9 lợi ích sức khỏe ấn tượng của quả sơn trà (táo gai)

Quả sơn trà (táo gai) không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào mà còn đem đến nhiều lợi ích sức khỏe cho con người, giúp cải thiện các vấn đề về tim mạch, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, cân bằng các vi khuẩn đường ruột và kiểm soát tốt mỡ máu.

1. Quả sơn trà (hawthorn berry) là gì?

Quả sơn trà (hawthorn berry) hay còn được biết đến là quả táo gai, mọc trên cây bụi thuộc chi Crataegus (bao gồm hàng trăm loài) và thường được tìm thấy ở các khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Trên thực tế, loại quả mọng nhỏ bé này được coi là 1 phần quan trọng trong nền y học cổ truyền của Trung Quốc.

Đông y sử dụng quả sơn trà để điều trị các bệnh lý như: Suy tim sung huyết (CHF), rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch và mức cholesterol trong máu cao.

Nhìn chung, quả sơn trà có chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá, chúng có mùi vị hòa quyện giữa chua, thơm và ngọt nhẹ. Màu sắc của quả sơn trà có thể từ màu vàng, đến đỏ đậm và đen. Mặt khác, quả sơn trà cũng được sử dụng rộng rãi để chế biến thành các loại kẹo trái cây, thạch, mứt và rượu.

Trước khi sử dụng quả sơn trà, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang uống bất kỳ loại thuốc kê đơn nào nhằm tránh những tương tác không mong muốn xảy ra.

2. Quả sơn trà (táo gai) mang lại những lợi ích sức khỏe nào?

Nhờ vào thành phần dinh dưỡng phong phú và đa dạng, quả sơn trà được xem là 1 nguồn thực phẩm rất tốt cho cơ thể con người. Dưới đây là 9 lợi ích sức khỏe nổi bật nhất mà quả sơn trà mang lại.

2.1. Quả sơn trà cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể

Trong quả sơn trà chứa nhiều polyphenol, 1 hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, được tìm thấy chủ yếu trong thực vật. Chất chống oxy hóa polyphenol có tác dụng trung hoà các phân tử không ổn định (gốc tự do) khi chúng hiện diện ở mức cao.

Ngoài ra, chất polyphenol trong quả sơn trà còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng, bao gồm khả năng ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn, nhiễm trùng, bệnh tiểu đường tuýp 2, lão hoá da sớm, bệnh ung thư và các vấn đề về tim.

2.2. Quả sơn trà có đặc tính chống viêm mạnh mẽ

Tình trạng viêm mãn tính được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh như hen suyễn, tiểu đường tuýp 2 và 1 số bệnh ung thư.

Trong 1 số nghiên cứu mới đây trên động vật đã cho thấy, việc tiêu thụ chiết xuất từ quả táo gai có thể làm giảm đáng kể mức độ hiện diện của các hợp chất gây viêm trong cơ thể, góp phần làm giảm viêm và các triệu chứng của bệnh hen suyễn.

Với kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia tin rằng chất bổ sung từ quả táo gai có thể mang đến những lợi ích chống viêm ở con người.

quả sơn trà
Tiêu thụ quả táo gai có thể làm giảm đáng kể mức độ hiện diện của các hợp chất gây viêm trong cơ thể.

2.3. Quả sơn trà giúp làm giảm huyết áp

Trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, quả sơn trà là 1 trong những loại thực phẩm thường được khuyên dùng để hỗ trợ cho việc điều trị cao huyết áp.

Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng, quả sơn trà hoạt động như một chất giãn mạch tự nhiên, giúp thư giãn các mạch máu đang bị co thắt trong cơ thể, từ đó hỗ trợ làm giảm mức huyết áp cao 1 cách hiệu quả.

Ngoài ra, khi những người bị tăng huyết áp nhẹ, nếu sử dụng khoảng 500 mg chiết xuất quả sơn trà mỗi ngày thì có thể làm giảm đáng kể được mức huyết áp tâm trương của mình.

Trong một nghiên cứu khác kéo dài 16 tuần ở gần 80 người mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường tuýp 2 đã cho thấy, những người dùng 1200mg chiết xuất quả sơn trà đã cải thiện chỉ số huyết áp tốt hơn so với những người sử dụng giả dược.

2.4. Quả sơn trà giúp làm giảm mỡ máu

Sử dụng chiết xuất quả sơn trà có khả năng cải thiện lượng mỡ máu của bạn. Thông thường, triglyceride và cholesterol là 2 loại chất béo chính có trong máu của bạn. Ở mức bình thường, chúng hoàn toàn lành mạnh và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc sản xuất hormone và vận chuyển các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.

Tuy nhiên, khi nồng độ các chất béo trong máu mất đi sự cân bằng vốn có (đặc biệt là mức cholesterol tốt HDL thấp và chất béo trung tính cao) thì có thể gây ra các tình trạng như xơ vữa động mạch hoặc tích tụ các mảng bám trong mạch máu. Nếu những mảng bám này tiếp tục tích tụ, theo thời gian nó có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn các mạch máu và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.

Trong một cuộc thử nghiệm trên chuột đã cho thấy, khi chúng được sử dụng chiết xuất từ quả sơn trà thì mức cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL cũng như mức triglycerid trong gan thấp hơn 28 – 47%.

2.5. Quả sơn trà có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hoá

Quả và chiết xuất từ sơn trà đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho các vấn đề về tiêu hoá, nhất là bệnh đau dạ dày và chứng khó tiêu.

Loại quả mọng này chứa nhiều chất xơ, có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hoá bằng cách giảm tình trạng táo bón và kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột. Những lợi khuẩn đường ruột được xem là “nòng cốt” cho việc duy trì một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng, những người bị tiêu hoá chậm nên bổ sung thêm chất xơ từ quả sơn trà để kích thích hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, 1 nghiên cứu trên động vật đã cho thấy, tiêu thụ chiết xuất từ quả sơn trà góp phần làm giảm đáng kể quá trình vận chuyển thức ăn trong hệ tiêu hoá. Nghĩa là, thức ăn khi vào cơ thể sẽ di chuyển nhanh hơn qua hệ tiêu hoá, từ đó làm giảm chứng khó tiêu, bảo vệ dạ dày tương tự như 1 loại thuốc chống viêm loét.

quả sơn trà
Quả sơn trà được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho các vấn đề về tiêu hoá.

2.6. Quả sơn trà giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc

Quả sơn trà thậm chí có thể ngăn ngừa hiệu quả tình trạng rụng tóc và hứa hẹn sẽ là 1 thành phần không thể thiếu cho các sản phẩm dưỡng tóc trong tương lai.

Việc sử dụng thường xuyên chiết xuất từ quả sơn trà có thể giúp kích thích sự phát triển của tóc, đồng thời làm tăng số lượng cũng như kích thước của các nang tóc, từ đó thúc đẩy tóc khoẻ mạnh hơn.

2.7. Quả sơn trà giúp làm giảm các triệu chứng lo lắng

Quả sơn trà có tác dụng an thần rất nhẹ, giúp làm giảm các triệu chứng lo lắng. Khi sử dụng chiết xuất từ quả sơn trà, có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn.

So với việc sử dụng các loại thuốc chống lo âu truyền thống, quả sơn trà gây ra ít tác dụng phụ hơn và nó đang được nghiên cứu để trở thành 1 phương pháp điều trị tiềm năng cho các rối loạn thần kinh trung ương, chẳng hạn như chứng lo lắng hoặc trầm cảm.

Nếu bạn muốn bổ sung quả sơn trà vào chế độ ăn uống của mình nhằm kiểm soát các triệu chứng lo lắng, bạn không nên ngừng bất kỳ loại thuốc điều trị nào đang dùng, thay vào đó hãy trao đổi cụ thể với bác sĩ.

2.8. Quả sơn trà sử dụng để chữa bệnh tim

Quả sơn trà thường được sử dụng kèm theo các loại thuốc điều trị bệnh suy tim. Trong một đánh giá gần đây cho thấy, những người sử dụng chiết xuất quả sơn trà cùng với thuốc điều trị suy tim, đã cải thiện đáng kể được chức năng tim và khả năng chịu đựng của cơ thể khi tập thể dục. Ngoài ra, họ cũng cảm thấy ít bị hụt hơi và mệt mỏi hơn sau khi tiêu thụ chiết xuất quả sơn trà.

Những người mắc bệnh suy tim thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng quả sơn trà cùng với các loại thuốc điều trị bệnh hiện tại. Tuy nhiên, liều lượng tối thiểu đem lại hiệu quả khi tiêu thụ chiết xuất quả sơn trà đối với người bị suy tim là 300 mg mỗi ngày. Liều dùng điển hình là từ 250 – 500 mg chiết xuất quả sơn trà, uống 3 lần/ngày. Tốt nhất, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

2.9. Quả sơn trà có thể kết hợp linh hoạt trong chế độ ăn uống

Bạn có thể tìm kiếm quả sơn trà tại các chợ nông sản, cửa hàng thực phẩm sạch hoặc mua trực tuyến trên mạng. Loại quả này rất đa năng và có thể kết hợp linh hoạt vào chế độ ăn uống của bạn theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:

  • Ăn trực tiếp: Quả sơn trà tươi thường có vị hơi chua, ngọt dịu, do đó có thể được sử dụng làm món ăn nhẹ trong ngày.
  • Pha trà: Bạn có thể mua trà được pha sẵn hoặc tự pha bằng quả, lá khô và hoa của cây sơn trà.
  • Làm mứt và các món tráng miệng: Nhiều nơi sử dụng quả sơn trà để làm thành mứt, si rô hoặc nhân bánh.
  • Giấm và rượu: Quả sơn trà cũng có thể được lên men để tạo thành 1 loại đồ uống ngon dành cho người trưởng thành hoặc làm giấm để thêm vào món salad.
  • Thuốc bổ sung: Bạn hoàn toàn có thể bổ sung quả sơn trà dưới dạng viên, bột hoặc lỏng, vô cùng tiện lợi. Thực phẩm bổ sung từ quả sơn trà thường bao gồm quả mọng cùng với phần hoa và lá. Tuy nhiên, một số loại chỉ bao gồm hoa và lá của sơn trà, vì chúng là nguồn tập trung nhiều chất chống oxy hóa hơn là quả mọng.
quả sơn trà
Bạn có thể tìm kiếm quả sơn trà tại các chợ nông sản, cửa hàng thực phẩm sạch.

3. Tác dụng phụ của việc sử dụng quả sơn trà (táo gai)

Việc sử dụng quả sơn trà được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp hiếm gặp, tiêu thụ quả sơn trà có thể gây cảm giác buồn nôn nhẹ, chóng mặt, đau bụng, đổ mồ hôi, nhức đầu, mệt mỏi, đánh trống ngực, mất ngủ, kích động hoặc chảy máu cam.

Ngoài ra, quả sơn trà có tác dụng mạnh lên tim nên nó có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của 1 số loại thuốc điều trị bệnh. Do đó, nếu đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tim, cholesterol và huyết áp, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêu thụ bất kỳ chất bổ sung nào từ quả sơn trà.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com, Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan