Chất làm ngọt nhân tạo và các chất thay thế đường khác

Nếu bạn đang cố gắng làm giảm lượng đường và calo trong chế độ ăn uống của mình thì bạn có thể chuyển sang sử dụng chất làm ngọt nhân tạo hoặc các chất thay thế đường khác. Chất tạo ngọt nhân tạo và các chất thay thế đường khác có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống trên thị trường với nhãn “không đường” và “ăn kiêng”.

1. Chất làm ngọt nhân tạo và chất thay thế đường khác là gì?

Chất thay thế đường là chất làm ngọt mà bạn sử dụng để thay cho đường ăn thông thường. Chất làm ngọt nhân tạo là chất được sử dụng để thay thế đường. Một số nhà sản xuất gọi chất làm ngọt của họ là chất ngọt tự nhiên, dù chúng đã qua tinh chế.

  • Chất làm ngọt tự nhiên: Là chất thay thế đường, được quảng cáo là lựa chọn lành mạnh hơn đường hoặc các chất thay thế đường khác. Dù vậy, các chất làm ngọt tự nhiên cũng thường trải qua quá trình xử lý và tinh chế. Các chất làm ngọt tự nhiên được FDA công nhận là an toàn gồm: Nước ép trái cây và mật hoa, mật ong, mật đường, siro cây phong;
  • Chất làm ngọt nhân tạo: Là chất thay thế đường tổng hợp. Tuy nhiên, chúng cũng có thể có nguồn gốc từ các chất tự nhiên như thảo mộc hoặc đường. Chất làm ngọt nhân tạo còn được gọi là chất ngọt cường độ cao bởi chúng ngọt hơn đường gấp nhiều lần. Nó có thể là lựa chọn thay thế cho đường rất tốt vì chúng hầu như không làm tăng lượng calo trong chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, bạn chỉ cần sử dụng chất làm ngọt nhân tạo với lượng rất nhỏ so với lượng đường bạn thường dùng để tạo ngọt. Chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong các loại thực phẩm chế biến như nước giải khát, đồ uống có đường, đồ nướng, kẹo, bánh ngọt, đồ hộp, mứt, thạch và chế phẩm từ sữa.

2. Lợi ích sức khỏe của chất làm ngọt nhân tạo

Một số lợi ích sức khỏe của chất làm ngọt nhân tạo như sau:

  • Không gây sâu răng;
  • Kiểm soát cân nặng: Chất tạo ngọt nhân tạo hầu như không có calo. Ngược lại, một thìa cà phê đường có khoảng 16 calo. 1 lon nước ngọt có lượng đường khoảng 10 thìa cà phê có tới 160 calo. Vì vậy, nếu muốn giảm cân hoặc kiểm soát việc tăng cân, bạn nên sử dụng các sản phẩm được làm ngọt bằng chất làm ngọt nhân tạo, dù hiệu quả giảm cân lâu dài của nó không rõ ràng;
  • Tốt cho người bệnh tiểu đường: Chất làm ngọt nhân tạo không phải là carbohydrate nên nó không làm tăng lượng đường trong máu như đường ăn thông thường. Dù vậy, người bệnh tiểu đường vẫn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất thay thế đường nào.
Lợi ích chất tạo ngọt nhân tạo
Một lợi ích chất tạo ngọt nhân tạo là không gây sâu răng

3. Nguy cơ rủi ro của chất làm ngọt nhân tạo

Nhiều người cho rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả ung thư. Quan điểm này đến từ các nghiên cứu từ những năm 1970 về mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo saccharin với bệnh ung thư bàng quang ở chuột thí nghiệm. Vì thế, saccharin từng mang nhãn cảnh báo rằng nó có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và các cơ quan y tế khác, không có bằng chứng khoa học cho thấy các chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Nhiều nghiên cứu xác nhận chất tạo ngọt nhân tạo với lượng ít thường an toàn, kể cả với phụ nữ mang thai. Do đó, nhãn cảnh báo của saccharin đã bị loại bỏ.

Các chất làm ngọt nhân tạo được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) quy định là phụ gia thực phẩm. Chúng sẽ phải được FDA xem xét và phê duyệt trước khi có mặt trên thị trường. FDA tuyên bố một chất công nhận là an toàn nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

  • Các chuyên gia coi chất này an toàn cho mục đích sử dụng trên cơ sở dữ liệu khoa học;
  • Các chất này được sử dụng phổ biến trong thực phẩm từ rất lâu trước đó đến mức chúng được coi là an toàn.

FDA cũng thiết lập mức tiêu thụ hằng ngày (ADI) cho mỗi chất làm ngọt nhân tạo. ADI là lượng tối đa được coi là an toàn để tiêu thụ mỗi ngày trong suốt đời. ADI thường được đặt ở mức rất thận trọng.

4. Các chất làm ngọt mới

Chất làm ngọt mới rất khó được phân vào một danh mục cụ thể. Ví dụ như stevia. Tagatose cũng là một chất tạo ngọt mới. Nó là một chất làm ngọt ít carbohydrate tương tự như fructose xuất hiện tự nhiên nhưng được sản xuất từ đường lactose trong các sản phẩm từ sữa.

Tagatose chất tạo ngọt nhân tạo
Tagatose là chất tạo ngọt nhân tạo

5. Tìm hiểu về rượu đường

Rượu đường là carbohydrate xuất hiện tự nhiên trong một số loại trái cây và rau quả. Dù có tên gọi như vậy nhưng rượu đường không có cồn vì chúng không chứa ethanol (có trong đồ uống có cồn). Rượu đường không được coi là chất tạo ngọt mạnh vì chúng không ngọt hơn đường, thậm chí ít ngọt hơn đường. Và cũng như chất làm ngọt nhân tạo, FDA có quy định về việc sử dụng rượu đường.

Rượu đường có chứa calo nhưng chúng có hàm lượng calo thấp hơn đường. Điều đó khiến chúng trở thành một loại thực phẩm thay thế hấp dẫn. Rượu đường thường không được sử dụng khi chế biến thức ăn tại nhà. Tuy nhiên, chúng lại có trong nhiều loại thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác như socola, kẹo cao su và kem đánh răng. Nó làm tăng độ ngọt, kết cấu của thực phẩm và giúp giữ ẩm cho thực phẩm. Rượu đường có nhiều lợi ích về sức khỏe như:

  • Không gây sâu răng;
  • Kiểm soát cân nặng: Rượu đường có calo nhưng ít calo hơn so với đường thông thường nên hỗ trợ việc kiểm soát cân nặng;
  • Ít ảnh hưởng tới bệnh tiểu đường: Rượu đường là carbohydrate có thể làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cơ thể không hấp thụ hoàn toàn rượu đường nên ảnh hưởng của nó đối với lượng đường trong máu nhỏ hơn so với các loại đường khác. Dù vậy, bạn vẫn cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng rượu đường.

Người dùng cần chú ý, khi ăn một lượng lớn, rượu đường có thể có tác dụng phụ là nhuận tràng, gây đầy bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

6. Tìm hiểu về chất làm ngọt tự nhiên

Chất làm ngọt tự nhiên có nhiều cách sử dụng khác nhau tại gia đình và trong các thực phẩm chế biến sẵn. Lợi ích của nó là có vẻ lành mạnh hơn đường nhưng lượng vitamin và khoáng chất của chúng thì không khác nhau quá nhiều. Và chất làm ngọt tự nhiên thường an toàn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung, kể cả chất làm ngọt tự nhiên có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như sâu răng, tăng cân, dinh dưỡng kém, tăng chất béo trung tính. Mật ong có thể chứa một lượng nhỏ bào tử vi khuẩn có thể tạo ra độc tố gây độc nên không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

Khi lựa chọn các chất thay thế đường, dù là chất làm ngọt nhân tạo hay chất làm ngọt tự nhiên, bạn phải là một người tiêu dùng thông thái. Đồng thời, chỉ nên sử dụng chúng ở mức độ vừa phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan