Cường giáp dễ tái phát ở phụ nữ sau sinh con

Bài viết được tham vấn chuyên môn với - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trong các rối loạn tuyến giáp sau sinh, cường giáp sau sinh là bệnh lý phổ biến. Đặc biệt, cường giáp dễ tái phát và tiến triển nặng hơn ở giai đoạn sau sinh vì thời điểm này sản phụ ít chú ý tới việc tái khám định kỳ và điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ.

1. Cường giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước dưới cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hormon giáp trạng, tiết vào máu tới các mô trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ bắp và các cơ quan khác có thể hoạt động ổn định.

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng khả năng sản xuất hormone tuyến (gồm thyroxin và triiodothyronin). Ở bệnh nhân cường giáp, lượng thyroxin quá nhiều trong cơ thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất tăng cao tới mức độ bất thường.

Người bệnh thường có một số dấu hiệu điển hình như khó ngủ, khó chịu, yếu cơ, tăng nhịp tim, không chịu được nóng, tiêu chảy, phì đại tuyến giáp (bướu cổ) và sụt cân.

Cường giáp
Bệnh cường giáp thường được phát hiện với các triệu chứng điển hình

2. Mối quan hệ giữa cường giáp và thai kỳ

Nguyên nhân gây cường giáp trong quá trình mang thai chủ yếu là do bệnh Basedow (chiếm 80 - 85% các ca bệnh), tỷ lệ gặp là 1/1.500 phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, một vài trường hợp tăng hCG quá cao cũng gây triệu chứng cường giáp.

Cường giáp có thể khiến thai phụ sinh non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ cao mắc suy tim hoặc nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.

Những nguy cơ của cường giáp đối với thai nhi là:

  • Cường giáp không được kiểm soát tốt, khiến trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, thai chết lưu, trẻ bị sinh non hoặc có thể bị dị tật bẩm sinh;
  • TSI (hormone kích thích tuyến giáp tăng quá cao): Đi qua nhau thai, có thể tác động tới tuyến giáp của thai nhi và gây cường giáp ở trẻ sơ sinh;
  • Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là Thyrozol và PTU đi qua nhau thai, có thể ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp và gây bướu cổ thai nhi.
tiền sản giật
Bệnh cường giáp trong giai đoạn thai kỳ khiến sản phụ có nguy cơ bị tiền sản giật

3. Lựa chọn điều trị cường giáp thai kỳ

Với các trường hợp thai phụ bị cường giáp nhẹ (triệu chứng mờ nhạt, nồng độ hormone tăng nhẹ) sẽ được theo dõi chặt chẽ mà chưa cần điều trị. Với các trường hợp cường giáp nặng, cần điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp thì nên lựa chọn PTU và theo dõi chặt chẽ hormone tuyến giáp hằng tháng, tránh gây suy giáp cho mẹ và bé.

Những thai phụ bị dị ứng thuốc, không thể điều trị với thuốc kháng giáp tổng hợp có thể lựa chọn phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt tuyến giáp cần được cân nhắc chặt chẽ vì nguy cơ biến chứng cao trong gây mê, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của cả mẹ và con.

Chống chỉ định điều trị i ốt phóng xạ cho phụ nữ mang thai vì i ốt phóng xạ qua nhau thai gây mất chức năng tuyến giáp của thai nhi.

4. Cường giáp dễ tái phát và tiến triển nặng sau sinh

Khám bệnh
Theo dõi sát chặt chức năng tuyến giáp sau sinh nhằm hạn chế nguy cơ cường giáp tái phát và gây biến chứng nặng

Thông thường, phụ nữ bị cường giáp sau khi sinh bệnh sẽ nặng hơn (trong 3 tháng đầu sau sinh). Do đó, cần tăng liều thuốc kháng giáp trong thời điểm này. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần được giám sát chặt chức năng tuyến giáp. Trẻ sơ sinh có thể bú sữa mẹ nếu người mẹ được điều trị bằng PTU vì PTU gắn với protein máu cao, ít qua sữa mẹ hơn các loại thuốc điều trị cường giáp khác.

Thời gian điều trị và theo dõi cường giáp khá dài. Nguy cơ tái phát cường giáp sau sinh là khá cao vì ở thời điểm này sản phụ quá bận rộn nên không chú trọng tới việc khám sức khỏe định kỳ. Đã có nhiều trường hợp nhập viện với tình trạng xấu do cường giáp tái phát.

Do đó, sau khi sinh, sản phụ cần đặc biệt chú ý tới việc tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ trong việc tái khám định kỳ và sử dụng thuốc theo chỉ định. Việc này tránh để tình trạng cường giáp ngày càng nặng hơn hoặc chuyển sang trạng thái suy giáp do dùng thuốc quá liều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và bé. Đồng thời, bên cạnh việc dùng thuốc và tái khám theo dõi, người mẹ cũng cần chú ý tới chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và ăn uống, hạn chế căng thẳng, lo âu,...

5. Cách phòng ngừa rối loạn tuyến giáp cho phụ nữ sau sinh

Phòng ngừa rối loạn tuyến giáp sau sinh
Tập thể dục sau sinh nhằm phòng ngừa nguy cơ rối loạn tuyến giáp

Để phòng ngừa nguy cơ rối loạn tuyến giáp sau sinh, phụ nữ mới sinh nên chú ý tới những điều sau:

  • Ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều trái cây, các loại ngũ cốc, thịt nạc vào chế độ ăn,... Đây là nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe và tốt cho sữa mẹ;
  • Tập thể dục sau sinh, khởi đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng dần cường độ theo tình trạng sức khỏe bản thân;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Người bị cường giáp nên hạn chế thức ăn nhiều i ốt và các chế phẩm từ sữa như cá biển, tảo bẹ, cua biển, nước mắm, muối i ốt, phô mai, bơ, kem, sữa chua,...

Nếu băn khoăn về bệnh cường giáp, đặc biệt khi có ý định mang thai, sinh con, tốt nhất người bệnh nên đi khám chuyên khoa nội tiết tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để được thăm khám và nhận được lời khuyên chính xác nhất.

Vinmec Times City là địa chỉ khám nội tiết được nhiều khách hàng lựa chọn vì:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân;
  • Cơ sở vật chất tiện nghi, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, hỗ trợ tốt nhất cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh;
  • Cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện;

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan