F0 điều trị tại nhà nên ăn gì?

F0 không triệu chứng có thể điều trị COVID-19 tại nhà nhưng vẫn có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, dẫn đến cơ thể suy kiệt, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Do đó, dinh dưỡng vốn rất quan trọng với người đang điều trị COVID-19 tại nhà. Vậy f0 nên ăn uống gì và f0 có kiêng ăn gì không?

1. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân f0 điều trị tại nhà

Bệnh nhân nhiễm virus SARS CoV 2 có thể gặp các triệu chứng sốt, ho, khó thở hay suy hô hấp trong một khoảng thời gian kéo dài. Vì vậy, sau khoảng thời gian điều trị bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh thường sụt giảm kèm suy yếu chức năng các cơ quan hô hấp, tiêu hóa. Hệ quả là người bệnh mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau.

Tình trạng suy dinh dưỡng làm khối cơ trong cơ thể suy giảm cả về số lượng và chức năng, đồng thời kéo theo ảnh hưởng không tốt đến mô mỡ và xương khớp, cuối cùng làm cho cơ thể người bệnh bị suy kiệt theo. Đồng thời, sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy giảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng đồng thời.

Chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể hồi phục nhanh chóng, qua đó cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và phục hồi sức khỏe tổng thể cho người bệnh. Vậy f0 nên ăn uống gì?

f0 nên ăn uống gì
F0 nên ăn uống gì? là thắc mắc của nhiều người bệnh mắc F0

2. F0 nên ăn uống gì?

Theo thống kê ở những bệnh nhân Covid-19 của Bộ Y tế, đa số trường hợp là không có triệu chứng (khoảng 80%) và số còn lại có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, bất kể là người khỏe mạnh, F0 không triệu chứng hay có triệu chứng hay có kèm theo các bệnh lý nền... thì đều cần xây dựng và tuân thủ một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, phù hợp và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng và tốc độ phục hồi để chống lại virus, hạn chế tối đa nguy cơ suy kiệt cơ thể và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

2.1. F0 không triệu chứng

F0 nên ăn uống gìf0 kiêng ăn gì phụ thuộc vào mức độ bệnh. Đối với trường hợp f0 không có triệu chứng, chế độ dinh dưỡng tương tự người khỏe mạnh bình thường. Trong đó phải đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu, đa dạng và phối hợp các loại thực phẩm, đồng thời cần thay đổi thực đơn thường xuyên. Khẩu phần ăn mỗi ngày nên phối hợp và xây dựng tỷ lệ cân đối các chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm chất đạm (protein), chất béo (cả mỡ động vật và dầu thực vật), carbohydrate và các vitamin, khoáng chất.

Với F0 là người trưởng thành, lượng protein cung cấp hằng ngày nên chia theo tỷ lệ 1⁄3 nguồn gốc động vật và 2⁄3 các loại đạm thực vật. Tuổi tác càng cao lượng protein từ động vật nên giữ ở mức vừa phải. Ngược lại với f0 là trẻ em, lượng protein từ động vật đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể, do đó lượng đạm nên chia theo tỷ lệ là 2⁄3 từ động vật và 1⁄3 từ thực vật trong các bữa ăn hàng ngày.

F0 nên ăn trái cây gì? Chế độ dinh dưỡng mỗi ngày của f0 không triệu chứng nói chung nên tăng cường rau xanh (số lượng khoảng 300-400g/ngày) và trái cây tươi (khoảng 200-300g/ngày). Lượng rau quả này là nguồn cung cấp chính các loại vitamin và khoáng chất, hỗ trợ quá trình chống oxy hóa. Các vitamin thiết yếu như A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm... mang lại khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và hệ thống miễn dịch.

Một số lưu ý khác trong chế độ ăn của f0 không triệu chứng:

  • Trong quá trình chế biến món ăn, f0 nên sử dụng thêm các loại gia vị có tính kháng sinh như hành, tỏi, sả, gừng...;
  • Đảm bảo tối đa mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cả trước, trong và sau khi chế biến. Luôn luôn ăn chín, uống sôi;
  • Lưu ý bổ sung đủ nước theo nhu cầu: Người trưởng thành cần uống khoảng 1.6-2.4 lít nước/ngày (khoảng 8-12 ly thủy tinh). Bệnh nhân Covid 19 nguy cơ mất nước và các chất điện giải (như natri, kali...) khá cao nên cần phải tăng cường bổ sung để bù lại lượng đã mất. Các loại dung dịch khác có thể sử dụng là oresol, nước dừa, nước trái cây tươi như chanh, cam, bưởi, xoài hay nước ép rau má...;
  • F0 không triệu chứng tuyệt đối không chủ quan trong việc sử dụng rượu, bia vì ảnh hưởng đến việc theo dõi diễn biến, triệu chứng bệnh. Đồng thời, f0 nên hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có ga.
ăn sạch sống khỏe
F0 nên ăn uống gì? Người bệnh nên bổ sung nước theo nhu cầu cơ thể

2.2. F0 triệu chứng nhẹ

Chế độ ăn của f0 có triệu chứng nhẹ vẫn phải đảm bảo các yêu cầu tương tự trường hợp không triệu chứng. Tuy nhiên, do gặp các triệu chứng như sốt, ho, mất khứu giác... và đặc biệt là yếu tố tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên f0 có triệu chứng nhẹ thường cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn hoặc ăn không ngon. Do đó, chế độ ăn mỗi ngày nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (tốt nhất là khoảng 5 bữa), không nên cố gắng ăn quá no gây cảm giác khó thở, dễ gây nhầm lẫn với diễn biến của Covid 19. Đồng thời, f0 triệu chứng nhẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Món ăn nên ưu tiên chế biến ở dạng mềm, thái hay cắt nhỏ, nấu kỹ để hỗ trợ khả năng tiêu hóa và hấp thu;
  • Lựa chọn các món luộc, hấp để thay thế cho món ăn chiên, rán hay nướng vì không tốt cho tiêu hóa;
  • Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa với số lượng 2 cốc mỗi ngày, đặc biệt là các loại sữa năng lượng cao;
  • F0 ăn uống không ngon hoặc ăn khó tiêu có thể bổ sung lợi khuẩn (probiotic) 2 lần/ngày, bổ sung viên đa Vitamin-Khoáng chất cho người trưởng thành hoặc siro, cốm đa Vitamin-Khoáng chất cho trẻ em.

2.3. F0 kèm bệnh lý nền

Bệnh nhân Covid 19 đồng mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì... phải tuân thủ phác đồ điều trị của nhân viên y tế và tuân theo chế độ ăn bệnh lý với mục đích hạn chế và đẩy lùi diễn biến nặng.

Việc tuân thủ đúng và nghiêm ngặt chế độ ăn bệnh lý sẽ phần nào hỗ trợ tăng hiệu quả các loại thuốc điều trị Covid 19. Với mỗi loại bệnh nền sẽ có chế độ ăn uống khác nhau, do đó việc xây dựng và thực hiện cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Ví dụ bệnh nhân đái tháo đường và nhiễm SARS CoV 2 nên lựa chọn chế độ ăn uống tùy theo chỉ số đường huyết. F0 tăng huyết áp cần hạn chế bổ sung muối vào chế độ ăn tùy theo các mức độ khác nhau, bao gồm chế độ ăn nhạt khoảng 1-2g muối/ngày (tương đương 400-700mg natri/ngày), chế độ ăn nhạt vừa 2-3g muối ăn/ngày (tương đương 800-1.200 mg natri/ngày), chế độ ăn nhạt hoàn toàn khoảng 200-300mg natri/ngày và lượng natri này bổ sung từ các loại thực phẩm thay vì từ muối ăn.

2.4. F0 triệu chứng nặng điều trị tại bệnh viện

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid 19 triệu chứng nặng điều trị tại bệnh viện sẽ phụ thuộc vào mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh viện. Bệnh nhân triệu chứng nặng nhưng vẫn còn tỉnh táo có thể tự ăn uống chủ động. Đối với f0 suy giảm ý thức, rối loạn tri giác và không thể tự ăn sẽ được bác sĩ đặt ống sonde dạ dày nuôi ăn hoặc bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, f0 điều trị tại bệnh viện cần được hỗ trợ tăng cường các hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe và môi trường xung quanh, như tập thở, đi bộ hoặc chạy tại chỗ, tập yoga... với thời lượng khoảng 45-60 phút chia 2 lần/ngày.

bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch
F0 nên ăn uống gì? F0 triệu chứng nặng có thể bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch

3. Dinh dưỡng cho F0 sau nhiễm COVID-19 để phục hồi sức khỏe

Tương tự như chế độ dinh cho f0 điều trị tại nhà, năng lượng cung cấp cho cơ thể để f0 khỏi bệnh để hồi phục sức khỏe trong mỗi khẩu phần sẽ đến từ các thực phẩm thuộc 3 nhóm chất:

  • Chất bột đường (gạo, ngũ cốc, khoai, bắp...);
  • Đạm (thịt động vật, thịt gia cầm, thủy sản, đậu...);
  • Chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu, các loại hạt...).

Chế độ ăn hợp lý để hồi phục sức khỏe tốt nhất cần cung cấp đầy đủ về số lượng chất và có tỷ lệ hợp lý từ 3 nhóm chất: trong đó năng lượng từ đạm (protein) nên chiếm tỷ lệ từ 13-20%, năng lượng từ chất béo (lipid) nên chiếm từ 20-25% và năng lượng do chất bột đường (glucid) cung cấp nên chiến từ 55-65%.

Ví dụ, một bệnh nhân f0 khỏi bệnh cần được cung cấp tổng năng lượng là 2000kcal/ngày và với tỷ lệ năng lượng P:L:G (đạm:béo:bột đường) là 15:20:55 thì sẽ cần cung cấp 300 kcal từ 75g chất đạm, 400 kcal từ 45g chất béo và 1100 kcal từ 275g chất bột đường mỗi ngày.

Sau khỏi bệnh, người bệnh nên ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau và thay đổi thường xuyên trong ngày. Ngoài ra, bệnh nhân sau khỏi bệnh cũng nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật với tỷ lệ cân đối để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Vậy f0 không nên ăn gì sau khi khỏi bệnh? Bổ sung chất béo động vật là rất cần thiết, tuy nhiên f0 khỏi bệnh nên chọn chất béo có nguồn gốc từ cá, hạn chế các chất béo từ gia cầm (gà, vịt...), động vật có vú (heo, bò...).

Bệnh nhân mới khỏi bệnh COVID-19 nên chọn các loại protein có giá trị sinh học cao và cung cấp đa dạng các loại acid amin thiết yếu có vai trò duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể, củng cố lại hàng rào bảo vệ và hỗ trợ việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác.

Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân sau khi khỏi bệnh ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi khỏi bệnh. Đồng thời, việc thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu sẽ giúp các bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Giống với trong lúc mắc bệnh, f0 sau khi khỏi bệnh vẫn nên bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa trong ngày vì đây là nguồn cung các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, vừa dễ tiêu hóa vừa dễ hấp thu và do đó rất phù hợp với người mới khỏi bệnh.

Một nhóm chất dinh dưỡng quan trọng khác hỗ trợ cơ thể phục hồi chính là các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt quan trọng là các vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm... Và nguồn cung các chất này dồi dào nhất chính là các loại rau xanh, hoa quả tươi. Ngoài ra, rau quả tươi còn cung cấp chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, hạn chế táo bón và hạn chế hấp thu chất béo xấu (cholesterol). Nhu cầu rau xanh và hoa quả mỗi ngày khoảng 400-600g/người/ngày.

Bên cạnh đó, f0 không nên ăn gì cũng là một vấn đề quan trọng và cần đặc biệt lưu ý, bao gồm:

  • F0 sau khi khỏi bệnh không nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật, óc...;
  • Hạn chế nêm nếm quá nhiều muối hoặc sử dụng các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ khô, các thực phẩm muối chua...;
  • Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Đặc biệt không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

Tóm lại, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất sẽ giúp tình trạng sức khỏe f0 được cải thiện một cách đáng kể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan