Các nguyên nhân khiến chân bạn bị đau

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nguyên nhân bị đau chân rất đa dạng và gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, từ không nguy hiểm đến nguy hiểm đến tính mạng như thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Do đó, bạn cần nắm được các thông tin cơ bản của các nguyên nhân này để có hướng xử lý đúng đắn như điều trị ở nhà hoặc cần phải đến bệnh viện.

Dưới đây là 10 nguyên nhân thường gặp nhất của chân đau.

1. Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral Artery Disease)

Với bệnh động mạch ngoại biên, do động mạch bị thu hẹp lại nên lượng máu đến các chi (đặc biệt là chân) không có đủ để chi hoạt động như bình thường, khiến người bệnh cảm thấy yếu, tê hoặc chuột rút khi đi bộ và lạnh ở chân lạnh. Một số người có thể giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách thay đổi thói quen, như bỏ hút thuốc. Tuy nhiên, nếu các biện pháp trên không có tác dụng, bác sĩ có thể kể thuốc điều trị triệu chứng hoặc giúp giảm đau, thậm chí là có trường hợp cần chỉ định phẫu thuật.

2. Thuyên tắc tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis)

Đây tình trạng có cục máu đông trong tĩnh mạch ở đùi hoặc cẳng chân. Do bệnh không gây ra nhiều triệu chứng nên khó chẩn đoán, một số người bệnh có thể bị đau, sưng chân, cảm giác ấm ở chân và đỏ da. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu trên. Một số trường hợp, thuyên tắc tĩnh mạch sâu tạo ra các cục máu đông, khi các cục máu đông vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn, đi theo dòng máu đến phổi và gây ra tình trạng thuyên tắc mạch phổi, đây là tình trạng rất nguy hiểm. Bác sĩ có thể kể thuốc để người bệnh không tạo thành các cục máu đông, nếu có thì sẽ không to hơn hoặc vỡ ra.

3. Bệnh lý thần kinh ngoại biên (Peripheral neuropathy)

Bệnh lý thần kinh ngoại biên xảy ra khi các dây thần kinh truyền các thông điệp đến và đi từ não bị tổn thương. Nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường, nhưng các bệnh khác, thuốc men, chấn thương hoặc nhiễm trùng đều có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên này. Nếu bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở chân, người bệnh có thể cảm thấy như bị châm chích hoặc kiến bò, chân bị tê hoặc yếu. Bác sĩ sẽ điều trị dựa trên nguyên nhân và kê thuốc giảm đau nếu người bệnh cần.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên gây đau chân

4. Mất cân bằng điện giải

Chất điện giải là các khoáng chất như natri, kali và canxi giúp cơ bắp hoạt động bình thường. Điện giải có thể mất qua mồ hôi khi tập thể dục và nếu bạn bị mất quá nhiều thì chân của bạn có thể bị chuột rút hoặc cảm thấy yếu, tê liệt. Khi đó, bạn cần được điều trị bằng một số biện pháp như vật lý trị liệu hoặc bổ sung đồ uống thể thao có chất điện giải hay nước cùng với thực phẩm có các khoáng chất đó. Tuy nhiên, nếu chuột rút xảy ra thường xuyên thì bạn cần phải đi gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

5. Hẹp ống sống (Spinal Stenosis)

Tình trạng này xảy ra khi không gian trong cột sống bị hẹp nên đè lên các dây thần kinh ở trong ống, gây ra các triệu chứng như đau, ngứa ran, tê hoặc yếu ở chân. Gặp bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như kể trên. Người bệnh có thể được sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu để giảm cơn đau, nhưng nếu các biện pháp này không hiệu quả thì bạn sẽ cần phải phẫu thuật.

6. Đau dây thần kinh toạ (Sciatica)

Đau dây thần kinh toạ là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, kéo dài từ tủy sống và vùng hông tới đau bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng dẫn đến chèn ép dây thần kinh tọa. Đa số triệu chứng khởi phát từ từ, đau từ thắt lưng rồi lan xuống mông, xuống đùi cho đến cẳng bàn chân. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau hoặc vật lý trị liệu, nhưng một trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phải phẫu thuật.

7. Viêm khớp

Viêm khớp là bệnh phổ biến ảnh hưởng đến khớp và gây đau, sưng và cứng khớp khiến người bệnh khó đi lại hoặc khó khăn trong thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hiện nay bệnh viêm khớp vẫn chưa cách nào điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng người bệnh có thể giảm các triệu chứng bằng cách tập thể dục và giữ cân nặng khỏe mạnh. Hoặc chườm đệm ấm hoặc túi nước đá chườm lên các khớp đau để giảm đau và sưng.

viêm khớp
Viêm khớp gây đau và sưng khớp

8. Căng cơ (Pulled Muscle)

Căng cơ xảy ra khi cơ bắp bị kéo dãn quá mức. Tình trạng này hay xảy ra ở những người chơi thể thao hay vận động viên. Cơn đau dữ dội và bắt đầu ngay lập tức và cơ ở vị trí bị căng rất mềm khi chạm vào. Cách điều trị tốt nhất là chườm đá trong 20 phút mỗi lần và cần thực hiện nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để làm dịu cơn đau.

9. Bong gân (Sprain)

Chấn thương này xảy ra khi mô liên kết giữa xương với xương, hay còn gọi là dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Bong gân ở mắt cá chân là vị trí phổ biến nhất, với các triệu chứng như sưng, đau ở mắt cá chân và người bệnh không thể hoặc khó khăn khi đứng lên. Để xử lý lúc lúc bong gân ở mắt cá nhân, người bệnh cần thực hiện phương pháp R.I.C.E (R.I.C.E = Rest – Ice – Compression – Elevation) gồm: Nghỉ ngơi, Chườm đá tích cực (khoảng 20 phút/lần và 4-8 lần/ngày), Quấn băng (Quấn băng thun xung quanh khớp bị đau) và nâng chân cao lên. Người bệnh cũng cần gặp bác sĩ để chụp X-quang và kiểm tra xem xương có bị gãy hay không.

10. Chuột rút (Muscle Cramp)

Chuột rút thường xảy ra ở bắp chân với triệu chứng đột nhiên cơ bị căng cứng, đau nhói. Chuột rút có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi già đi và bạn ra ngoài trong thời tiết nóng nhưng không uống đủ nước. Chuột rút thường tự biến mất và không không phải là dấu hiệu của bệnh, tuy nhiên hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có chuột rút thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

212.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan