Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

Trẻ còi xương cần bổ sung những chất dinh dưỡng nào là vấn đề lo lắng, thắc mắc của nhiều cha mẹ. Mặc dù cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ còi xương, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất thiết yếu cho trẻ.

Còi xương là bệnh phổ biến, có thể gặp ở trẻ nhỏ từ 3 tuổi trở xuống. Đó là tình trạng cơ thể không đủ lượng vitamin D để hấp thu phốt pho, canxi và chuyển hóa vào xương, gây loạn dưỡng xương.

Trẻ còi xương có thể là do trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc phải hội chứng kém hấp thu, trẻ không được nuôi bú bằng sữa mẹ, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời,...

1. Dấu hiệu, cơ sở nhận biết, phát hiện trẻ còi xương

Có thể phát hiện trẻ còi xương qua những biểu hiện thường gặp như sau:

  • Trẻ thường ngủ không trọn giấc, thường xuyên quấy khóc nhiều.
  • Trẻ đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là lúc ngủ.
  • Trẻ bị rụng tóc ở phía sau đầu, có hình giống vành khăn.
  • Trẻ chậm mọc răng và các cột mốc phát triển khác như lật, bò, đứng, đi
  • Phần đầu có thóp rộng, sờ vào thóp thấy mềm, thời gian đóng thóp lâu, có bướu trán, đầu bẹp.
  • Lồng ngực trẻ không bình thường, phần ức nhô lên, xương cổ tay chân bị bè, chân cong kiểu vòng kiềng hình chữ O, ...
  • Trẻ có thể bị co giật khi canxi trong máu giảm.

Nguy cơ trẻ còi xương sẽ cao hơn nếu trẻ sinh non hoặc sinh đôi, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trẻ bị còi xương với trẻ mắc bệnh còi cọc. Vì không chỉ còi cọc, trẻ có thể bị còi xương kèm theo nhưng cũng có thể không. Trong khi đó, trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương vì trẻ có nhu cầu phốt pho và canxi cao hơn.

2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

2.1. Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương

Trẻ còi xương cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, trong đó, phải đảm bảo cung cấp đầy đủ cho trẻ bốn nhóm chất chính, đó là: Tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.

Đặc biệt, trẻ cần được tập trung bổ sung nhóm vi chất để xương của trẻ phát triển như vitamin D, canxi, phốt pho, kẽm, sắt. Ngoài ra, trong mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ cũng cần được tăng cường bổ sung lượng chất béo từ dầu hoặc mỡ bởi chất béo đóng vai trò hấp thu vitamin D ở trẻ.

Khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương, trẻ cần được quan tâm, theo dõi để kịp thời điều chỉnh chế độ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương
Cần cung cấp cho trẻ đầy đủ 4 nhóm chất chính là tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất

2.2. Nhóm thực phẩm cần thiết đối với trẻ còi xương

Với 4 nhóm chất cần bổ sung cho trẻ còi xương nêu trên, các loại thực phẩm dưới đây được xem là rất cần đối với trẻ vì cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu:

  • Chất đạm và các vi chất dinh dưỡng: Hải sản (cua, tôm, cá hồi, cá mè, ốc, nghêu, sò,...), sữa và chế phẩm từ sữa (sữa chua), lòng đỏ trứng, mè đen,...
  • Vitamin: Rau ngót, rau muống, rau đay, rau bina,...

Một chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh còi xương, thậm chí có thể giúp phòng ngừa bệnh, trẻ phát triển khỏe mạnh.

2.3. Gợi ý thức ăn cho trẻ còi xương suy dinh dưỡng

Cha mẹ có thể tham khảo gợi ý thực đơn, thức ăn được chế biến từ thực phẩm cần thiết đối với trẻ còi xương dưới đây:

  • Bột chân cua, hạt sen, đậu xanh: Cách làm bột chân cua, hạt sen, đậu xanh như sau: sau khi rửa sạch, đem sấy khô thịt phần chân cua, rồi giã mịn thành bột trộn với đậu xanh và hạt sen cũng đã được giã thành bột. Pha bột chân cua với nước cháo loãng để cho trẻ ăn 2 lần/ngày, trong khoảng 15 - 20 ngày. Cha mẹ có thể thêm gia vị muối hoặc đường cho trẻ dễ ăn.
  • Cháo tôm: Cách nấu cháo tôm đơn giản như sau: Sau khi rửa sạch và lột vỏ, giã tôm, xay gạo thành bột và trộn với nhau. Sau đó, cho nước, gia vị để nấu cháo chín. Trẻ còi xương nên ăn cháo tôm 1 lần/ngày, lúc đói, trong khoảng 30 ngày.
  • Cháo cá: Cách nấu cháo cá đơn giản như sau: Sau khi rửa sạch cá (có thể chọn cá quả vì rất bổ dưỡng, làm sạch cần lưu ý loại bỏ phần nội tạng), hấp cách thủy để cá chín, tách phần thịt cá và xương. Tẩm ướp gia vị vào thịt cá, còn xương cá có thể giã và lọc lấy nước nấu cháo. Trộn bột gạo đã đã được xay nhuyễn nấu với nước cá, khi chín thì cho rau cải đã thái nhỏ, thịt cá và gia vị vào. Trẻ còi xương nên ăn cháo cá 2 lần/ngày, ăn cách 1 - 2 ngày và trong khoảng thời gian 18 - 30 ngày.
  • Cháo sụn lợn: Cách nấu cháo sụn lợn cũng tương tự như cháo tôm, cá, chỉ thay bằng phần xương sụn lợn đã rửa sạch và xay thành bột, sau đó gia vị và xào chín. Nấu chín phần sụn lợn với nước rồi cho bột gạo vào, thêm gia vị. Trẻ nên ăn 2 lần/ngày khi bụng đói và ăn từ 18 - 20 ngày.
  • Cháo lòng đỏ trứng gà: Tương tự như các món cháo nêu trên, thay bằng lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín, làm khô, tán thành bột, trộn với bột gạo và nấu chín với nước, thêm gia vị. Trẻ còi xương nên ăn 1 lần/ngày khi trẻ đói và ăn từ 18 - 30 ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương
Cháo tôm là món ăn bổ dưỡng cho trẻ còi xương

3. Phòng ngừa trẻ còi xương

Sức khỏe, sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng với trẻ còi xương. Vì vậy, còi xương cần được phòng ngừa từ giai đoạn mang thai của người mẹ, cụ thể là mẹ mang thai cần lưu ý chế độ ăn giàu canxi mỗi ngày.

Sau khi sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được nuôi bú bằng sữa mẹ hoàn toàn, trẻ được tắm nắng, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày từ 15 - 20 phút. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, cần chú ý cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu canxi như hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa, với lượng và loại phù hợp tháng tuổi của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể bổ sung canxi, vitamin D cho trẻ nhưng cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ nhi khoa. Nơi ở của trẻ nên thông thoáng và có ánh sáng. Khi trẻ bị bệnh về hô hấp hoặc tiêu hóa, cần chú ý theo dõi và điều trị sớm cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương phải đảm bảo 4 nhóm chất chính, đồng thời tập trung bổ sung các vi chất dinh dưỡng và chất béo cần thiết. Đặc biệt, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Nguồn tham khảo: viendinhduong.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan