Điều trị và tập luyện ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mặc dù tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa khớp gối, nhưng những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh này, nó có thể do di truyền, tuy nhiên thoái hóa khớp gối có thể do chấn thương, viêm khớp hoặc thậm chí do thừa cân.

1. Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi đặc biệt là nữ giới do suy giảm nội tiết tố và quá trình mang thai sinh nở gây gia tăng mức độ loãng xương. Bệnh xảy ra khi quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy của lớp sụn và xương dưới sụn, làm cho lớp sụn bao bọc hai đầu xương của khớp gối bị bào mòn gây giảm ma sát, giảm khả năng bôi trơn dẫn đến khớp gối bị đau, giảm chức năng vận động khớp.

Thoái hóa khớp gối với triệu chứng điển hình là đau khớp khi vận động và đi lại khó khăn, cứng khớp

2. Người có nguy cơ thoái hóa khớp gối

Mặc dù nó có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi, cơ hội phát triển thoái hóa khớp tăng lên sau 45 tuổi. Theo Arthritis Foundation, hơn 27 triệu người ở Hoa Kỳ bị thoái hóa khớp gối và phụ nữ có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới.

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối?

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối là tuổi tác. Hầu như tất cả mọi người cuối cùng sẽ phát triển một số mức độ thoái hóa khớp gối nào đó, tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển đáng kể ở độ tuổi sớm hơn như:

  • Tuổi tác. Tuổi càng cao sụn khớp thoái hóa, khô, mất độ trơn láng càng nhiều
  • Cân nặng. Trọng lượng làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp gối. Mỗi 0,45kg cân nặng bạn tăng thêm 1,36 đến 1,81kg trọng lượng thêm trên đầu gối của bạn.
  • Di truyền, bao gồm các đột biến gen có thể khiến cho một người có nhiều khả năng phát triển bệnh thoái hóa khớp gối. Nó cũng có thể là do bất thường di truyền trong hình dạng của xương bao quanh khớp gối.
  • Giới tính. Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nam giới.
  • Chấn thương lặp đi lặp lại. Đây thường là kết quả của loại hình công việc của những người phải đi lại nhiều, đứng lâu, đứng lên ngồi xuống nhiều có thể làm tăng sức ép liên tục lên mặt khớp
  • Điền kinh. Các vận động viên tham gia đá bóng, tennis hoặc chạy đường dài có thể có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn. Điều đó có nghĩa là các vận động viên nên có biện pháp phòng ngừa để tránh chấn thương. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tập thể dục vừa phải thường xuyên giúp củng cố các khớp và có thể làm giảm nguy cơ viêm xương khớp.
  • Các bệnh khác. Những người bị viêm khớp dạng thấp cũng có nhiều khả năng phát triển thoái hóa khớp gối hay những người mắc rối loạn chuyển hóa như quá tải sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng cũng có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối cao hơn.
Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không
Chấn thương lặp đi lặp lại có thể là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

4. Các triệu chứng của viêm xương khớp đầu gối là gì?

Các triệu chứng thoái hóa khớp đầu gối có thể bao gồm:

  • Cơn đau tăng lên khi bạn hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi
  • Sưng khớp
  • Cảm giác ấm nóng hơn bình thường trong khớp
  • Cứng khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc khi bạn đã ngồi được một lúc
  • Giảm khả năng vận động của đầu gối, gây khó khăn cho việc ngồi xuống ghế hoặc vào xe hơi, sử dụng cầu thang hoặc đi bộ
  • Nghe tiếng kêu lạo xạo, cót két, rít khi khớp gối vận động di chuyển.

5. Các phương pháp tập luyện ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Cử động gập duỗi được khớp gối dễ dàng, đi lại được và giảm đau là mong ước của mọi người bệnh bị thoái hóa khớp gối. Điều này chỉ đạt được khi bạn được hướng dẫn tập luyện đúng cách, nhằm mục đích làm khỏe các nhóm cơ xung quanh và bảo vệ được sụn khớp.

Sau đây là 5 bài tập đơn giản mà bạn có thể thực hiện ở nhà. Lưu ý trong khi luyện tập tránh các động tác gắng sức quá mức gây đau, trong trường hợp đó bạn cần được các bác sĩ phục hồi chức năng thăm khám và tư vấn cụ thể hơn

5.1. Bài tập làm dãn gân kheo (Hamstring Stretch)

Kéo dãn gân khoeo giúp bạn linh hoạt và cải thiện phạm vi chuyển động khớp gối của bạn, hoặc giúp bạn có thể di chuyển các khớp của mình theo những hướng nhất định. Nó cũng giúp bạn giảm mức độ đau và chấn thương khi vận động di chuyển.

Khởi động làm ấm khớp và cơ thể với 5 phút đi bộ đầu tiên. Nằm xuống khi bạn đã sẵn sàng để kéo căng gân kheo của bạn. Đầu tiên trải tấm nệm mỏng dưới chân phải của bạn. Sử dụng tấm vải dài để giúp kéo chân trái thẳng lên. Giữ trong 20 giây, sau đó hạ chân xuống. Lặp lại hai lần. Sau đó, đổi chân.

5.2. Bài tập làm căng bắp chân (Calf Stretch)

Sử dụng một ghế ngồi để giữ thăng bằng. Bạn đứng đằng sau của ghế, hai tay giữ vào phần tựa lưng của ghế, một trụ và chân còn lại từ từ duỗi thẳng ra phía sau. Bạn sẽ cảm thấy căng ở bắp chân sau. Giữ trong 20 giây. Lặp lại hai lần, sau đó đổi chân.

5.3. Bài tập nâng chân thẳng (Hamstring Stretch)

Đây là bài tập nhằm xây dựng sức mạnh cơ bắp để giúp hỗ trợ các khớp yếu. Nằm nghiêng người bên tay trái. Chống tay trái xuống sàn, tựa đầu lên tay trái, cùi chỏ hơi hướng về phía trước. Tay còn lại đặt trên sàn, ngay trước ngực. Hai chân chụm lại, duỗi thẳng ra sau. Thở ra, nâng chân phải thẳng lên càng cao càng tốt. Luôn căng cứng cơ chân, đùi giữ trong 3 giây. Hít vào từ từ hạ xuống vị trí ban đầu. Đó là 1 lần. Tiếp tục lặp lại thêm 10 lần nữa trước khi đổi chân

5.4. Bài tập ngồi hông (Seated Hip March)

Đây là bài tập nhằm tăng cường cơ hông và cơ đùi. Nó có thể giúp cho các hoạt động hàng ngày như đi bộ hoặc đứng lên.

Ngồi thẳng lên ghế. Đưa chân trái về phía sau một chút nhưng giữ ngón chân của bạn trên sàn nhà và gót chân lên phía trên. Nhấc chân phải lên khỏi sàn, gập đầu gối. Giữ chân phải trong vòng 3 giây. Từ từ hạ chân xuống đất. Làm 10 lần ở mỗi chân.

5.5. Bài tập ép gối (Pillow Squeeze)

Động tác này giúp tăng cường sức mạnh mặt bên trong chân của bạn.

Bạn nằm ngửa, nâng cao và co hai chân lại. Đặt một cái gối giữa hai đầu gối. Siết chặt đầu gối của bạn với nhau và không để gối rơi. Giữ trong 5 giây. Thư giãn. Làm lại 10 lần và sau đó bạn có thể đổi từ tư thế nằm sang ngồi để tập.

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Khi khớp gối bị thoái hóa, các sụn khớp bị tổn hại do đó, nếu khớp gối chịu một lực tác động mạnh có thể làm hỏng khớp gối. Đối tượng này thường được khuyên là nên có chế độ luyện tập vừa phải để tăng sức bền và độ dẻo dai của khớp.

Do đó, đi bộ vẫn là một lựa chọn để luyện tập khi bị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng, xen kẽ giữa thời gian đi bộ và thời gian nghỉ ngơi để không gây đau và nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Nếu nhận thấy các cơn đau xuất hiện trở lại hay đau nhiều hơn thì người bệnh nên dừng việc luyện tập và để cơ thể nghỉ ngơi.

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không
Đi bộ là một lựa chọn hoàn hảo để luyện tập khi bị thoái hóa khớp gối

6. Điều trị thoái hóa khớp gối

Hiện nay, các biện pháp điều trị chính bệnh thoái hóa khớp gối tập trung vào giảm đau và phục hồi chức năng khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức mạnh của cơ bắp từ đó giảm thiểu sức nặng lên các khớp xương và giảm đau. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau, chống viêm và các khớp trợ lực cũng được sử dụng trong giai đoạn cấp cho các bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng.

Đối với các trường hợp khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng thể tiến triển nặng và có giảm nhiều chức năng vận động, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Đây là phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp với ưu điểm loại bỏ hoàn toàn bề mặt tổn thương ở khớp, từ đó bệnh nhân không còn cảm giác đau khi vận động. Bên cạnh đó, thay khớp gối nhân tạo cũng giúp cải thiện khả năng vận động của khớp gối. Tuy nhiên, phương pháp thay khớp gối nhân tạo vẫn tiềm tàng những nguy cơ.

Ngày nay, một số phương pháp điều trị mới được ứng dụng trong thoái hóa khớp gối như phương pháp PRP (tên tiếng Anh là Platelet Rich Plasma), đây là biện pháp đang được triển khai hiệu quả tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Với đội ngũ bác sĩ tận tâm, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, bệnh viện Vinmec đang là địa chỉ tin cậy cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp tới điều trị bằng phương pháp PRP. Phương pháp này được chỉ định rất nhiều trường hợp như

  • Bệnh lý chóp xoay (viêm, rách chóp xoay)
  • Viêm điểm bám gân tại vùng khuỷu, vùng cổ tay, gối
  • Viêm cân gan chân
  • Viêm gân hoặc các bệnh lý về gân khác
  • Chấn thương sụn chêm và dây chằng
  • Thoái hóa khớp

So với các phương pháp điều trị truyền thống là sử dụng thuốc, trường hợp nặng có chỉ định phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở), PRP được đánh giá cao về sự an toàn do sử dụng máu được lấy từ cơ thể người bệnh, giúp chấm dứt cơn đau nhanh chóng tới 80-90%. Cộng thêm quá trình điều trị nhẹ nhàng, chi phí hợp lý đã khiến PRP đang ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan