Các câu hỏi thường gặp về Covid-19 và bệnh tim mạch

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Tôi bị bệnh tim thì có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 hơn những người không bị bệnh tim không?

Câu trả lời là không, bởi bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus. Tuy nhiên, những người có bệnh tim tiềm ẩn có khả năng biểu hiện triệu chứng hoặc bệnh nặng hơn những người khác, nguy cơ tử vong do nhiễm COVID-19 cũng cao hơn. Quan sát này cũng đúng đối với những người có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp hoặc béo phì.

2. Nguy cơ phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có giống nhau đối với tất cả bệnh nhân bị bệnh tim hay có sự khác biệt?

Cơ sở của việc lây nhiễm là như nhau cho tất cả các cá nhân. virus được truyền qua các giọt nhỏ trong không khí từ người bị bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; hoặc khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm. Vì virus có thể tồn tại trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày trên các bề mặt như bàn và tay nắm cửa.

Một khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ gây tổn thương trực tiếp đến phổi và gây ra phản ứng viêm, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch theo hai cách:

  • Thứ nhất, bằng cách xâm nhập vào phổi, lượng oxy trong máu giảm xuống
  • Thứ hai là tác động gây viêm của virus có thể gây tụt huyết áp. Khi đó, tim phải đập nhanh hơn và gắng sức hơn để cung cấp đủ oxy cho các cơ quan khác.

Ngay cả các yếu tố nguy cơ tim mạch (như tiểu đường, béo phì, bệnh thận mạn tínhtăng huyết áp) cũng được cho là có liên quan đến mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao hơn khi nhiễm COVID-19. Trong đó một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ bệnh rất nặng và tử vong rất cao khi nhiễm virus như:

  • Những người bị suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân cấy ghép tạng, bệnh nhân ung thư đang được hóa trị hoặc xạ trị, bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết, có bệnh lý tim mạch đi kèm thuộc nhóm nguy cơ cao nhất khi mắc Covid 19
  • Nhóm nguy cơ cao khác là người già yếu, phụ nữ có thai mắc đồng thời bệnh tim mạch
  • Người mắc các bệnh như suy tim, bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim tiến triển khác, bệnh tim bẩm sinh.

Không có bằng chứng cho thấy virus lây nhiễm sang các thiết bị cấy ghép như máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim hoặc gây viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ở những người bị bệnh van tim.

Covid-19 và bệnh tim mạch
Người có bệnh tim tiềm ẩn có nguy cơ tử vong do nhiễm COVID-19 cao hơn

3. Tôi bị Hội chứng Brugada, có biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào mà tôi phải thực hiện không?

Nếu bệnh nhân mắc Hội chứng Brugada thể đặc biệt dễ bị rối loạn nhịp tim gây tử vong khi có yếu tố thúc đẩy như nhiệt độ cơ thể vượt quá 39oC, cần phải chú ý điều trị hạ sốt tích cực bằng paracetamol và chườm lạnh.

4. Tôi bị rung nhĩ thì có nguy cơ bị nhiễm coronavirus cao hơn không?

Rung nhĩ tự nó không làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, bệnh nhân rung nhĩ thường đã lớn tuổi và mắc các bệnh lý khác, như suy tim, tăng huyết áp và tiểu đường, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu bị nhiễm Covid 19.

5. Tôi đã đọc rằng coronavirus có thể gây ra các vấn đề về tim như cơn đau tim hoặc loạn nhịp tim, điều này có đúng không?

Dựa trên khả năng gây viêm của virus, về mặt lý thuyết có thể tạo điều kiện cho các mảng xơ vữa động mạch vành bị vỡ, dẫn đến cơn đau tim. Nếu cảm thấy đau ngực, nặng khó chịu ở ngực khi nhiễm Covid 19 thì nên đến bệnh viện để kiểm tra sớm.

Tình trạng viêm toàn thân nặng có thể làm nặng thêm rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí gây ra rung nhĩ ở một số người. Phản ứng viêm cấp tính do nhiễm virus có thể làm suy giảm chức năng tim và thận.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp điều trị phòng ngừa. Vì vậy, chúng ta nên tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo để ngăn ngừa bị nhiễm bệnh như tiêm chủng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên v.v.

6. Những bệnh nhân tim mạch đồng thời mắc bệnh tiểu đường và / hoặc tăng huyết áp có nguy cơ cao hơn không?

Dữ liệu cho thấy một tỷ lệ đáng kể những bệnh nhân nhiễm Covid 19 tử vong và bệnh nhân nặng cần nhập khoa chăm sóc đặc biệt có các bệnh đi kèm như đái tháo đường và tăng huyết áp. Nguyên nhân chưa rõ ràng. Có khả năng do tỷ lệ mắc tăng huyết áp và đái tháo đường cao ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi (trên 70 tuổi), đây cũng là nhóm có tỷ lệ tử vong do nhiễm COVID-19 là cao nhất.

Có ý kiến cho rằng có liên quan đến thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (A2RB / ARB) là những thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu chứng minh giả thuyết này. Cho đến nay Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiếp tục sử dụng các loại thuốc này (vì lợi ích đã được chứng minh) khi theo dõi bệnh nhân cao huyết áp và tiểu đường.

7. Có báo cáo rằng COVID-19 có thể gây viêm cơ tim ,viêm màng ngoài tim. Nếu đã bị viêm cơ tim /viêm màng ngoài tim trước đây, có dễ bị viêm tim lần thứ hai hơn không?

Không có bằng chứng nào cho thấy một người đã từng bị viêm cơ tim /viêm màng ngoài tim trước đây có nguy cơ cao bị biến chứng tương tự với COVID-19. Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ viêm cơ tim bao nhiêu ở bệnh nhân nhiễm Covid 19 và tim hồi phục như thế nào sau khi bị viêm cơ tim do COVID-19.

Viêm cơ tim cấp có thể làm giảm thêm chức năng tim và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở bệnh nhân suy tim trước đó

8. Tôi đã chủng ngừa cúm và phế cầu trong năm nay, tôi có được bảo vệ khỏi virus này không?

Không. Thuốc chủng ngừa viêm phổi, như vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm, không bảo vệ chống lại vi-rút mới coronavirus. Do vậy, bạn nên tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19.

9. Tôi có thể bị lây nhiễm COVID-19 từ thú cưng của mình không?

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy con người có thể bị lây bệnh từ những động vật nuôi thông thường trong gia đình như chó và mèo.

Covid-19 và bệnh tim mạch
Hầu hết những người đã khỏi bệnh nhiễm COVID-19 đều có kháng thể chống lại virus trong máu của họ

10. Tôi có thể nhiễm COVID-19 nhiều hơn một lần không?

Nghiên cứu hiện tại cho thấy hầu hết những người đã khỏi bệnh nhiễm COVID-19 đều có kháng thể chống lại virus trong máu của họ. Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh hoa kỳ (CDC), chúng ta vẫn có thể bị tái nhiễm Covid 19, nhưng hiếm. Hiện đang có nghiên cứu để tìm hiểu thêm về các kháng thể và khả năng miễn dịch đối với COVID-19.

Những virus khác như cúm và cảm lạnh thông thường có thể bị mắc nhiều lần do cách virus thay đổi theo thời gian. Hiện nay với sự xuất hiện của các biến thể mới của vi-rút COVID-19, điều này có thể xảy ra.

Vì vậy, ngay cả khi đã từng nhiễm Covid 19, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa tái nhiễm

11. Tôi có nên thay đổi bất kỳ liều thuốc tim nào của mình không?

Điều rõ ràng là ngừng hoặc thay đổi thuốc tim mạch đang điều trị có thể rất nguy hiểm và có thể làm cho tình trạng bệnh tim nặng lên. Có giả thuyết cho rằng một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao (được gọi là Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin) có thể làm tăng cả nguy cơ nhiễm và mức độ nặng khi nhiễm Coronavirus. Tuy nhiên, cảnh báo này không có cơ sở khoa học hoặc bằng chứng xác thực để chứng minh. Do đó, bạn nên tiếp tục uống thuốc điều trị huyết áp theo đúng chỉ định.

Những bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, chẳng hạn như sau khi cấy ghép tim, nên tiếp tục dùng những loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ. Giảm liều có thể gây nguy cơ bị thải ghép.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

136 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan