Tập luyện và vận động thể chất cho trẻ sau nhiễm Covid

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong khi hầu hết trẻ phục hồi sau mắc Covid một cách hoàn toàn, đôi khi vi rút có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài. Một trong những tác động đó có thể là tổn thương cơ tim. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ hậu Covid, việc cho trẻ vận động thể chất trở lại cần cân nhắc đúng thời điểm và thận trọng về hình thức, giúp trẻ lấy lại sức khỏe tối ưu như trước khi mắc bệnh cũng như phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Lợi ích của việc cho trẻ vận động trở lại sau mắc Covid

Cho trẻ vận động bằng cách tham gia lại các môn thể thao, hoạt động thể chất với bạn bè sẽ có lợi cho cả sức khỏe và tâm lý đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Các hoạt động này sẽ cho phép trẻ phục hồi sau mắc Covid toàn diện, cải thiện sức khỏe tim mạch và sức cơ nói riêng.

Về mặt tinh thần, trẻ có thể qua lại trải nghiệm những lợi ích từ việc gia tăng xã hội hóa với bạn bè và huấn luyện viên. Như vậy, những lợi ích về tâm lý và thể chất này trong quá trình chăm sóc trẻ hậu Covid có thể giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, tập thể dục cũng có lợi cho hệ thống miễn dịch đáp ứng đầy đủ hơn.

2. Điều quan trọng cần biết khi cho trẻ vận động sau nhiễm Covid

Trẻ phục hồi sau mắc Covid chơi các môn thể thao có tính cạnh tranh sẽ có nguy cơ mắc biến cố tim mạch cao nhất. Dù rằng trẻ nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những tập luyện thể chất quá sớm, nhất là khi có cường độ nặng hay mang tính đối kháng, sau khi hồi phục Covid lại có nhiều khả năng gây căng thẳng cho cơ tim. Tuy vậy, không ai có thể chắc chắn rằng việc chạy quanh sân chơi ở trường tiểu học là hoàn toàn không có rủi ro đối với một đứa trẻ đã bị Covid-19.

Do đó, các bác sĩ Nhi khoa đã đưa ra các đồng thuận về khuyến nghị cho trẻ vận động trở lại tùy thuộc vào mức độ nhiễm Covid-19 như sau:

  • Mức độ nhẹ: Có ít hơn bốn ngày sốt trên 38 độ C và có ít hơn một tuần bị đau cơ, ớn lạnh hoặc mệt mỏi (bao gồm cả những trường hợp không có triệu chứng)
  • Mức độ trung bình: Có bốn ngày trở lên sốt hơn 38 độ C, kèm đau nhức cơ, ớn lạnh hoặc mệt mỏi một tuần trở lên; hoặc nằm viện (không nằm trong ICU) mà không có bằng chứng về hội chứng viêm đa hệ cơ quan xảy ra với Covid-19.
  • Mức độ nặng: Bất kỳ thời gian nhập viện và/ hoặc đặt nội khí quản tại ICU hoặc có bằng chứng về hội chứng viêm đa hệ cơ quan.

Theo đó, việc sàng lọc và đưa ra quyết định cho trẻ vận động trong nhóm mắc Covid-19 không có triệu chứng đến mức độ nhẹ là khó nhất. Thông thường, cha mẹ được hướng dẫn tốt nhất là chỉ được vận động khi trẻ phục hồi sau mắc Covid hoặc ít nhất 10 ngày sau khi xét nghiệm ra bệnh và trẻ không có triệu chứng. Tuy vậy, trong quá trình, chăm sóc trẻ hậu Covid, cha mẹ cũng nên đứa trẻ đi kiểm tra bất kỳ triệu chứng nào của các vấn đề về tim, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng:

  • Tức ngực
  • Khó thở nhiều
  • Đánh trống ngực mà chưa bao giờ có trước đây
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Đối với bất kỳ trẻ nào mắc bệnh Covid-19 mức độ trung bình hoặc nặng, trẻ luôn cần phải được kiểm tra các triệu chứng và thăm khám toàn diện trước khi cho trẻ vận động trở lại. Kế hoạch thăm khám phải có ít nhất 10 ngày sau khi trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút và không có triệu chứng trong ít nhất 24 giờ mà không dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau chứa acetaminophen hoặc ibuprofen nào.

Nếu trẻ đã từng mắc Covid mức độ nặng đến nguy kịch, tuyệt đối phải đến gặp bác sĩ Tim mạch và nên hạn chế hoạt động thể lực trong tối thiểu từ ba đến sáu tháng. Trẻ chỉ trở lại tập luyện khi bác sĩ Tim mạch cho biết mọi thứ đã ổn định.

3. Làm thế nào để giữ trẻ phục hồi sau mắc Covid an toàn khi trở lại chơi thể thao

Khi trẻ trở lại với các môn thể thao, điều quan trọng là cha mẹ phải chú ý đến các phàn nàn về đau ngực, tim đập nhanh hoặc khó chịu, khó thở không tương ứng với mức độ tập thể dục, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Nếu trẻ gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số đó hoặc các triệu chứng liên quan khác, hãy yêu cầu trẻ dừng hoạt động và đến bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.

Ngay cả khi trẻ đã bị nhiễm Covid, trẻ vẫn có thể bị lại. Do đó, điều quan trọng là cố gắng giảm nguy cơ tái nhiễm. Một số điều cần cân nhắc khi chọn một hoạt động cho trẻ là loại thể thao, nơi diễn ra, số lượng người chơi tham gia. Trong tất cả các trường hợp, các hoạt động ngoài trời luôn tốt hơn so với các hoạt động trong nhà. Lý do là vì các hoạt động này sẽ cho phép trẻ duy trì khoảng cách vật lý an toàn, chẳng hạn như chạy xe đạp, bơi lội, nên ít rủi ro hơn các môn thể thao đòi hỏi sự tiếp xúc gần như bóng đá, bóng rổ.

Bên cạnh đó, khi cho trẻ vận động trở lại và bất kể trẻ tham gia môn thể thao nào, cha mẹ hãy đảm bảo rằng mọi người tại đó đều tuân thủ các quy định an toàn Covid-19. Tất cả trẻ em, huấn luyện viên và cha mẹ nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách thân thiện, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh thích hợp, bao gồm rửa tay và/ hoặc sử dụng nước rửa tay. Các thành viên trong nhóm không nên dùng chung chai nước, khăn tắm hoặc dụng cụ thể thao khi có thể.

4. Khi nào cho trẻ vận động và đeo khẩu trang?

Những rủi ro và lợi ích của các môn thể thao trong nhà, cùng với sự phổ biến hiện nay của Covid-19 trong cộng đồng, cha mẹ cần xem xét cẩn thận khi đưa ra quyết định về việc tiếp tục cho trẻ vận động và tham gia các môn thể thao này. Chính vì đeo khẩu trang đã có nhiều bằng chứng ủng hộ là làm giảm tốc độ lây truyền của SARS-CoV-2, kể cả khi chơi thể thao trong nhà, tất cả các vận động viên (bất kể tình trạng tiêm chủng) cần được khuyến khích sử dụng đúng cách khẩu trang khi tập luyện, thi đấu trong nhà.

Dù vậy, trong một số trường hợp, vai trò của tính bảo vệ mà khẩu trang đem lại cần được so sánh với rủi ro mắc phải khi cho trẻ vận động và đeo khẩu trang. Do đó, cha mẹ có thể tránh cho trẻ đeo khẩu trang khi:

  • Cổ vũ thi đấu hay chơi thể dục dụng cụ vì nguy cơ khẩu trang có thể vướng vào đồ vật, gây nghẹt thở hoặc vô tình làm suy giảm thị lực.
  • Trong khi thi đấu đối kháng, khẩu trang có thể gây khó thở do giảm thông khí.
  • Trẻ chơi dưới nước, đi bơi, lặn hay tham gia các môn thể thao dưới nước, vì khẩu trang ướt có thể khó thở hơn.
  • Các môn thể thao biểu diễn bên ngoài trời có nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 thấp và có thể không cần đeo khẩu trang

Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần cân nhắc đặc biệt về nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thân nhiệt gia tăng quá mức khi trẻ chạy nhảy ngoài trời. Đồng thời, việc đeo khẩu trang cũng không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Tóm lại, khi học sinh quay trở lại trường học, phụ huynh của trẻ em đã nhiễm Covid-19 có thể lo lắng về việc cho trẻ vận động, tham gia giáo dục thể chất hay chơi các môn thể thao. Dù cho các bậc cha mẹ thường lo sợ trẻ sẽ mệt và khó thở, các hoạt động thể lực luôn là điều kiện để trẻ phục hồi sau mắc Covid tốt hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ bị Covid nặng, trẻ cần được thăm khám toàn diện trước khi tập luyện trở lại. Trong quá trình này, cha mẹ cũng cần theo dõi trẻ, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, trẻ cần ngừng vận động và đi thăm khám ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

430 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan