Đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh rất dễ mắc và rất dễ tái phát, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cũng như giới tính. Nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát không chỉ gây khó chịu do các triệu chứng viêm nhiễm, kích thích bàng quang mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

1. Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu ở người gồm có niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam), niệu quản và hai thận. Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm khuẩn một hoặc nhiều phần của hệ tiết niệu, đặc trưng bởi sự xuất hiện của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc triệu chứng biểu hiện sự xâm nhập của vi khuẩn ở các cơ quan. Theo phương diện giải phẫu, có thể chia bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu thành hai nhóm là:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên: là tình trạng nhiễm khuẩn từ thận đến miệng niệu quản trong thành bàng quang, vị trí nhiễm khuẩn thường gặp là nhu mô thận và thành của đài bể thận, bệnh lý đặc trưng là viêm đài - bể thận cấp. Người bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, rét run, đau thắt lưng một bên, đái buốt, đái rắt, đái máu, nước tiểu đục. Triệu chứng toàn thể là buồn nôn, nôn, cơ thể mệt mỏi, gầy sút, mất ngủ.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: là tình trạng nhiễm khuẩn bàng quang, niệu đạo và cả bộ phận sinh dục của nam giới là tinh hoàn, tiền liệt tuyến. Các hình thái nhiễm trùng tiết niệu dưới có thể gặp là: viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn cấp, viêm mào tinh hoàn... Nếu bị viêm bàng quang cấp, người bệnh thường không sốt. Tuy nhiên, nếu viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn thì thường sốt cao 39 - 40 độ. Xuất hiện các triệu chứng kích thích bàng quang như đái buốt, đái rắt, nước tiểu đục, đau tức hạ vị. Nếu viêm mào tinh hoàn hoặc viêm tinh hoàn thì có triệu chứng đau nhức bìu dữ dội.
Nhiễm khuẩn tiết niệu là do vi khuẩn
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do vi khuẩn gây nên

Nhiễm khuẩn tiết niệu trên và nhiễm khuẩn tiết niệu dưới có thể xảy ra đồng thời hoặc độc lập với nhau. Phần lớn các trường hợp là có triệu chứng tuy nhiên một số ít trường hợp không có triệu chứng, nhiễm khuẩn tiết niệu được phát hiện ra khi xét nghiệm nước tiểu có vi khuẩn.

E. coli là nguyên nhân của hơn 75% các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Các vi khuẩn thường gặp khác là: liên cầu nhóm D, tụ cầu vàng, Leptospira, Salmonela, vi khuẩn kỵ khí Mycoplasma, Corynebacteria,... Vi khuẩn xâm nhập các cơ quan hệ tiết niệu qua 4 con đường chính là:

  • Vi khuẩn di chuyển ngược dòng, từ niệu đạo, tới bàng quang sau đó lên tới thận. Đây là con đường xâm nhập chủ yếu của vi khuẩn.
  • Nhiễm khuẩn theo đường máu, loại vi khuẩn hay xâm nhập theo đường máu là cầu khuẩn, thường gây tổn thương và tạo áp xe ở vỏ thận.
  • Vi khuẩn xâm nhập theo đường bạch huyết: nhiễm khuẩn ở đại tràng qua hệ thống bạch mạch có thể tới đường tiết niệu. Tuy nhiên, đường nhiễm khuẩn này ít gặp trong thực tế.
  • Vi khuẩn từ các cơ quan kế cận như ổ áp xe trong ruột thừa, viêm đại tràng,... có thể gây nhiễm khuẩn bàng quang.

2. Đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát

Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh rất thường gặp, bệnh có thể xảy ra ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi.

  • Ở phụ nữ, do cấu tạo niệu đạo ngắn nên nếu không vệ sinh đúng cách trong thời kỳ kinh nguyệt, sau khi giao hợp hoặc sau khi đi đại tiện, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập bàng quang gây nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần. Các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu khác ở phụ nữ là do bất thường giải phẫu, lỗ tiểu bị hẹp, túi thừa niệu đạo,... do phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố và pH nước tiểu thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở nam giới là: quan hệ tình dục không an toàn, các nguyên nhân gây cản trở, gây tắc việc thoát nước tiểu như hẹp niệu quản, sỏi, xơ cứng cổ bàng quang, hẹp niệu đạo,... Ở nam giới cao tuổi, nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp nhất là phì đại tuyến tiền liệt gây chèn ép niệu đạo dẫn đến ứ đọng nước tiểu.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em thường do dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh.
Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra ở mọi lứa tuổi
Nhiễm trùng tiết niệu có thể xảy ra ở mọi giới tính và lứa tuổi

Nhiễm trùng tiết niệu nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Nếu các nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp như viêm bàng quang, viêm niệu đạo không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng gây viêm thận, viêm bể thận cấp. Nhiễm khuẩn tại thận gây hủy hoại thận, áp xe thận, suy thận. Đặc biệt, tất cả các nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng sốt như viêm tuyến tiền liệt, viêm thận bể thận,... vi khuẩn từ vị trí nhiễm khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng.

Để ngăn ngừa các biến chứng và đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát cần lưu ý một số điểm sau:

  • Khi có các triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu, cần tích cực điều trị, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng như được kê đơn, tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị, không tự ý ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, không được dùng đơn thuốc của những lần điều trị trước sử dụng khi nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát.
  • Ở phụ nữ, cần đặc biệt chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục. Sau khi đại tiện, tiểu tiện chú ý vệ sinh hướng từ trước ra sau, không thực hiện theo hướng ngược lại vì vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập niệu quản. Lựa chọn loại vệ sinh dung dịch phụ nữ phù hợp, sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Với những bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát trên 2 lần trong 6 tháng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng liều thấp trong nhiều tháng.
  • Điều trị triệt để bệnh viêm tuyến tiền liệt, đây là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát ở nam giới.
  • Uống nhiều nước, khoảng hơn 2 lít một ngày. Không nhịn tiểu, việc nhịn tiểu sẽ gây tồn đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu nhiều lần, nếu thực hiện các biện pháp trên mà không cải thiện, nên đi khám chuyên khoa thận - tiết niệu để kiểm tra cơ thể có các dị dạng thận tiết niệu hoặc sỏi thận tiết niệu hay không.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến). Các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu... để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan