Dấu hiệu HIV có khác nhau ở nam và nữ?

Dấu hiệu của HIV ở nữ và triệu chứng HIV ở nam giới đa phần tương tự nhau, tuy nhiên vì mỗi cá thể là duy nhất, do đó biểu hiện trên mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Vậy dấu hiệu HIV ở nam và nữ khác nhau như thế nào?

1. Dấu hiệu chung của HIV ở nam và nữ

Ở giai đoạn đầu của bệnh, khoảng từ 2 tới 4 tuần sau khi lây nhiễm, bệnh nhân sẽ cảm thấy các biểu hiện như bị cảm cúm. Đó là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng với virus, và các triệu chứng có thể kéo dài tới vài tuần.

Khi bị nhiễm HIV cấp tính, các triệu chứng có thể xuất hiện là:

  • Ớn lạnh.
  • Mệt mỏi.
  • Sốt.
  • Loét sinh dục.
  • Loét miệng.
  • Đau cơ.
  • Đổ mồ hôi ban đêm.
  • Phát ban.
  • Loét họng.
  • Sưng hạch bạch huyết.

Có một số người không xuất hiện các triệu chứng sớm của HIV, do đó hãy đi xét nghiệm nếu nghi ngờ bản thân đã phơi nhiễm với HIV.

Một lý do nên đi xét nghiệm HIV sớm đó là phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Biết sớm bản thân nhiễm HIV sẽ giúp ích cho quá trình điều trị và chăm sóc chính bản thân người bệnh, cũng như giúp bạn tình biết để xét nghiệm sớm và có các biện pháp dự phòng.

Bệnh lao hạch không lây
Sưng hạch bạch huyết có thể là dấu hiệu của nhiễm HIV cấp tính

2. Dấu hiệu của HIV ở nữ mà không có ở nam giới

Tuy cả nam giới và phụ nữ thường có các biểu hiện giống nhau khi nhiễm HIV, nhưng có một số dấu hiệu của HIV ở nữ sẽ không có ở nam giới:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: lượng kinh có thể ít đi hoặc nhiều lên, lỡ kỳ kinh hoặc trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt một cách tồi tệ. Tình trạng căng thẳng hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (vốn hay gặp trên bệnh nhân nhiễm HIV) có thể là nguyên nhân gây ra các thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên những thay đổi này cũng có thể là do tác động của HIV lên hệ miễn dịch dẫn tới ảnh hưởng nội tiết tố của cơ thể.
  • Đau vùng bụng dưới: đây là một trong các biểu hiện của nhiễm khuẩn tử cung, buồng trứng và ống fallop, gọi là viêm vùng chậu (Pelvic inflammatory disease - PID). Với nhiều phụ nữ, đó là một trong những cảnh báo đỏ đầu tiên cho thấy họ đã nhiễm HIV. Bên cạnh đau vùng bụng dưới, viêm vùng chậu có thể gây ra:
  • Nhiễm nấm âm đạo: rất nhiều phụ nữ nhiễm HIV thường xuyên bị nhiễm nấm âm đạo, tới vài lần mỗi năm. Đôi khi đó là triệu chứng đầu tiên cho thấy cơ thể đã nhiễm HIV. Khi bị nhiễm nấm, các biểu hiện có thể gặp là:
    • Dịch tiết âm đạo trắng đục.
    • Đau khi quan hệ tình dục.
    • Đau khi đi tiểu.
    • Âm đạo ngứa, bỏng rát.

Cả nam giới và phụ nữ nhiễm HIV đều có thể bị nhiễm nấm miệng, gây nên triệu chứng sưng và tạo ra mảng bám dày, màu trắng bao phủ miệng, lưỡi, và họng.

3. Phải làm gì khi nghi ngờ bản thân đã phơi nhiễm HIV?

Nếu cơ thể xuất hiện một hoặc một vài triệu chứng đã nêu trên, chưa chắc đã phải nhiễm HIV. Rất nhiều các căn bệnh khác như cảm cúm, có thể gây ra các dấu hiệu tương tự. Do đó nếu nghi ngờ bản thân đã phơi nhiễm HIV, dù có triệu chứng hay không cũng nên đi làm xét nghiệm HIV để có kết quả chắc chắn.

Một điều rất quan trọng khác đó là hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt hoặc tới ngay phòng cấp cứu nếu nghĩ bản thân đã bị phơi nhiễm với HIV, để được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên hiệu lực của phương pháp điều trị chỉ giới hạn trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm bị phơi nhiễm. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dự phòng với liều uống từ một tới hai lần mỗi ngày trong 28 ngày liên tục.

Thời điểm nào xét nghiệm HIV cho kết quả chính xác nhất?
Nếu nghi ngờ bản thân đã phơi nhiễm HIV thì nên đi làm xét nghiệm HIV để có kết quả chắc chắn

4. Điều gì diễn ra sau khi giai đoạn đầu nhiễm HIV qua đi?

Sau khi các triệu chứng giống như cảm cúm diễn ra trong vài tuần đầu tiên biến mất, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn không triệu chứng hay còn gọi là giai đoạn nhiễm HIV mạn tính. Giai đoạn này đặc trưng bởi sự biến mất của các triệu chứng, cơ thể bệnh nhân có vẻ khá hơn, tuy nhiên HIV vẫn tiếp tục quá trình nhân lên không ngừng. Và đa số các bệnh nhân HIV ở giai đoạn này không có bất kỳ biểu hiện nào.

Nếu bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng liệu pháp kháng virus mỗi ngày, bệnh có thể ngừng tiến triển và thời gian sống của bệnh nhân có thể kéo dài gần tương đương với người bình thường. Do đó việc phát hiện sớm và được điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, vừa giúp kiểm soát tiến triển của bệnh, vừa giúp ngăn chặn sự lây truyền HIV sang người khác.

Nếu bị nhiễm HIV, để ngăn ngừa lây truyền sang người khác, bên cạnh sử dụng liệu pháp kháng virus, người bệnh còn phải tiến hành nhiều phương pháp khác, trong đó có việc cởi mở về tình trạng bệnh lý của bản thân với bạn tình và sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Web MD

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

169.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan