Thực sự vitamin C có thể bảo vệ bạn khỏi COVID-19 không?

Vitamin C có tác dụng làm tăng cường miễn dịch giúp cơ thể phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy vitamin C có khả năng phòng ngừa Covid-19.

1. Vitamin C có thể phòng ngừa COVID-19 không?

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Bệnh nhiễm trùng Trung Quốc, Hiệp hội Y khoa Thượng Hải đã chứng thực việc sử dụng vitamin C liều cao như một phương pháp điều trị cho những người nhập viện với COVID-19. Bổ sung vitamin C liều cao dạng tiêm tĩnh mạch có thể giúp cải thiện chức năng phổi, giúp giảm tình trạng bệnh và hạn chế nguy cơ phải thở máy.

Ngoài ra, một đánh giá năm 2019 cho thấy cả điều trị vitamin C đường uống và tiêm tĩnh mạch (IV) liều cao đều có thể giúp giảm 8% thời gian lưu lại ICU và rút ngắn thời gian thở máy 18,2% ở những bệnh nhân ICU. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã đăng ký một thử nghiệm lâm sàng để nghiên cứu thêm về hiệu quả của vitamin C đường tĩnh mạch ở những người nhập viện với COVID-19, góp phần hạn chế người chết do dịch corona.

Tuy nhiên, vitamin C chưa phải là một phần tiêu chuẩn trong kế hoạch điều trị COVID-19 vì vẫn còn thiếu bằng chứng. Mặc dù vitamin C đường IV liều cao hiện đang được thử nghiệm để đánh giá mức độ hiệu quả trong việc cải thiện chức năng phổi ở những người mắc COVID-19, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể giúp chữa bệnh. Trên thực tế, nó có thể gây ra các biến chứng như tiêu chảy.

2. Có cần thiết bổ sung vitamin C để phòng Covid-19?

Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy bổ sung vitamin C bằng đường uống giúp phòng ngừa COVID-19. Vitamin C tan trong nước nên lượng dư thừa sẽ bị thải ra qua nước tiểu. Ngoài ra, bổ sung vitamin C quá mức có thể gây tiêu chảy, mất nước do rút nước khỏi tế bào vào đường tiêu hóa.

Viên sủi vitamin C
Vitamin C được bổ sung dưới dạng viên nén sủi có thể pha uống

Mặc dù vitamin C liều cao được kỳ vọng là hỗ trợ tốt cho bệnh nhân covid-19, nhưng là đường tiêm tĩnh mạch không phải đường uống. Ngoài ra, chỉ định tiêm tĩnh mạch cũng chỉ dành cho bệnh nhân covid-19 nặng.

Do đó, cách tốt nhất để bổ sung vitamin C cho một người khỏe mạnh là bổ sung các loại trái cây, rau quả giàu vitamin C cùng với các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác.

3. Vitamin C có nhiều trong loại thực phẩm nào?

Nhìn chung, trái cây chứa nhiều vitamin C hơn rau quả. Các loại trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin C bao gồm:

  • Ớt đỏ: 240mg/quả
  • Bưởi: 94mg/quả
  • Nước cam: 93mg/cốc
  • Kiwi: 64-85mg/quả
  • Bông cải xanh: 51mg/ 1⁄2 bông
  • Dâu tây: 50mg/10 quả
  • Cam: 46-70mg/quả
  • Khoai lang: 30mg/quả
  • Cà chua: 30mg/quả
  • Dưa đỏ: 29mg/cốc
  • Súp lơ: 26 mỗi 1⁄2 cốc (tươi sống)
  • Cải cầu vồng: 27mg/cốc (đun sôi).

Nhìn chung, trái cây và rau tươi sống chứa một lượng vitamin C cao hơn so với luộc, hấp, xào. Việc bảo quản thực phẩm kéo dài trong tủ lạnh cũng làm giảm lượng vitamin C có trong thực phẩm.

Chế độ ăn cung cấp 100 - 200 mg/ngày vitamin C là đủ để đáp ứng với nhu cầu sức khỏe ở một người bình thường. Theo đó, vitamin C nên cân nhắc tăng cường trong chế độ ăn đối với những người mắc các bệnh lý như ung thư, tiểu đường, bệnh phổi, nghiện thuốc lá hoặc rèn luyện thể thao cường độ cao.

Nước sốt cà chua
Bên trong cà chua chứa lượng lớn Vitamin C cần thiết cho cơ thể người dùng

Việc ăn 5 loại trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày có thể cung cấp đủ vitamin C. Sữa mẹ được coi là nguồn cung cấp vitamin C đầy đủ cho trẻ nhỏ. Sữa bột dành cho trẻ sơ sinh cũng chứa vitamin C trong thành phần của nó.

4. Khi nào cần bổ sung vitamin C dạng viên uống?

Vitamin C dễ dàng được bổ sung do giá thành rẻ. Việc bổ sung vitamin C nên áp dụng với những người có chế độ ăn thiếu vitamin C, giảm khả năng hấp thụ vitamin C, như:

  • Không ăn trái cây hoặc rau vào hầu hết các ngày trong tuần
  • Rối loạn ăn uống
  • Trẻ nhỏ chỉ bú sữa bò
  • Người già có chế độ ăn nghèo nàn (ví dụ như trà và bánh mì nướng)
  • Chạy thận nhân tạo
  • Dị ứng, hạn chế ăn thực phẩm giàu vitamin C
  • Không đủ khả năng để mua trái cây hoặc rau quả
  • Có quá nhiều chất sắt trong máu (quá tải sắt hoặc bệnh hemochromatosis) dẫn đến thải hầu hết vitamin C khỏi thận

Rối loạn đường tiêu hóa như bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng.

5. Uống liều vitamin C bao nhiêu là đủ?

Theo Hội đồng thực phẩm và dinh dưỡng (DRIs), lượng bổ sung dành cho nhóm đối tượng thiếu vitamin C như sau:

  • Trẻ sơ sinh, 0-6 tháng: 40mg (Uống đủ)
  • Trẻ sơ sinh, 7-12 tháng: 50mg (Uống đủ)
  • Trẻ em, 1-3 tuổi: 15mg
  • Trẻ em, 4-8 tuổi: 25mg
  • Trẻ em, 9-13 tuổi: 45mg
  • Thanh thiếu niên, 14-18 tuổi: 75mg (nam), 65mg (nữ)
  • Người lớn: 90mg (nam), 75mg (nữ)
  • Phụ nữ mang thai: 80mg (<18 tuổi), 85mg (> 18 tuổi)
  • Phụ nữ cho con bú: 115mg (<18 tuổi), 120mg (> 18 tuổi).

Tác dụng của Vitamin C
Sử dụng vitamin C cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Các đối tượng cần bổ sung thêm một lượng 50-100mg vitamin C mỗi ngày so với người khỏe mạnh trong chế độ ăn uống gồm có:

  • Người bị ung thư hoặc có hệ thống miễn dịch bị tổn thương
  • Người uống rượu hàng ngày hoặc quá mức
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Người mắc bệnh phổi
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
  • Những người hút thuốc.

6. Uống quá liều vitamin C có gây ra tác dụng phụ không?

Uống hơn 2000mg vitamin C mỗi ngày có thể gây khó chịu cho dạ dày, có thể gây ra đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn. Vì vitamin C là vitamin tan trong nước nên lượng dư thừa được bài tiết qua nước tiểu thay vì dự trữ. Do đó, bổ sung quá nhiều vitamin C hiếm khi gây sỏi thận.

Vitamin C là một dưỡng chất có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên việc sử dụng vitamin C để điều trị Covid-19 là điều chưa có minh chứng. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung vitamin C với một lượng vừa phải hoặc sử dụng đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo: drugs.com, healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan