Thử nghiệm phương pháp điều trị COVID-19 từ huyết tương của người bệnh đã hồi phục

Bài viết bởi Tiến sĩ Đào Thị Mai Lan - Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca tử vong ngày càng tăng cao. Tuy nhiên vẫn chưa có vắc-xin, kháng thể hay thuốc đặc trị cho SARS-CoV-2. Trong các tình huống cấp bách như hiện nay, các bác sĩ cũng với các nhà khoa học đã phải tiến hành thử nghiệm các phương pháp khác nhau, trong đó của phương pháp điều trị bằng huyết tương từ người bệnh đã hồi phục.

1. Liệu pháp huyết tương từ người bệnh đã hồi phục là gì?

Liệu pháp huyết tương từ người bệnh đã hồi phục là phương pháp truyền huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 cho người đang mắc bệnh hoặc người có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh COVID-19. Khi mắc COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại virus. Kháng thể được tiết ra bởi tế bào B và tồn tại trong huyết tương. Khi khỏi bệnh, lượng kháng thể này vẫn tồn tại trong huyết tương của người đã hồi phục. Do đó khi truyền huyết tương có chứa kháng thể này sẽ giúp tạo miễn dịch thụ động hỗ trợ bệnh nhân chống lại virus hoặc có thể dự phòng cho nhiễm virus.

2. Quy trình sử dụng liệu pháp huyết tương của người bệnh đã hồi phục cho bệnh nhân COVID-19

Huyết tương của người hiến được chuẩn bị theo quy trình hiến máu thông thường hoặc sử dụng máy gạn tách máu ngoại vi. Máu của người bệnh đã hồi phục sẽ được sàng lọc các kháng thể trung hòa virus, đồng thời tìm ra các kháng thể có nồng độ cao. Huyết tương có chứa kháng thể trung hòa virus này có thể được truyền vào người nhận theo kiểu điều trị dự phòng để ngăn ngừa khả năng bị nhiễm trong trường hợp người nhận là người có khả năng bị lây nhiễm cao như các y bác sỹ hoặc người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, huyết tương từ người bệnh đã hồi phục có thể sử dụng để điều trị giảm các triệu chứng và tỉ lệ tử vong của người bệnh mắc COVID-19.

huyết tương
Huyết tương sau khi được máy gạn tách máu ngoại vi của người hiến máu

3. Thử nghiệm điều trị COVID-19 bằng huyết tương của người bệnh đã hồi phục

Theo thông tin từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ngày 24 tháng 3 năm 2020 tổ chức này đã thông qua việc sử dụng liệu pháp huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng. Kể từ khi được FDA thông qua đã có 11 bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại New York và Houston được điều trị bằng liệu pháp huyết tương này. Tuy nhiên kết quả tại Mỹ chưa được báo cáo. Gần đây một dự án quốc gia về huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục của Mỹ đã ra mắt website cho bác sỹ và bệnh nhân COVID-19 muốn hiến tặng huyết tương sau khi đã hồi phục. Huyết tương của người hiến tặng sẽ được dùng để truyền cho các bệnh nhân nặng. Đến ngày 1/4/2020 đã có 1,100 người đăng ký hiến tặng.

Trước Mỹ, ngày 27/3/2020 nhóm tác giả tại Trung Quốc đã công bố nghiên cứu trên tạp chí JAMA về thử nghiệm sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục cho 5 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng. Kết quả cho thấy có 3 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện sau hơn 50 ngày, còn 2 bệnh nhân vẫn đang nằm viện ở ngày thứ 37 với tình trạng ổn định. Một nhóm nghiên cứu khác cũng ở Trung Quốc tiến hành thử nghiệm cho 10 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng cũng cho thấy cải thiện triệu chứng lâm sàng sau 3 ngày nhận huyết tương từ người cho, và sau 10 ngày có 7/10 bệnh nhân âm tính với virus. Những kết quả sơ bộ này đã cho thấy liệu pháp huyết tương của người bệnh đã hồi phục có tiềm năng sử dụng cho COVID-19.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp cùng các đơn vị bệnh viện khác đang dự thảo đề tài nghiên cứu sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 khi có chỉ định.

Huyết tương
Sử dụng huyết tương của người đã hồi phục truyền cho người nhiễm COVID-19

4. Tiềm năng của việc sử dụng liệu pháp huyết tương của người bệnh đã hồi phục

Việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục cho điều trị không phải là liệu pháp mới. Liệu pháp này đã được sử dụng trong các đại dịch đầu thế kỷ 20 như đậu mùa, dịch hạch, cúm Tây Ba Nha, H1N1 và cho thấy những bệnh nhân sử dụng liệu pháp huyết tương từ bệnh nhân đã hồi phục giúp giảm các triệu chứng của bệnh và có tỉ lệ tử vong thấp hơn. Trong thế kỷ 21 chúng ta đã chứng kiến 2 đại dịch gây ra bởi họ corona virus là SARS năm 2003 và MERS năm 2012. Trong cả 2 đại dịch này, số lượng người tử vong cao và không có thuốc đặc trị buộc các y bác sỹ phải sử dụng đến liệu pháp huyết tương. Một nghiên cứu tại Hồng Kong trên 80 người mắc SARS cho thấy bệnh nhân sớm được sử dụng liệu pháp (trong vòng 2 tuần khi có biểu hiện bệnh) có cơ hội khỏi bệnh cao hơn nhóm bệnh nhân không được sử dụng liệu pháp.

Mặc dù các đại dịch là do các virus khác nhau nhưng với những kinh nghiệm từ các đại dịch đã có trong lịch sử thì việc sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục cho điều trị bệnh nhân COVID-19 hứa hẹn mang lại hiệu quả.

5. Lợi ích và nguy cơ khi sử dụng liệu pháp huyết tương

Huyết tương của người bệnh đã hồi phục có thể được dùng để điều trị dự phòng hoặc dùng để chữa bệnh. Nếu được dùng trong điều trị dự phòng, lợi ích của phương pháp này là giúp ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh đối với những người có nguy cơ cao như bác sỹ, người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Nếu được dùng trong điều trị bệnh nhân COVID-19, lợi ích của phương pháp này giúp giảm các triệu chứng và tỉ lệ tử vong của bệnh.

Nguy cơ của phương pháp có thể chia làm 2 loại, nguy cơ đã biết và nguy cơ lý thuyết. Các nguy cơ đã biết bao gồm các nguy cơ liên quan đến việc truyền huyết tương từ người cho sang người nhận bao gồm khả năng bị nhiễm các tác nhân gây bệnh khác và phản ứng miễn dịch của người nhận đối với huyết tương của người cho. Nguy cơ lý thuyết liên quan đến hiện tượng tăng cường nhiễm phụ thuộc kháng thể (antibody-dependent enhancement of infection-ADE). ADE xảy ra trong một số bệnh do virus liên quan đến việc tăng cường bệnh khi có mặt một số loại kháng thể. Đối với corona virus, một số cơ chế gây ADE đã được mô tả rằng sự có mặt của kháng thể đối với coronavirus có thể làm tăng cường khả năng nhiễm chủng virus khác. Một nguy cơ lý thuyết khác là việc truyền huyết tương có chứa kháng thể với SARS-CoV-2 vào người nhận có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch do đó dễ bị nhiễm bệnh sau đó.

huyết tương
Truyền huyết tương có chứa kháng thể với SARS-CoV-2 giúp điều trị Covid-19

Trong thời gian chờ đợi có vắc-xin cho COVID-19, có thể mất đến hàng năm, thì liệu pháp huyết tương có thể được dùng để điều trị như một giải pháp trong tình trạng cấp bách. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp cần phải được kiểm chứng thêm.

Nguồn tham khảo: jci.org; msutoday.msu.edu; pnas.org

880 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan