Đau vùng thắt lưng - Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Bài viết được viết bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Trần Văn Chương - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đau vùng thắt l­ưng rất thư­ờng gặp trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt và trong cuộc sống hàng ngày, theo Tổ chức Y tế Thế giới đau thắt l­ưng là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở những ng­ười d­ưới 45 tuổi; tỷ lệ đau thắt lư­ng hàng năm khoảng 5% dân số; 50% ngư­ời đau thắt lư­ng ở trong độ tuổi lao động.

Có nghiên cứu cho rằng 60 đến 90% ngư­ời trưởng thành bị đau vùng thắt l­ưng ít nhất 1 lần trong đời. Hàng năm có khoảng 5,4 triệu ng­ười ở Mỹ trở thành khuyết tật do đau lưng gây nên, chi phí ở Mỹ cho đau thắt lư­ng hàng năm khoảng 63 đến 80 tỷ đô la trong đó 16 tỷ đô la cho điều trị.

1. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng thắt lưng, trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Các cơ này duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống, đồng thời giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo vận động chung của cơ thể như đi lại, chạy nhảy, nâng đồ vật, tập thể dục, thể thao... Đau vùng thắt lưng do hoạt động hàng ngày quá sức; bê, nâng vật nặng; động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần; ngồi hoặc đứng quá lâu; vận động không đúng tư thế.

Đau vùng thắt lưng có thể do các bệnh khớp khối u cột sống; viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống; bệnh mạch máu như phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng; bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng... Tuy nhiên để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng thắt lưng còn là vấn đề phức tập, người ta cho rằng có hơn 85% đau vùng thắt lưng không có chẩn đoán xác định.

2. Điều trị

Đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị cơ bản là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Có nhiều biện pháp điều trị đau vùng thắt lưng như thuốc chống viêm giảm đau, thuốc giãn cơ, vật lý trị liệu trong đó tập luyện để làm mạnh các cơ bảo vệ và hỗ trợ cột sống là một trong các biện pháp hiệu quả có thể phối hợp với tất cả các phương pháp điều trị khác. Vấn đề cơ bản và quan trọng của điều trị là phục hồi lại chức năng vận động của vùng thắt lưng và phòng ngừa đau tái phát. Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp, đau lưng tái phát và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể:

1. Đứng

Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra đặc biệt là dùng giày hoặc guốc cao gót.

Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân
Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân

2. Ngồi

Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn cột sống này.

Tư thế ngồi đúng
Tư thế ngồi đúng

3. Bê hoặc nâng đồ vật lên

Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:

  • Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc
  • Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống)
  • Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra.
  • Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng).
  • Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn.
  • Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường
Bê hoặc nâng đồ vật lên
Bê hoặc nâng đồ vật lên đúng cách

4. Bê và mang đồ vật đi

Khi muốn bê và mang một vật nào đó đi chỗ khác, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình cũng như vị trí và khoảng cách của vật đó đối với cơ thể. Một số vấn đề cần chú ý như sau:

  • Bê vật đó lên như đã hướng dẫn ở trên
  • Ôm chắc vật cần mang đi bằng hai tay.
  • Giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang Ngực - Thắt lưng.
  • Giữ cột sống thẳng, giữ đoạn thắt lưng ở độ ưỡn bình thường
  • Bước đi bình thường, thoải mái, không bước xiêu vẹo, xoắn vặn
Bê và mang đồ vật đi
Bê và mang đồ vật đi đúng cách

5. Lấy đồ vật ở trên cao

Khi muốn lấy đồ vật nào đó ở độ cao trên vai trở lên thì cần lưu ý:

  • Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên.
  • Không cố để với lấy đồ vật bằng cách kiễng chân lên.
  • Thu xếp đồ dùng xung quanh cho có diện tích đủ rộng để không phải với lấy đồ vật qua bàn, qua tủ, ở tư thế không thoải mái
Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên
Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên

6. Kéo hoặc đẩy đồ vật đi

Nếu có thể chọn nên dùng cách đẩy hơn là kéo, nhất là với những đồ vật to, nặng. Khi kéo hoặc đẩy cũng cần lưu ý đến tư thế của cột sống và các khớp, khoảng cách giữa hai chân, các động tác phối hợp như sau:

  • Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc
  • Hai gối hơi gấp
  • Kéo hoặc đẩy trọng lượng của cơ thể trên hai chân để tạo nên lực kéo hoặc đẩy đồ vật đó đi. Không đẩy hoặc kéo đồ vật đó bằng cơ lưng.
  • Giữ độ ưỡn của đoạn thắt lưng ở mức bình thường.
Kéo hoặc đẩy đồ vật đi đúng cách
Kéo hoặc đẩy đồ vật đi đúng cách

Trong một số trường hợp như sau chấn thương, sau phẫu thuật, cong vẹo cột sống, thoát vị đệm, đau thần kinh toạ, đau vùng thắt lưng...tập luyện phục hồi chức năng cột sống được kết hợp với sử dụng nẹp trợ giúp cột sống.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Xuân Nghiên, Cao Minh Châu, Trần Văn Chương, Vũ Thị Bích Hạnh (2010), “Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng - Sách chuyên khảo dùng cho cán bộ ngành Phục hồi chức năng”, Nhà xuất bản Y học.
  2. Bộ Y tế ( 2005), “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện”, Nhà xuất bản Y học
  3. John J.Gerhardt/Jules Rippstein (1990), “Measuring and Recording of Joint Motion”, Hogrefe &Huber; Publishers.
  4. R.D.Lockhart, “Living Anatomy”, Faber and Faber limited.
  5. John V. Basmajian & Steven L.Wolf (1990), “Therapeutic Exercise”, Williams &Wilkins.;
  6. Lorraine Williams Pedretti (1985), “Occupational Therapy - Practice skills for physical dysfunction”, The C.V. Mosby Company.
  7. Rene Cailliet (1994), “Understand Your Backache”, F. A. Davis Company
  8. Rosemary Hagedorn (1992), “Occupational Therapy: Foundations for Practice”, Churchill Livingstone.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

254.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan