Vai trò xương cụt

Xương cụt là xương nằm ngay dưới xương cùng và là phần cuối của cột sống. Xương cụt có kích thước nhỏ hơn so với xương cùng nhưng xương cụt lại có nhiệm vụ rất quan trọng. Về cấu trúc, xương cụt thường có 4 – 6 đốt sống cụt dính liền với nhau, nằm dưới đốt sống thắt lưng thứ 5.

Khi chụp X quang sẽ thấy hình dáng của xương cụt khác nhau, điều này tùy thuộc vào giới tính. Cụ thể, kích thước xương cụt ở nữ sẽ ngắn hơn nam giới. Tuy nhiên xương cụt ở nữ sẽ có cấu tạo xiên chéo để làm tăng kích thước khoang chậu, thuận tiện cho việc sinh sản và để thai nhi phát triển vượt trội ở tử cung.

Xương cụt có chức năng rất quan trọng đối với cơ thể con người. Hệ thống xương sẽ thiếu đi một cơ quan vô cùng quan trọng nếu thiếu xương cụt.Một số chức năng của xương cụt như sau:

  • Xương cụt giúp cân bằng cơ thể khi ngồi
  • Giúp cố định các cơ quan khác của cơ thể như gân, dây chằng xung quanh và cơ
  • Hỗ trợ và cân bằng vận động của khớp để giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn.
  • Hỗ trợ hoạt động đi, đứng, ngồi và giúp nâng đỡ, ổn định vùng cột sống của con người.
  • Khi xương cụt bị đau, người bệnh sẽ bị đau toàn bộ cột sống, đau có thể lan sang vùng hông. Vì vậy, vai trò của xương cụt là kết nối với các cơ quan khác trong cơ thể.
xương cụt
Vị trí xương cụt trên hình ảnh giải phẫu

2. Nguyên nhân gây đau xương cụt

Xương cụt thường ít khi mắc các bệnh lý vì được bao phủ phía trước bởi xương chậu, các cấu trúc trong bụng và phía sau xương chậu là mông, các lớp cơ, mỡ rất dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xương cụt có thể bị đau. Nguyên nhân đau xương cụt chủ yếu là do:

  • Đau xương cụt do chấn thương: Đây là nguyên nhân đau xương cụt. Chấn thương có thể là do bên ngoài hoặc bên trong. Tuy nhiên, chấn thương bên ngoài thường xảy ra do ngã về phía sau khiến bầm tím, trật khớp hoặc gãy xương, lúc này, người bệnh sẽ bị đau xương cụt khi nằm hoặc đau xương cụt khi ngồi. Ngoài ra, xương cụt cũng dễ bị chấn thương bên trong trong quá trình phụ nữ sinh nở. Đặc biệt là khi sinh khó hoặc do hỗ trợ sinh bằng dụng cụ. Việc đau xương cụt nhẹ cũng có thể xảy ra do ngồi thường xuyên liên tục mỗi ngày trên bề mặt cứng, hẹp hoặc không thoải mái dẫn đến đau.
  • Đau xương cụt không do chấn thương: Các nguyên nhân bao gồm thoái hóa khớp, đĩa đệm, tăng hoặc giảm khả năng vận động của khớp xương cùng; nhiễm trùng; xương có hình dạng bất thường; có các khối u vùng chậu, u tủy sống nhưng thường ít gặp... Bên cạnh đó, đau xương cụt không do chấn thương còn có thể liên quan đến các nguyên nhân tâm lý như rối loạn bản thể và các rối loạn tâm lý khác.

Ngoài 2 nguyên nhân đau xương cụt trên, một yếu tố nguy cơ gây đau xương cụt khác là bệnh béo phì. Ở phụ nữ, nguy cơ đau xương cụt thường cao gấp 5 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do nữ giới phải mang thai, đặt vòng tránh thai. Tuy nhiên, thanh thiếu niên, người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng cao đau xương cụt hơn trẻ em và yếu tố giảm cân nhanh gây đau xương cụt vì mất đệm cơ học (lớp mỡ ở mông).

3. Điều trị đau xương cụt

Chấn thương gây đau xương cụt thường rất đau đớn. Các biện pháp điều trị chủ yếu là tại nhà nhằm mục đích kiểm soát cơn đau xương cụt khi nằm, ngồi hoặc vận động và tránh kích ứng thêm cho khu vực này. Tuy nhiên, trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thay đổi phương pháp điều trị.

Biến chứng hẹp hậu môn sau phẫu thuật trĩ có chữa được không?
Đau xương cụt cần được điều trị với phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh lý

3.1. Điều trị đau xương cụt tại nhà

Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:

  • Người bệnh không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài. Nếu ngồi nên tránh ngồi trên bề mặt cứng, có thể ngồi trên đệm hoặc gối có một lỗ ở giữa để ngăn xương cụt tiếp xúc với mặt phẳng. Luân phiên ngồi mỗi bên mông và để không bị tăng trọng lượng lên xương cụt, khi ngồi người bệnh nên cúi nghiêng người về phía trước.
  • Nếu đau xương cụt do chấn thương, người bệnh có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh vào vùng xương đuôi trong 15-20 phút với tần suất 4 lần một ngày.
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid để giảm đau, cải thiện khả năng đi lại. Trường hợp nếu người bệnh bị bệnh thận, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa hoặc đang dùng thuốc chống đông mà không trao đổi với bác sĩ thì không nên sử dụng thuốc chống viêm không steroid.
  • Ăn các thực phẩm giàu chất xơ để tránh bị táo bón.

3.2 Điều trị đau xương cụt tại bệnh viện

Ngoài việc điều trị chăm sóc tại nhà, nếu tình trạng không cải thiện bác sĩ có thể giúp giảm đau bằng các phương pháp y tế khác và phẫu thuật như:

  • Chỉ định các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, thuốc làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón.
  • Có thể người bệnh phải tiêm thuốc nếu tiếp tục đau nhiều.
  • Phẫu thuật: Cắt bỏ xương cụt, nhưng rất hiếm.
  • Vật lý trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu chủ yếu là những bài tập hít thở sâu và thư giãn hoàn toàn khung xương chậu để giảm đau.
Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Chỉ định các loại thuốc giảm đau mạnh hơn trong điều trị đau xương cụt

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

92K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan